Ngày 23/11, phó phòng tuyên truyền huyện Vĩnh Thắng, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - Trần Hiểu Minh đã cho đăng lên tài khoản mạng xã hội Sina Weibo của ông những bức ảnh một chiếc xe hơi màu đen, dán nhãn “xe công vụ” và sơn dòng chữ “Nghiêm cấm sử dụng xe công vào việc tư” cùng đường dây nóng để người dân trong huyện có thể gọi cho cơ quan chống tham nhũng, nếu phát hiện xe nhà nước bị lạm dụng cho việc riêng.
Chiếc xe công vụ sơn hàng chữ "nghiêm cấm dùng xe công vào việc tư" (hàng trên) gây xôn xao trên mạng Internet Trung Quốc. Ảnh:Weibo.com |
Ông Trần cho biết, dự kiến đến ngày 30/11, huyện Vĩnh Thắng sẽ hoàn tất việc dán nhãn xe công nhằm đảm bảo xe sử dụng đúng việc.
Chỉ trong vòng 3 ngày đăng tải, nội dung trên đã thu hút gần 4.000 lượt truy cập. Động thái này của chính quyền huyện Vĩnh Thắng, tỉnh Vân Nam đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ của người dân Trung Quốc vốn đã quá chán ngán với tình trạng “tham nhũng” xe công của các quan chức địa phương.
Hơn thế nữa, khi thông tin này xuất hiện trên báo chí và các diễn đàn ở nước ta, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là cứu cánh cho hoạt động chống tham nhũng, lãng phí rầm rộ mà hiệu quả vẫn chưa thấy đâu ở nước ta.
Trên thực tế, hiện tượng sử dụng xe công phục vụ mục đích cá nhân, riêng tư của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức ở nước ta đã không còn là chuyện mới. Xe công phục vụ đám cưới, đám tang, hay được dùng xe đưa vợ con quan chức đi nghỉ mát đều là chuyện người dân có thể phát hiện dễ dàng. Vì vậy mà đóng dấu xe công, cung cấp đường dây nóng là một biện pháp hứa hẹn mang lại hiệu quả và tiết kiệm.
Chỉ cần thấy một chiếc xe công đang đậu trước một trung tâm giải trí, một quán bar hay một tiệm tắm hơi, một tụ điểm hát karaoke... bất cứ người dân yêu nước nào muốn góp công, góp sức vào công cuộc tiết kiệm trong thời buổi kinh tế khó khăn cũng có thể dễ dàng rút điện thoại báo thông tin về đường dây nóng.
Với những người vi phạm sẽ có nhiều mức hình phạt khác nhau như bị kỷ luật, mất quyền được dùng xe nhà nước hay nhẹ hơn thì bị cắt các khoản cung cấp xăng dầu... tùy thuộc vào mức độ và số lần vi phạm.
Quả thực khi nghe thông tin về những về biện pháp chống lãng phí mới này, đã có không ít người lạc quan mơ mộng về những hiệu quả bất ngờ và hành động "nhất cử... đại tiện". Này nhé, không những giúp hạn chế việc sử dụng xe công sai mục đích mà còn có thể tiết kiệm không nhỏ cho Ngân sách Nhà nước khi chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, nguy cơ lạm chi, thậm chí là cả phá sản.
Biện pháp chống "tham nhũng" xe công kiểu mới này lại còn xuất hiện đúng lúc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó quyết định sẽ không cấp kinh phí mua xe công trong năm tới (trừ xe chuyên dung theo quy định của pháp luật) nên lại càng có ý nghĩa và cần phải thực hiện.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2012 số xe công vẫn tăng 2.391 chiếc với tổng giá trị 2.756 tỷ đồng. Trong đó, trung ương tăng 973 chiếc với tổng giá trị 956 tỷ đồng, địa phương tăng 1.418 chiếc với tổng giá trị 1.799 tỷ đồng.
Còn theo thống kê chung, tổng số xe ô tô công hiện nay có 34.565 chiếc với tổng nguyên giá 18.251 tỷ đồng, chiếm 2,11% tổng giá trị tài sản nhà nước. Trong đó, Chính phủ cho hay, phần lớn xe đã sử dụng quá nửa thời gian theo chế độ quy định. Do đó, yêu cầu về nguồn kinh phí để thay thế số xe sử dụng vượt quá thời gian quy định (trên 10 năm) đang gây sức ép không hề nhỏ tới ngân sách Nhà nước.
Trung bình mỗi năm, theo Bộ Tài chính, cả nước có từ 500 – 700 xe công được mua mới. Với quyết định dừng mua xe công trong năm 2014, ai cũng có thể tính được ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.
Tiết kiệm không mua sắm kết hợp với biện pháp chống lãng phí xe công quả thật là "song kiếm hợp bích", hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ.
Có thể nhiều người cho rằng sẽ là quá sớm nếu chúng ta dành hy vọng cho những biện pháp chưa chắc đã được thực hiện như trên. Tuy nhiên, có ai cấm được ước mơ, hy vọng? Vui vẻ thì cứ hy vọng, biết đâu có ngày Nhà nước tiết kiệm được cả đống tiền từ những biện pháp chống lãng phí đơn giản như vậy. Biết đâu đấy...