Máy bay Malaysia mất tích: Rất ít hy vọng ở điều tốt đẹp

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong cuộc họp ngày 11/3, thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã nhận định rằng còn rất ít hy vọng ở những điều tốt đẹp. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu TQ đã dùng dữ liệu vệ tinh phát hiện 3 vệt dầu xung quanh vùng biển mà lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm.

Mở rộng vùng tìm kiếm máy bay mất tích cả trên đất liền

Trong cuộc họp triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trong ngày tìm kiếm thứ 4 (11/3) đối với chiếc máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích, thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã thẳng thắn nhận định rằng còn rất ít hy vọng ở những điều tốt đẹp. 

Ông Tiêu nói: “Cho đến giờ tất cả mọi đánh giá, tiên liệu chúng ta còn rất ít hi vọng những gì tốt đẹp đối với chuyến bay này. Vì vậy quyết tâm tìm kiếm càng nhanh càng tốt, để tìm được, giải đáp được câu hỏi của chúng ta, của các nhà báo, đặc biệt là thân nhân của những người trên chuyến bay.

Mô tả ảnh.
Bản đồ khoanh vùng tìm kiếm ngày 11/3 (Ảnh Tuổi trẻ)

Trước hết với vùng FIR Việt Nam, trách nhiệm của ta là phải làm hết mình hỗ trợ bạn tìm kiếm, đối với các vùng FIR lân cận thì phối hợp các nước xung quanh tổ chức tìm kiếm. Chúng ta không mong muốn, có thể tình huống xấu đã xảy ra nên tôi thay mặt Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia thống nhất với UBND tỉnh Kiên Giang một số việc.

Đó là yêu cầu tỉnh tiếp tục kêu gọi tàu thuyền của ngư dân, thông báo và yêu cầu hỗ trợ trong quá trình đánh cá nếu phát hiện gì thì báo kịp thời cho Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là sở chỉ huy hiện trường. Thứ hai, nếu tìm ra được máy bay thì chắc chắn có công việc tiếp theo, vì vậy đề nghị tỉnh sẵn sàng trách nhiệm của mình, khi tiến hành trục vớt, tìm thấy nạn nhân thì tiến hành ngay”.

Ông Tiêu cũng cho biết đã giao Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc chuẩn bị phương tiện, khu vực để đưa nạn nhân về đây và tỉnh cần chuẩn bị vùng có thể tập kết. Ngoài ra, ông Tiêu cũng đề nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức sẵn sàng công tác y tế, bảo vệ hiện trường và phục vụ hậu cần khi phát hiện được máy bay bị nạn.

Về phương án tìm kiếm trong ngày 11/3, ông Tiêu cho biết các lực lượng gồm hải quân, hàng hải, không quân tiếp tục thực hiện các khu vực tìm kiếm ở vị trí mở rộng về phía đông và đông bắc. Ông Tiêu cũng thông tin: “Hôm qua có thông tin các bức ảnh chụp nghi là mảnh vỡ ở biển Vũng Tàu, tàu hải quân có ra xác định nhưng không có thông tin gì tốt đẹp hơn”.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân - cho biết hôm nay sẽ có 10 máy bay, trực thăng tiếp tục tìm kiếm máy bay bị nạn của Malaysia trên cơ sở đường bay của máy bay này. Theo đó, những máy bay A26 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bay ở độ cao trung bình 3.000-5.000 m, trực thăng Mi bay thấp hơn.

Trong khi đó, Trung tướng Võ Văn Tuấn đã ký công điện thông báo cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh ở phía Nam là Trưởng ban khẩn nguy nằm trong khu vực liên quan, có trách nhiệm triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia bị mất liên lạc, cần chú ý tìm kiếm trên khu vực đất liền. 

Trung Quốc phát hiện 3 vệt dầu gần nơi nghi máy bay mất tích

Ngày 11/3, tờ Quân Giải phóng Trung Quốc đưa tin nước này đã triển khai 10 vệ tinh trên bầu trời nhằm tìm kiếm dấu vết của chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích một cách bí ẩn trên Biển Đông.

Thông tin trên được đưa ra sau khi phía Trung Quốc hối thúc chính phủ Malaysia đẩy nhanh công tác tìm kiếm chiếc máy bay chở theo 239 người này.

Các vệ tinh này sẽ tận dụng khả năng chụp ảnh mặt đất với độ phân giải cao và các công nghệ hiện đại khác để “hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay mất tích”. Các vệ tinh này cũng sẽ giúp theo dõi thời tiết, hỗ trợ liên lạc cho chiến dịch tìm kiếm cứu nạn.

Mô tả ảnh.
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc vừa cho thấy 3 vệt dầu gần khu vực nghi là nơi chiếc Boeing 777 mất tích. (Ảnh: Tri Thức)

Trong khi đó, Viện viễn thám và kỹ thuật số trái đất RADI thuộc Viện khoa học Trung Quốc đã phản ứng tức thời sau khi chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia (MAS) mất liên lạc vào sáng sớm 8/3. Họ kiểm tra các dữ liệu vệ tinh ngày 8/3 và 10/3, sau đó phát hiện 3 vệt dầu xung quanh vùng biển mà lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm máy bay mất tích.

CCTV đưa tin, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã gửi các mẫu tới các cơ quan chức năng để phân tích.

Trước đó, Tân Hoa Xã đưa tin, vào khoảng 9h20 sáng nay (11/3), tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn hiện đại nhất Trung Quốc tới vùng biển phía nam Việt Nam, mang theo nhiều trực thăng và thợ lặn, để tìm kiếm phi cơ Boeing 777 mất tích. Tàu xuất phát từ thành phố Trạm Giang, Quảng Đông, hôm 9/3.

Các máy bay trực thăng và hai tàu đổ bộ con được kiểm tra và bảo dưỡng liên tục. Ngoài ra, nhiều bác sĩ, thiết bị y tế sẵn sàng cứu hộ trên tàu. Trong khi đó, phân đội thợ lặn đang nghiên cứu môi trường biển, dòng hải lưu, hiện trạng đáy biển.

Đến thời điểm hiện tại, hàng chục tàu thuyền, máy bay của 10 quốc gia vẫn đang quần thảo trên vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Malaysia để tìm kiếm vết tích nhưng máy bay Malaysia vẫn biệt tăm. Trong khi những lo ngại về khả năng xảy ra tấn công khủng bố trên chiếc MH370 ngày càng tăng lên.

Pháp sư nổi tiếng Malaysia ra tay tìm kiếm

Để góp sức tìm kiếm được chiếc máy bay mất tích này, pháp sư nổi tiếng Malaysia, ông Ibrahim Mat Zin đã có mặt tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào ngày 10/3 (theo giờ địa phương). Ông cho hay đã được một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu Malaysia mời tới để tìm kiếm máy bay mất tích bằng phương pháp tâm linh. 

Ông Ibrahim nói "Chúng tôi dùng móc bẫy cá và một ống nhòm tre để tìm kiếm và kêu gọi sao cho các nạn nhân được tìm thấy càng sớm càng tốt".

Tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, pháp sư Ibrahim đã thực hiện lễ cầu nguyện cho chiếc máy bay mất tích. Ông cho biết "Trong quá trình cầu kinh, đôi mắt tôi bị đau và tôi chỉ thấy màu đen trước mắt. Tôi nghĩ máy bay vẫn ở trên không hoặc vừa rơi xuống biển. Tôi sẽ quay lại đây (sân bay) vào 2 ngày tới để cầu kinh và mang theo một thứ gì đó."

Ngoài ra, ông cũng kêu gọi tất cả mọi người cầu nguyện cho chuyến bay mất tích.

Pháp sư Ibrahim đã từng có 50 năm kinh nghiệm. Ông trở nên nổi tiếng sau khi phục vụ tìm kiếm các nạn nhân của một số vụ việc lớn ở Malaysia, như vụ sập Tháp Highland, lũ lụt ở Kuala Dipang và vụ ca sĩ Mona Fandey giết người.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn