Việt Nam tăng cường tìm kiếm máy bay Malaysia, đảm bảo chủ quyền

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - "Tàu nước ngoài đến đây chỉ một mục đích duy nhất là tìm kiếm cứu nạn, vậy nên, nếu khi nào phía Việt Nam dừng tìm kiếm thì tàu và máy bay nước ngoài cũng phải dừng tìm kiếm", Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho biết.

Tại sở chỉ huy Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN) đã nghe các đơn vị báo cáo tình hình tìm kiếm, cứu nạn chiếc máy bay mất tích và cho ý kiến chỉ đạo.

Tướng Tỵ cho biết: "Trước hết, chúng ta phải tập trung lực lượng để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Tuy nhiên, cần quán triệt lưu ý đến vấn đề giữ vững chủ quyền. Các lực lượng phải kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động của tàu nước ngoài. Các tàu, máy bay của nước bạn tham gia hỗ trợ tìm kiếm dưới sự giám sát, điều phối của Việt Nam. Chúng ta cần huy động tất cả các lực lượng với phương tiện hiện đại nhất để tìm kiếm máy bay mất tích với tinh thần trách nhiệm cao nhất”.

"Tàu nước ngoài đến đây chỉ một mục đích duy nhất là tìm kiếm cứu nạn, Vậy nên, nếu khi nào phía Việt Nam dừng tìm kiếm thì tàu và máy bay nước ngoài cũng phải dừng tìm kiếm", ông Tỵ cho biết thêm.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN) cùng các tham mưu bàn về kế hoạch tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Trung tướng Võ Văn Tuấn (Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, vẫn dùng số lượng tàu, máy bay và lực lượng như những ngày qua để tìm kiếm máy bay, nhưng máy bay tham gia bay tìm kiếm chỉ duy trì từ 2 – 3 máy bay, để thường xuyên bay quan sát các phạm vị trong khu vực tìm kiếm của Việt Nam. Các máy bay tìm kiếm sẽ bay theo phương pháp nối đuôi nhau, phạm vi hoạt động sẽ được mở rộng ra nữa, không chỉ ở khu vực nghi vấn. Chuyến bay sẽ dài ra hơn, vừa bay vừa để ý ở khu đất liền nước, có thể sẽ ở khu U Minh.

“Cách đây 30 năm, có phi công lái chiếc máy bay MIC rơi xuống biển sông chỉ bị gãy cánh, sau đó tìm thấy, trục vớt lên vẫn sử dụng được. Do vậy, không loại trừ nó bị hỏng và đang nằm dưới nước. Phương pháp là tiếp tục sử dụng lực lượng chia các vị trí kiểm tra khu vực xung quanh. Các máy bay nối nhau liên tục từ sáng tới tối", Trung tướng Võ Văn Tuấn đánh giá.

Theo Trung tướng Trần Quang Khuê (Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam): “Trong những ngày qua, thời tiết tại khu vực tiến hành tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích rất thuận lợi và tạo điều kiện cho tầm quan sát xa nhất trên biển. Mặc dù chúng ta đã huy động rất nhiều các loại máy bay, tàu, với nhiều phương tiện hiện đại nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết nào của chiếc máy bay mất tích. Thêm vào đó, trên khu vực vịnh Thái Lan và phía Nam Cà Mau, tàu cá chúng ta hoạt động rất nhiều cũng chưa phát hiện bất kỳ dấu vết gì. Như vậy có thể nói, ít có khả năng máy bay Malaysia gặp nạn trên vùng biển của chúng ta đảm nhiệm.

“Với tàu thì nên giữ nguyên vị trí các tàu để đảm bảo tìm kiếm và phối hợp, quản lý tàu nước ngoài tham gia tìm kiếm. Về máy bay, thì nên xây dựng lại kế hoạch bay với tần suất bay phù hợp. Riêng với tàu HQ888 nên rút về vị trí ban đầu để thực hiện nhiệm vụ đang tiến hành”, Trung tướng Khuê cũng đề xuất.

Danh sách các tàu, máy bay của các nước tham gia vào tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng phòng không (Không quân Việt Nam) đặt giả thiết, nếu máy bay nổ trên không thì vẫn có mảnh vỡ bay ra, cũng dễ phát hiện hơn. Còn nếu máy bay đã đi sâu vào vùng biển thì cũng phải có manh mối vì đã tìm kiếm cả bên trái và bên phải đường bay dự kiến. Không loại trừ trường hợp máy bay bị tai nạn lại rơi hướng ngược lại vì nó thay đổi hướng bay khi gặp sự cố.

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong ngày hôm nay (12/3) sẽ có 31 tàu, 22 máy bay tham gia tìm kiếm chiếc may bay của Malaysia mất tích. Trong đó, Việt Nam có 9/31 tàu và 8/22 máy bay. Bên cạnh đó, Malaysia tham gia 9 tàu, 4 máy bay; Trung Quốc có 6 tàu, 4 máy bay; Hoa Kỳ có 3 tàu, 4 máy bay; Singapore có 3 tàu, 2 máy bay; Thái Lan có 1 tàu.

Có thông tin Nhật Bản sẽ cử tàu và máy bay tham gia vào cuộc tìm kiếm, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho hay, nếu Nhật Bản gửi công hàm đề nghị tham gia vào tìm kiếm máy bay thì phía Việt Nam sẽ chấp nhận. Nhưng hiện tại, phía Việt Nam vẫn chưa nhận được thông báo từ phía Nhật Bản.

Được biết, tàu HQ 888 - chiếc tàu nghiên cứu biển hiện đại bậc nhất Đông Nam Á của Giáo sư Trần Đại Nghĩa đang thực hiện nhiệm vụ Dự án 198, được trang bị rất hiện đại nhưng lại chạy chậm nên nếu giả sử phát hiện mục tiêu dưới biển thì dùng HQ 888 để đo tia là tương đối tốt. Nhưng hiện chúng ta vẫn chưa phát hiện được mục tiêu có ở dưới biển hay không, nên đề xuất đưa tàu HQ 888 về vị trí cũ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trước đó, tránh gây lãng phí.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn
TIN MỚI CẬP NHẬT