Đỏ mắt tìm kiếm
Thông tin mới nhất từ Cục hàng không Việt Nam cho biết, đến 9h15 sáng nay 10/3, các tàu của Việt Nam đã tiếp cận được địa điểm mà máy bay tìm kiếm báo nhìn thấy mảnh vỡ được nghi là của máy bay Malaysia mất tích. Tuy nhiên, các tàu cứu hộ vẫn chưa tìm được bất kỳ vật thể nào có khả năng là mảnh vỡ của máy bay.
Ông Phạm Việt Dũng, Chánh Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam cho biết rằng, sáng sớm ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu và Phó Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đã vào Phú Quốc để trực tiếp chỉ huy việc tìm kiếm máy bay bị mất tích.
Vật thể trôi nổi (màu trắng) bị nghi là cửa của chiếc máy bay bị nạn mà đội tìm kiếm của Việt Nam chụp ảnh được chiều tối hôm qua. (Ảnh: Cục Hàng không VN) |
Hiện tại đã có 4 máy bay và 7 tàu thủy Việt Nam, 1 máy bay của Singapore; 2 tàu lớn cùng một số tàu nhỏ và 2 máy bay của Trung Quốc được phép vào khu vực tìm kiếm trên lãnh hải Việt Nam. Ngoài ra, phía Malaysia cũng xin phép điều 5 tàu bay vào khu vực nghi có mảnh vỡ để tìm kiếm.
Cụ thể, chiếc máy bay MI17, thủy phi cơ CHD6 đang tích cực tìm kiếm ở khu vực phát hiện ra mảnh vỡ nghi vấn ở cách đảo Thổ Chu 80km về phía Nam.
Trong khi đó, 2 máy bay AN26 bay tầm cao hơn sẽ tiếp tục rà soát, mở rộng khu vực tìm kiếm ở phía trên đảo Thổ Chu và phía Nam đảo Thổ Chu với tổng diện tích tìm kiếm lên đến khoảng 14.000 km2.
Trước đó, vào chiều tối 9/3, một máy bay của Việt Nam đã chụp hình được một vật thể trôi trên biển được nghi là mảnh vỡ của máy bay. Tuy nhiên, do trời tối nên không vớt được vật thể này. Trong đêm 9/3, các tàu của Việt Nam đã tìm kiếm trong phạm vi vật thể nổi nhưng cũng không tìm thấy.
Liên quan đến việc chiều qua (9/3), một máy bay của Vietnam Airline bắt được tín hiệu SOS khi bay qua khu vực huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng, ông Gia cho rằng, sau khi nhận được thông tin, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng đã cử người xuống tận khu vực nghi phát tín hiệu để xác minh, nhưng không tìm thấy nguồn phát, cũng không có tín hiệu nào cho thấy là của máy bay.
Ngay trong cuộc họp báo sáng ngày 8/3, Tổng Giám đốc Tập đoàn Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya cho biết, máy bay mất liên lạc với trạm kiểm soát lưu không Subang vào lúc 2 giờ 40 phút sáng 8/3 theo giờ địa phương (18 giờ 40 phút ngày 7/3 giờ GMT).
Trang mạng nhật báo Strait Times của Singapore tối 9/3 đã đăng tải bài viết nhận định về năm giả thuyết có thể xảy ra trong vụ máy bay số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích trên Biển Đông rạng sáng 8/3 trong đó nhấn mạnh đến các nguyên nhân: khủng bố, hỏng động cơ, nổ trên không, mất lực nâng đột ngột và lỗi phi công.
Trung Quốc điều tàu chiến đi tìm máy bay mất tích
Theo Xinhua, chiều qua, tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu xuất phát từ quân cảng Tam Á và tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn xuất phát từ quân cảng Trạm Giang, lên đường đến tăng viện cho công tác tìm kiếm cứu nạn vụ máy bay mất tích. Đi cùng tàu Côn Lôn Sơn còn có 50 binh sĩ thủy quân lục chiến, các thiết bị cứu nạn và hai máy bay trực thăng do Hạm đội Nam Hải điều động tham gia hỗ trợ.
Tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn. |
Hải quân Trung Quốc cũng điều động tàu Miên Dương và tàu Tỉnh Cương Sơn, dự kiến sẽ đến khu vực máy bay mất tích vào sáng hôm nay và ngày mai.
Phía Trung Quốc đã sử dụng 14 tàu tham gia tìm kiếm gồm 10 tàu hải tuần, ba tàu Nam Hải Cứu 101, 115, 198, một tàu cảnh sát biển 3411 và hai máy bay cứu hộ. Sáng hôm qua, hai tàu Nam Hải Cứu và một tàu cảnh sát biển đến hiện trường.
Trong một diễn biến liên quan, bộ Công an Trung Quốc quyết định gửi một tổ công tác đến Malaysia, để phối hợp điều tra sự việc hai hành khách người Trung Quốc dùng hộ chiếu của người khác lên máy bay mất tích.
Fujian Evening đưa tin công an thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nghi vấn hai hành khách người nước này trên chuyến bay MH370 sử dụng hộ chiếu giả. Các hộ chiếu này ghi do công an Phúc Kiến cấp nhưng mã số và danh tính cá nhân trong đó không khớp nhau.