VN vẫn tiến hành tìm kiếm trong khi chờ Malaysia có thông tin chính thức

10:21, Thứ tư 12/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hôm nay 12/3, Trung tướng Võ Quốc Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho biết việc tìm kiếm máy bay Malaysia MH370 mất tích vẫn đang được tiếp tục.

Vẫn tiếp tục tìm kiếm

Sáng nay 12/3, tại Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN), trung tướng Võ Quốc Tuấn – phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho biết việc tìm kiếm máy bay mất tích vẫn đang được tiếp tục. Việt Nam đã huy động những phương tiện hiện đại nhất vào tìm kiếm.

Mô tả ảnh.
Ông Phạm Quý Tiêu trả lời báo chí sáng 12/3 (Ảnh Tuổi trẻ)

Đại diện Sở chỉ  huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không VN cho biết Cơ quan hàng không Malaysia chưa có nguồn tin chính thức về việc có hay không mảnh vỡ của máy bay mất tích ở eo biển Malacca. Do đó, họ chưa khẳng định chính thức thông tin này.

Đến thời điểm này đã có 10 nước tham gia tìm kiếm. Một số tàu nước ngoài đã vào lãnh hải Việt Nam để tìm. Theo ông Tuấn, các tàu nước ngoài sẽ là lực lượng phối thuộc, chịu sự chỉ huy hướng dẫn của Việt Nam khi hoạt động trong lãnh hải Việt Nam.

Trước đó, tại cuộc họp báo sáng nay tại Sở chỉ huy tiền phương đặt tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết Việt Nam sẽ ngưng phần lớn hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia.

Còn ông Phạm Văn Long - Phó giám đốc Công ty quản lý bay miền Nam - thừa ủy quyền của Ủy Ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia - cũng đã tuyên bố trong ngày hôm nay (12/3) tất cả lực lượng không quân, hải quân và các lực lượng khác tham gia tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia mất tích đang phải tạm dừng, lực lượng đang ở biển cũng phải dừng tại chỗ chờ lệnh chính thức của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, Việt Nam sẽ dừng phần lớn hoạt động tìm kiếm, nhưng vẫn duy trì hoạt động tìm kiếm tại vùng FIR (vùng thông báo bay). Phía VN chờ thông tin chính thức từ Chính phủ Malaysia.

Trả lời câu hỏi của báo chí: Cơ quan chức năng của Việt Nam có thất vọng hay không về việc chậm trễ công bố thông tin dấu hiệu máy bay Malaysia mất tích ở Malacca, thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đáp: "Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ nên hỏi thân nhân của những nạn nhân trên máy bay đó có thất vọng hay không?"

Malaysia Airlines che giấu tin báo khẩn từ máy bay Malaysia mất tích?

Trong khi đó, tạp chí New Scientist cho rằng, máy bay mất tích Boeing 777-200ER đã gửi ít nhất 2 tin báo kỹ thuật về hãng hàng không Malaysia Airlines trước khi mất tích.

Theo New Scientist, các tin báo dữ liệu kỹ thuật mà Boeing 777 gửi về trước khi mất tích có khả năng giúp các nhà điều tra khám phá ra điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay này sau khi nó biến mất không để lại dấu vết ngày 8/3.

Tuy nhiên, theo New Scientist: “Hãng hàng không Malaysia Airlines đã không tiết lộ gì về việc họ có nhận được những tin báo từ hệ thống ACARS (Hệ thống Báo cáo và Định vị Liên lạc Máy bay có khả năng tự động kết nối và liên lạc với mặt đất thông qua các tin báo) hay họ biết được điều gì từ những tin báo ACARS”. Thông thường hệ thống ACARS sẽ tự động đối chiếu và gửi đi 4 thông báo kỹ thuật trong mỗi chuyến bay để giúp các kỹ thuật viên nắm được cụ thể thông số kỹ thuật của máy bay và phát hiện sự cố kịp thời.

Mô tả ảnh.
Giám đốc Điều hành của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) Ahmad Jauhari Yahya phát biểu trong một cuộc họp báo về vụ mất tích chuyến bay MH370.

Các tin nhắn ACARS được gửi qua sóng radio VHF hay vệ tinh tại một số thời điểm trong chuyến bay, chẳng hạn như lúc cất cánh, trong quá trình tăng độ cao, một số thời điểm trong lúc đang bay và lúc hạ cánh.

Trong một tuyên bố công khai, hãng hàng không Malaysia Airlines có khẳng định: “Tất cả các máy bay của hãng đều được trang bị hệ thống truyền dữ liệu tự động ACARS. Tuy nhiên, chuyến bay MH370 đã không gửi đi bất cứ thông tin hoặc cuộc gọi báo tình huống nguy cấp nào”.

Chiếu theo tuyên bố của Malaysia Airlines, nghĩa là họ không nhận được bất cứ dữ liệu cụ thể nào từ máy bay mất tích. Nhưng New Scientist được biết, nhà sản xuất động cơ Trent 800 cho chiếc Boeing 777 bị mất tích là Rolls Royce đã nhận được 2 báo cáo dữ liệu từ chuyến bay MH370 tại trung tâm giám sát tình trạng động cơ toàn cầu của họ ở thành phố Derby (Anh), nơi giám sát 24/24 động cơ đang được sử dụng do hãng này sản xuất”.

"Một tin báo được gửi khi chuyến bay MH370 cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur và tin báo còn lại được gửi khi máy bay bắt đầu tăng độ cao hướng về phía Bắc Kinh. Chiếc máy bay dường như đã không hoạt động đủ lâu để gửi thêm các tin báo ACARS", tạp chí New Scientist cho hay.

Ngoài ra, tạp chí này cũng khẳng định thêm rằng, dữ liệu về động cơ có trong tin báo tự động ACARS bao gồm toàn bộ thông tin điện tử và tình trạng hệ thống chuyến bay. Do đó, “điều này đồng nghĩa với việc hãng hàng không Malaysia Airlines đã có một số manh mối về tình trạng của chiếc máy bay trước khi nó biến mất”.

Tuy nhiên, theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế các tin báo nói trên thường được giữ bí mật cho đến khi các nhà điều tra cần đến chúng.

Hiện nay, việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đã được mở rộng tới eo biển Malacca, cách xa vị trí các thiết bị theo dõi điện tử liên lạc được với nó lần cuối cùng khoảng 1000 dặm. Việc mở rộng tìm kiếm làm tăng đáng kể khả năng chiếc máy bay đã bay băng qua đất liền Malaysia, trước khi rơi xuống biển mà không được bất cứ radar nào phát hiện.

Giới chức Malaysia Airlines cho biết, hiện bờ biển phía tây của Malaysia gần eo biển Malacca là trọng tâm của cuộc săn lùng chiếc máy bay mất tích.

Tướng TQ mượn cớ vụ máy bay Malaysia đòi xây cảng ở Trường Sa

Tính đến ngày 12/3, Theo thông báo của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trên biển Việt Nam có 6 tàu và 4 máy bay Trung Quốc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích, trong đó có tàu đổ bộ lớn nhất của hải quân nước này. 

Trong khi đó, trang tin China.org.cn mới đây dẫn lời ông Doãn Trác biện hộ rằng hiện nay hải quân Trung Quốc không có cơ sở cứu hộ tại các quần đảo họ chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông nên khó triển khai tàu cứu hộ khi cần. Không những vậy ông này còn đề xuất xây dựng một sân bay ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và biến quần đảo Hoàng Sa, cũng thuộc chủ quyền Việt Nam, thành trung tâm liên lạc biển trong khu vực.

Theo giới quan sát, đề xuất của ông Doãn không chỉ đơn thuần nhằm phục vụ công tác cứu hộ mà để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông