Việt Nam đang tiến dần tới văn hóa từ chức?

07:16, Thứ hai 19/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Thời gian gần đây, Việt Nam dường như cũng đã có rất nhiều nỗ lực thể hiện sự đổi mới bằng cách đề xuất quy trách nhiệm bộ trưởng trước Thủ tướng.

Văn hóa từ chức

Ở Nhật, đã có rất nhiều trường hợp một vị lãnh đạo cao cấp dù đã làm việc hết sức nhưng trong mắt người dân không thấy hiệu quả thì vẫn phải tự từ chức. Dù quan chức lớn đến cỡ nào chỉ cần có  những rắc rối liên quan, dính dáng đến tên tuổi mình một cách trực tiếp hay gián tiếp cũng tự cảm thấy xấu hổ mà từ chức và công khai xin lỗi.

Cách đây chỉ vài ngày, vào ngày 7/8, người lãnh đạo Quốc phòng Đài Loan đã tuyên bố từ chức vì cáo buộc đạo văn chỉ chưa đầy một tuần nhậm chức thay thế người tiền nhiệm của mình. Ông Dương Niệm Tổ được bổ nhiệm vào vị trí mới thay thế tiền nhiệm Cao Hoa Trụ, người đã buộc phải từ chức trước đó vì cái chết của một binh sĩ bị lạm dụng trong quân đội.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan từ chức sau 1 tuần bổ nhiệm vì cáo buộc đạo văn
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan từ chức sau 1 tuần bổ nhiệm vì cáo buộc đạo văn


Vụ từ chức bất ngờ của ông Dương diễn ra sau khi một nhà lập pháp từ phe đối lập đảng Dân chủ tiến bộ cáo buộc ông đạo văn trong một bài viết in trong cuốn sách xuất bản năm 2007. Trong tuyên bố từ chức, Dương Niệm Tổ đã lên tiếng xin lỗi vì đã làm tổn hại tới uy tín của chính phủ, quân đội và đồng thời đổ lỗi cho đồng tác giả đã đánh cắp tư liệu bài viết.

Tháng 6/2012, Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson đã đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Mỹ Barack Obama.Ông đưa ra quyết định này sau khi xảy ra vụ tai nạn ôtô liên hoàn ở California hồi đầu tháng mặc dù vụ tai nạn này không có bất cứ một nạn nhân nào ngoài chính “thủ phạm”. Ông Bryson ý thức khó hoàn thành tốt công việc khi sức khỏe không đảm bảo vì vậy cần phải để cho những người có sức khỏe hơn, năng lực để gánh trên vai trọng trách của quốc gia.

Tháng 9/2011, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoshio Hachiro, đã từ chức vì các bình luận không đúng mực liên quan tới vụ rò rỉ phóng xạ ở tỉnh Fukushima.  Báo chí Nhật nói rằng ông Yoshio Hachiro, người mới được bổ nhiệm cách nay một tuần vào nội các của tân Thủ tướng Yoshihiko Noda, đã gây phẫn nộ khi gọi các khu vực xung quanh nhà máy điện Fukushima Daiichi đang gặp sự cố là "shi no machi" (thị trấn chết). Các nhân chứng còn nói rằng sau chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân, ông Hachiro còn làm bộ như đang quẹt chiếc áo khoác của ông vào một phóng viên và dọa rằng sẽ khiến anh này nhiễm phóng xạ. Tuyên bố và hành động của Hachiro được xem là thiếu nhạy cảm.

Vài năm trước, sau khi xảy ra một vụ tai nạn đường sắt, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản đã nhận lỗi và xin từ chức. Hoặc cao hơn nữa là cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã phải từ chức vì không thực hiện được cam kết di dời căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa. Và còn rất rất nhiều ví dụ về chuyện các quan chức trên thế giới tự nguyện từ chức.

Có vô cùng nhiều lý do để một nhà lãnh đạo cấp cao đệ lá đơn từ chức. Họ có thể cảm thấy không đảm đương được công việc hoặc để xảy ra những hậu quả, làm mất lòng dân thì và vì lòng tự trọng của một người đã được tin tưởng, họ sẵn sàng từ chức. Cũng có người từ chức vì nhận thấy rằng trong các sự việc đáng tiếc xảy ra, dù chỉ liên quan một phần rất nhỏ, nhưng mình phải chịu trách nhiệm với tư cách lãnh đạo cao nhất. Từ chức dù không phải là việc làm dễ dàng nhưng đối với họ là cần thiết và nên làm. Nó đã trở thành một nét văn hóa trong đời sống chính trị tại nhiều nước.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong bài viết "Vì thiếu văn hóa từ chức" của mình đã cho rằng: "Tại nhiều nước, những nhân vật có tiềm năng kinh tế sau đó mới đi vào con đường chính trị ví dụ Thủ tướng Italy, Thủ tướng Thái Lan... Với họ việc làm chính trị như một sự thôi thúc chứ không phải lẽ kiếm sống. Họ đã có nền tảng kinh tế rất tốt, chuyện từ chức với họ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Còn ở Việt Nam, không khéo người ta làm chính trị vì mục đích kinh tế, điều đó dẫn tới tệ tham nhũng. Ban đầu anh là lãnh đạo tốt nhưng quyền lực có thể làm tha hoá con người. Khi lên hàm Thứ trưởng anh có ôtô. Ngoài ra còn chuyện ơn huệ, lại quả."

Và dường như cũng chính vì vậy mà đã có không ít người Việt cho rằng từ chức là loại hình văn hóa xa xỉ ở Việt Nam.

Đề xuất quy rõ trách nhiệm Bộ trưởng trước Thủ tướng

Tuy nhiên, thời gian gần đây,  Việt Nam cũng đã có rất nhiều nỗ lực thể hiện sự đổi mới bằng cách đề xuất quy trách nhiệm bộ trưởng. Ngày 13/8, trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ, bàn về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chính phủ tập trung thảo luận về chương 7 - quy định về Chính phủ.

Theo đó các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến bổ sung một số quy định nhằm tạo cơ chế hiến định để Chính phủ có thể kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp và quyền tư pháp theo nguyên tắc đã được xác định tại Điều 2;

Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ (Ảnh: Chinhphu.vn).
Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ (Ảnh: Chinhphu.vn).


Đề xuất những vấn đề lớn liên quan đến thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính, thẩm quyền hướng dẫn, giám sát và kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương, thẩm quyền đình chỉ việc thi hành và bãi bỏ văn bản của chính quyền địa phương, chế độ làm việc và chế độ trách nhiệm của thành viên Chính phủ (Điều 95 Dự thảo)...

Theo bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Hiến pháp cần quy định cụ thể việc Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân đối với công tác điều hành trong ngành, lĩnh vực được phân công, tổ chức.

Ông Cường cũng đề nghị bổ sung quy định Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ và bộ máy hành chính nhà nước để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của cơ quan hành chính.

Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: “Trách nhiệm phải được xem xét theo hướng ngày càng rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể. Việc quy định Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng là một biện pháp tăng trách nhiệm cá nhân rất rõ rệt”.

Chốt lại nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, nhất là sự phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.... Thủ tướng đề nghị, các vấn đề trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến Chương 7 - Chính phủ và Chương 9 - Chính quyền địa phương sẽ được tiến hành lấy ý kiến biểu quyết của từng thành viên Chính phủ.

Có thể thấy, những cố gắng trong việc sửa đổi văn bản pháp luật trong việc quy rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trước Thủ tướng là những nỗ lực không nhỏ của nước ta trong việc đổi mới vì mục tiêu xây dựng đội ngũ lãnh đạo giỏi về năng lực nhưng cũng giàu trách nhiệm với nhân dân, đất nước.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc