Vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam kể bí quyết trường thọ

09:48, Thứ ba 24/01/2012

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bà Lành giống như một điển hình của một người phụ nữ rặt chất Nam bộ với đức tính hiền hậu, thương con thương cháu, lại đảm đang.

(Phunutoday) - Cả cụ ông và cụ bà đều đã bước qua cái tuổi bách niên giai lão, vừa được công nhận là cặp vợ chồng sống thọ nhất nước ta và cả ông lẫn bà đều vẫn còn minh mẫn. Dịp năm mới, tôi đến thăm và trò chuyện, mới thấu hiểu vì sao họ lại sống được đến “đầu bạc răng long”với nhau một cách kỳ lạ như thế. Tận mắt thấy cảnh sinh hoạt, thấy con cháu hai cụ xum vầy, mới phần nào hiểu được cái bí quyết trường thọ của hai cụ.

1. Tôi đến thăm nhà cụ Huỳnh Văn Lạc và cụ Nguyễn Thị Lành, là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam. Cụ Lạc năm nay đã 110 tuổi, và cụ Lành được 106 tuổi xuân. Trong khuôn viên rộng rãi còn đậm chất truyền thống Nam bộ, nhà hai cụ ở khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, con cháu quây quần cất nhà cửa sống chung quanh.

Chiều nắng vàng lan tỏa trên những chậu hoa cúc, hoa mai trước nhà. Trong nhà phảng phất mùi dầu khuynh diệp, kệ tủ gỗ ngăn thành căn phòng thoáng đãng được kê một bộ ván và một chiếc giường tre. Cụ Lạc nằm trên giường tre, còn cụ Lành đang ngủ ngon trên bộ ván. Ông đang tâm sự, trò chuyện để bà có giấc ngủ yên lành.

Bà Huỳnh Thị Hoa, năm nay 71 tuổi, là con thứ ba của hai cụ, theo cách gọi của người miền Nam là bà Tư, tiếp đón tôi bằng nụ cười đôn hậu, niềm nở. Được thừa hưởng gien từ hai cụ thân sinh, bà Hoa vẫn nhanh nhẹn, nước da trắng, mịn màng, dù cái tuổi của bà so với những người khác thì cũng thuộc loại thọ lắm.

Cho đến thời điểm hiện nay, cụ Lạc và cụ Lành đã có với nhau 4 người con, người con lớn nhất của hai cụ là ông Huỳnh Văn Dương năm nay 74 tuổi, còn người con gái út là bà Huỳnh Thị Nhị đã 69 tuổi. Ở đại gia đình của hai cụ, đến giờ, đã có đến 24 cháu nội ngoại, 40 cháu cố, và trong tháng 12/2011, có một cháu sơ ra đời.

Cụ Huỳnh Văn Lạc và Nguyễn Thị Lành đã bước qua cái tuổi bách niên giai lão nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe lạ thường.
Cụ Huỳnh Văn Lạc và Nguyễn Thị Lành đã bước qua cái tuổi bách niên giai lão nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe lạ thường.

Bà Hoa giới thiệu cho khách rằng dòng họ nhà bà từ đời ông cố đã sinh sống ở đây, làm nghề thuốc Bắc truyền thống. Vốn dĩ, cha ông Lạc mất sớm, nên mẹ ông phải tảo tần nuôi 4 người con. Nối nghiệp của cha, anh ruột ông Lạc là cụ Huỳnh Văn Niệm vào thời đó nổi tiếng chữa bệnh thận, bệnh phù thũng, được người dân khắp nơi rước đến nhà chữa bệnh.

Ông Lạc cũng biết nghề bốc thuốc, chữa bệnh chút ít, nhưng chủ yếu, ông ở nhà làm ruộng rẫy, trồng trầu, trồng hoa màu… Tuy nhiên, phải nói rằng cái nghề mà ông thạo nhất đó là nghề trồng thuốc lá, loại thuốc mà ông làm được mọi người khen rất ngon, có tiếng ở làng thuốc lá Gò Vấp một thời trước. Gia cảnh nghèo, cha lại mất sớm nên ông rất khéo léo, cáng đáng công việc ruộng đồng, cơm nước, ít để mẹ phải đụng tay vào việc gì. Trai tráng trong làng đã lấy vợ hết, thế mà đã 28 tuổi rồi, ông vẫn chưa lập gia đình.

Trong một lần đi vô xóm trong để mua cây thuốc con về trồng, ông gặp ông Bảy có hai người em gái chưa có chồng. Biết ông Lạc chịu thương chịu khó, giỏi giang làm lụng nên ông Bảy có ý làm mai ông Lạc cho em gái út của mình. Bà Lành tuy hơi nhỏ con, nhưng có nước da trắng trẻo, mịn màng như bông bưởi.

Nhiều chàng trai trong vùng cứ chạm mặt là ngỏ lời thương bà, nhưng không hiểu duyên số sắp đặt thế nào mà thuở đó, nam nữ lấy vợ, lấy chồng rất sớm, còn bà Lành cũng đã 24 tuổi rồi mà vẫn chưa ưng ai. Khi được ông Bảy giới thiệu, vun vén, ông Lạc cảm thương người con gái nhỏ nhắn, dịu dàng.

Bà Lành sau này vẫn thường nhắc lại những ấn tượng của ngày đầu biết ông: “Ông là nông dân rặt, tuy nhà nghèo nhưng hiền lành, chịu thương chịu khó, lo làm lụng, lại biết cả tiếng Nho, tiếng Pháp. Ông rất có hiếu với mẹ, đi làm đồng về là ông xắn tay vào lo cơm nước cho mẹ. Đàn ông gì mà còn rành cả thêu thùa, may vá…”. Rồi ông bà ưng nhau, cả hai gia đình sắp đặt cho đám cưới.

Nhắc lại ngày vui đó, dù đã gần một thế kỷ trôi qua, bà Lành vẫn sang sảng kể lại với tôi: “Ngoài 20 tuổi, tui với ổng cùng trang lứa với nhau rồi tìm tòi, gặp gỡ. Khi ngày giờ, tuổi tác được, rồi đám hỏi, đám cưới diễn ra. Ngày cưới đi xe bò, xe bò rước dâu có đeo chuông lục lạc, trải chiếu hoa đẹp lắm. Tui với ổng bận áo cặp, giờ trong tủ còn cất làm kỷ niệm. Đằng trai tới rước dâu mấy xe, đằng gái đáp lại cũng mấy xe”.

2. Khi tuổi hai cụ lớn hơn một chút, các con cháu lần lượt có gia đình, cất nhà ra ở riêng, nói là ở riêng nhưng cũng nằm trong khuôn viên đất của cha mẹ, chỉ cách nhau vài bước chân. Trong ký ức của các con hai cụ già, thì hồi ông bà còn trẻ ít khi thể hiện tình cảm công khai trước mặt mọi người. Trong nhà có bộ ván và cái giường tre đã gắn bó khăng khít với hai cụ bấy lâu, thường ông thích nằm giường tre, còn bà thì nằm bộ ván trong buồng. Nhưng để ý kỹ mới thấy, tuy không bày tỏ tình cảm ra ngoài, nhưng khi nào đến bữa ăn cơm, nếu chưa thấy bà ra ăn là ông chờ cho bằng được, không hề có chuyện kẻ ăn trước, người ăn sau.

Cái cách mà bà quan tâm, lo lắng cho người khác cũng thật dễ thương. Hôm tôi đến, hỏi thăm sức khỏe của bà, bà nắm lấy tay tôi và hỏi: “Cháu ở đâu?”. Biết tôi ở Thủ Đức, bà móm mém, ân cần chặc lưỡi: “Đi một mình tội nghiệp hông”. Rồi bà hỏi thăm rất nhiều: “Ba mẹ còn khỏe hả? Anh em được mấy người? Cháu nhiêu tuổi? Mấy đứa con rồi?”.

Cũng là cái nắm tay dịu dàng, bà Hoa kể mới đây thôi, má còn nắm tay ba, lo lắng: “Bữa nay ông ốm lắm, ráng ăn đi nghe hông!”. Đến chừng ấy tuổi mà quan tâm như thể ngày đầu mới yêu nhau thì cũng là chuyện hiếm hoi trong cuộc đời.

Theo con cháu của hai cụ, thì khoảng 3 năm nay, ông Lạc bắt đầu nghe không rõ và dần dần bị điếc luôn, còn bà Lành cũng hơi lãng tai. Thế mà lâu lâu, tỉnh tỉnh một chút, ông vẫn nhắc nhở con cháu: “Má bây ăn cơm chưa? Lấy cơm cho bả ăn đi nghen”.

1
Cụ Nguyễn Thị Lành vẫn hỏi thăm tíu tít khách đến nhà.

 Trước đây, hai cụ sống với gia đình người con đầu là ông Hai Dương. Sau đó, khoảng 10 năm nay, bà Hoa về hưu nên có thời gian nhiều hơn, vừa làm công tác xã hội địa phương, vừa nhận trách nhiệm túc trực chăm sóc ba má. Trong số 4 người con của cụ Lạc và cụ Lành, thì bà Hoa dù là con gái nhưng cha mẹ tiến bộ nên tạo điều kiện cho bà đi học lên cao. Bà Hoa từng làm công tác chăm sóc người lang thang cơ nhỡ, có hiểu biết về y học nên có kiến thức chăm sóc hai cụ được chu đáo, cẩn thận hơn.

Bà Hoa kể: “Có đêm, ba tôi bị sốt, trằn trọc mãi, khó ngủ. Tôi phải lau mát cho ông suốt đêm. Sáng ra, tôi nói với má. Má tôi thể hiện ngay sự lo lắng cho ba giống như những gì má đã lo cho ba từ thời còn trẻ: “Coi chừng ba bây có khỏe không. Lo thuốc men cho ba bây đi, tội nghiệp ổng lắm. Coi ổng thích gì thì nấu cho ba bây ăn”.

Đổi lại, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, lại càng hiếm vì đôi vợ chồng cùng qua cái tuổi trăm năm bên nhau, ông cũng vẫn quan tâm đến bà: “Bây lấy túi chườm nóng cho mẹ bây đi, nhớ đắp mền, mang vớ cho bả, phải ấm mới khỏe”. Ở đời, khi trẻ thương yêu nhau thế nào thì đến già vẫn vậy. Tình cảm của hai ông bà dành cho nhau thật đáng ngưỡng mộ, khâm phục biết bao trong cái thời đại mà các giá trị truyền thống, các giá trị tình cảm bị coi nhẹ như hiện nay.

3. Đối với con cháu, có rất nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc về nhân cách của ông bà, trong đó có lần cách đây khoảng 3 năm, Nhà nước kêu gọi hiến đất làm đường, mà phần đất thuộc nhà người con trai trưởng là ông Hai Dương có hàng mai mấy chục năm tuổi, những cây xoài, cây mận trĩu quả.

Lúc đó, ông Hai Dương bật khóc vì tiếc hàng cây quý, rồi gia đình còn khó khăn, đất lại đang được giá, hơn nữa, phần đất nằm trong quy hoạch làm đường lên đến hàng trăm mét vuông. Khi ấy, cụ Lạc vẫn còn minh mẫn nên các con tụ họp lại để nhờ ba phân xử. Ông cụ khuyên bảo: “Hồi xưa, ông bà còn đắp đường, thí nước.

Đường ruộng nhà mình phải luôn luôn đắp bờ để người khác đi không té. Ở nhà bỏ cái lu nước sạch cho người đi ngang đường uống. Giờ Nhà nước làm đường là có lợi cho dân, là để ai cũng được đi ngang con đường này hết”. Nghe ông cụ nói vậy, cả nhà nhất trí bắt tay đốn cây, đào đường để nhanh chóng giao đất cho Nhà nước.

Trong ký ức của bà Hoa, hai cụ thân sinh rất tiến bộ, dù bà là con gái nhưng được tạo điều kiện đi học thành tài. Thuở ấy, gia đình còn rất khó khăn, thế mà cha mẹ cố gắng cho bà học tới lớp ba, sau lên lớp nhì thì lên Sài Gòn học. Khi bà thi lên lớp nhì, có thầy ở Sài Gòn lên dạy và dẫn đi thi lấy học bổng. Thi xong, vì nhớ bà nội, nhớ má nên bà Hoa một mình đón xe ngựa từ Bà Chiểu trở về nhà tại Mười tám thôn vườn trầu.

Thầy không biết nên lo sợ, tá hỏa đi kiếm không được mới báo lính mất một đứa học trò. Tới lúc thầy về, thấy học trò đang ở nhà thì rất mừng. Khi ông Lạc biết, mới la con: “Tại sao con không lễ phép, đi về không khoanh tay thưa thầy?”. Để chuộc lỗi, ông bắt phạt bà Hoa phải ăn mặc chỉnh tề để xuống xin lỗi thầy.

Ngược lại với sự nghiêm khắc của ông Lạc, bà Lành lại rất dịu dàng và cưng chiều con, không bao giờ la mắng con cháu. Đặc biệt, bà có cái đức nhẫn nhịn, không bao giờ to tiếng với ai. Những người hàng xóm sống xung quanh cho biết, họ chưa nghe trong nhà hai cụ có tiếng nặng, tiếng nhẹ bao giờ. Kể cả sự nghịch ngợm của con lúc nhỏ, hay những lỗi lầm khi đã là một người trưởng thành, mỗi khi con cái có gì sai trái, bà Lành lại tỉ tê với con: “Phải nghe lời má nghe hông, không má méc ba”.

Khi các con còn nhỏ, mỗi lần dẫn bạn về chơi, bà biểu mấy đứa nhỏ muốn leo cây hái trái gì ăn thì ăn. Còn bà tự đếm xem có bao nhiêu đứa, sau đó bà đi quanh nhà hái măng, lượm trứng, hái rau về làm đủ món cho đám trẻ ăn. Vì thế, bọn trẻ ngày nào cũng tụ tập đến nhà đông vui, ai cũng quý mến ông bà đến lạ.

Bà Lành giống như một điển hình của một người phụ nữ rặt chất Nam bộ với đức tính hiền hậu, thương con thương cháu, lại đảm đang. Thời trước, lúc mặt hàng thuốc lá do cụ Lạc làm ra nổi tiếng trên thị trường thì số lượng bạn hàng đến đặt mua rất nhiều. Do đó, trong nhà lúc nào cũng có mấy chục người thợ cùng ông Lạc sắt lá thuốc, phơi thuốc. Bà Lành tuy nhỏ con nhưng rất khéo léo, đảm đang lo việc nội trợ, mấy chục con người mà ngày nào bà cũng lo lắng cơm nước đầy đủ. Giờ nhắc lại, bà còn nói với tôi: “Bà đi chợ nấu ăn không thua ai”.

Hồi mới cưới dâu về, mẹ chồng bà Lành rất thương con dâu. Bà Lành cũng hết mực chăm sóc, lo miếng ăn, giấc ngủ cho mẹ chồng. Trước đây, bà luôn tự hào, nhắc nhở với con cháu, thì nay, lâu lâu, tỉnh táo, bà Lành vẫn tâm sự với con: “Không dễ gì có một người mẹ chồng giống như bà nội con. Má thương bà nội không khác gì bà ngoại. Hồi má mới lấy chồng ít lâu, mẹ của má bệnh nặng, bà nội kêu về chăm sóc bà ngoại. Khi bà ngoại mất, má dồn hết tình thương cho bà nội”.

Chính vì sự nghiêm khắc của ông, sự mềm mỏng, tâm lý của bà mà con cháu sau này sống rất khuôn phép, nề nếp, ra đời ai cũng tử tế, được mọi người yêu quý, nể trọng.

4. Khi tôi hỏi về bí quyết giúp hai ông bà bách niên giai lão bên nhau, con cháu của bà cho biết, thực ra cũng chẳng có bí quyết gì. Bà Hoa thì lý giải giản đơn rằng cuộc sống của hai ông bà từ xưa đến giờ ăn uống đạm bạc, trồng lúa, ăn cá đồng, rau cỏ tự nhiên, không hóa chất. Nói về ba, bà Hoa tự hào: “Ông sống không đua đòi, an phận, trọng nhân nghĩa. Trong gia đình cũng không có biến cố gì lớn”.

Ông bà trước đó ít khi nào có bệnh tật. Đến năm 1998, ông Lạc 97 tuổi, còn bà bước sang tuổi 93. Thời gian ấy, bà liên tục ăn vào là có biểu hiện trào ngược, muốn đi ngoài. Thậm chí bà ói, đau bụng, lăn lộn đến xỉu. Khi được đưa đến bệnh viện Hoàn Mỹ, bác sĩ chẩn đoán bà có khối u không bình thường ở ruột. Còn ông thì cũng bị khối u ở bao tử và nằm điều trị ở bệnh viện khác.

Thế nhưng, một điều bất ngờ, ly kỳ đã xảy ra. Đó là sau khi mê man bất tỉnh, và lúc tỉnh dậy, thấy mình nằm ở một nơi xa lạ, bà hỏi con cháu: “Đây là ở đâu bây?”. Khi biết đang ở bệnh viện, bà nằng nặc: “Thôi, đưa má về, má không muốn ở đây đâu. Mà đi thế này thì ai chăm sóc cho ổng hả bây?”.

Thấy bà cương quyết quá và không còn biểu hiện đau đớn nữa nên các con cũng chiều theo ý, đưa bà về nhà. Còn ông nghe bà xuất viện, dù bác sĩ có giữ cách nào thì ông cũng muốn được về nhà cùng với bà. Cả đại gia đình vào năm ấy tưởng sức khỏe ông bà không yên, mọi người cuống cuồng lo lắng hậu sự cho ông bà xong xuôi. Thế mà khi ông bà về, uống một toa thuốc Tây, và uống thuốc Nam, xong là yên ổn tới tận bây giờ.

Ông Lạc ngày xưa rất cưng chó mèo, chim chóc, nên hiểu ý ông, giờ đây, hôm nào thấy ông buồn buồn, không muốn ăn cơm, con cháu ông lại kêu một chú chó béc giê có tên là Lucky tới cho ông sờ đầu, vuốt lông một chút xíu là ông mới ăn được. Về mặt y học thì ông lớn tuổi hơn và có vẻ ông yếu hơn bà, nhưng bà Hoa lại hóm hỉnh kể rằng má rất hay nhõng nhẽo với các con.

 Bà hay gọi con cháu lại nói: “Sao bữa nay, má thấy trong người không được khỏe lắm”. Khi ấy, bà vừa nói vừa nũng nịu. Còn ông thì rất ít nói, không muốn làm phiền con cháu. Chỉ khi nào ông sốt, con cháu để ý thấy ông có biểu hiện trở mình liên tục thì lau mát và cho ông uống thuốc.

Sau biến cố năm 1998, ông bà khỏe mạnh cho tới bây giờ, chỉ thi thoảng sốt cảm, còn bà thì chân tay đã yếu nên thỉnh thoảng cũng bị té ngã.

Hồi năm 2001, khi tròn 100 tuổi, ông vẫn còn rất minh mẫn.

Nhiều bạn bè tới thăm, chúc mừng ông bà thượng thọ, ông vừa khiêm tốn, vừa tự hào: “Vợ chồng tui không hơn ai đâu. Còn nhiều người lớn tuổi hơn tui, nhưng người ta chỉ có một thôi, còn vợ chồng tui thì được song toàn”. Những khi như thế, ông vừa nói vừa nhìn bà và cười ha hả như thanh niên. Bởi thế mà trong nhiều tấm hình chụp chung với nhau ngày lễ, ngày Tết, trong số nhiều bạn bè, anh em trong dòng họ, nhiều người nhỏ hơn ông hàng chục tuổi mà đã lần lượt qua đời hết.

Có điều đặc biệt là ngay từ hồi còn trẻ cho đến khi tuổi cao, ông bà không bao giờ tự dưng đi sang nhà ai nói chuyện, chỉ khi nào có đám giỗ, Tết thì mới qua thăm nhà bà con họ hàng. Từ thời còn trẻ, ông bà cũng chỉ ở trong khuôn viên đất nhà mình, lo làm vườn, làm ruộng. Những việc buôn bán nhỏ như trầu cau, cây trái là bà phụ trách, còn ông lo làm những việc nặng như cày cấy, sắt thuốc, phơi thuốc lá, tiếp đón bạn hàng. Hỏi thăm bà con làng xóm chung quanh, mọi người gọi thân mật cụ Lạc và cụ Lành là “ông bà Sáu vườn trầu”.

Bởi nơi ông bà ở không chỉ là Mười tám thôn vườn trầu đi vào thơ ca tươi đẹp thuở nào, mà bởi nhà hai cụ còn giữ được vườn trầu xanh mát, hàng cau trĩu quả. Không chỉ có vậy, ông bà còn có cả vườn rau, vườn chuối, bưởi, quít, cam lúc nào cũng mơn mởn, sai trái. Mới mấy năm trước, bà còn mạnh khỏe, vẫn kêu người tới hái rồi cân bán cau, bán chuối.


Bởi nhân cách sống gương mẫu, thủy chung mà cụ ông và cụ bà rất “mát tay” trong việc làm ông mai, bà mối cho nhiều cặp chuẩn bị tiến tới hôn nhân. Đến tận năm 100 tuổi, ông Lạc vẫn được hàng xóm mời đi làm ông mai, đại diện trong những đám hỏi, đám cưới. Thậm chí, sau này, khi ông bà sức khỏe đã yếu, không đi được thì nhiều người vẫn thường đưa cặp vợ chồng trẻ đến nhờ hai cụ vuốt đầu, bảo ban cách sống hòa thuận, yêu thương nhau.

5. Chiều, tôi nán lại đến 17 giờ để chứng kiến bữa cơm đạm bạc của hai cụ. Bà Hoa đánh thức ba má ngồi dậy trước một lát cho tỉnh táo. Khi ấy, cụ Lành hỏi: “Ông tui đâu rồi? Nói ông tui lên nhà trò chuyện với khách chứ”.

Cụ Lành vận một bộ đồ màu hồng tinh tươm, sạch sẽ. Còn cụ Lạc thì thích được thay quần áo mỗi ngày. Việc vệ sinh cá nhân cụ vẫn còn tự làm được, không cần đến con cháu. Khoảng 3 năm trở lại đây, hai cụ nghe không rõ cho lắm, nhưng vẫn minh mẫn lạ thường. Môi cụ Lành hồng hào, nước da đã mỏng, nổi rõ gân máu, nhưng vẫn rất trắng trẻo, và ít thấy đồi mồi.

Còn cụ Lạc thì vẫn giữ được nước da bánh mật khỏe mạnh khi xưa. Đặc biệt, hai cụ vẫn giữ được thói quen sinh hoạt điều độ, buổi sáng thức dậy sớm, ông bà được đưa ra hiên trước sưởi nắng, sau đó vào nhà ăn uống và trò chuyện với các con, các cháu đang tề tựu xung quanh. Các cháu, chắt nội ngoại còn nhỏ cũng đều đến để thưa gởi ông bà trước khi đi học.

Chuẩn bị bữa cơm chiều xong, bà Hoa dọn lên một dĩa khổ qua xào trứng, canh bí nấu thịt. Theo bà Hoa giải thích thì tất cả rau trái dùng để nấu cho hai cụ ăn đều được trồng ở sau vườn nhà, không có phun hóa chất, thuốc trừ sâu nên hoàn toàn là rau sạch.

Bà Hoa cho biết, buổi sáng, bà cho hai cụ ăn nhiều chất hơn, từ từ giảm dần lượng ăn vào buổi trưa và buổi chiều cho hai cụ tiêu hóa tốt, giữa mỗi bữa có kèm ăn nhẹ, uống sữa.

Ông Lạc thì cần có sự giúp đỡ của con gái đút cho ăn. Cụ Lành đã cao tuổi nhưng vẫn tự ăn. Trải chiếc khăn ăn lên đùi, cụ bưng chén cơm, dùng đũa chậm rãi gắp thức ăn. Tuy không còn chiếc răng nào, nhưng qua quan sát, tôi thấy cụ ăn ngon miệng lắm. Chỉ 15 phút đồng hồ là cụ dã dùng bữa gần xong.

Cuối bữa, cụ Lành ăn gần hết một chén cơm. Cụ than đã no rồi, nhưng không muốn bỏ thức ăn thừa lãng phí nên cụ ráng ăn cho hết sạch chén cơm. Cụ ông thì lại muốn bỏ thêm đường vào ăn cho ngon miệng.

Ăn xong, cụ Lạc ngồi nhoẻn miệng cười, và tự nói chuyện một mình rất vui vẻ. Tôi nghe cụ nhắc lại những chuyện hồi xưa, đại loại nhớ gì nói nấy, những câu dặn dò con cháu như “phải biết yêu thương nhau, sống thật thà, chân chất”. Bà Hoa cho biết, ông cụ trước nay rất quan tâm thời sự, kể cả khi đã bước qua tuổi 100, cụ vẫn đọc báo hằng ngày mà không cần đeo kính. Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội tháng 4/2011 vừa qua, thấy con cháu rục rịch chuẩn bị đi bầu, cụ còn nhắc nhở: “Bây đi bỏ phiếu cho ba hả Chọn người nào thương dân thì hãy bỏ nghe hông”.

Dùng bữa xong, cụ Lành lại nắm tay tôi thăm hỏi. Rồi chợt nhớ là nhà tôi ở tận Thủ Đức, cụ biết là giờ đó đã chiều muộn rồi, dù đang chuyện trò rôm rả, cụ cũng không quên nhắc nhở: “Lo về trển không tối quá con”. Trước khi tạm biệt, cụ không quên dặn dò tôi đủ điều: “Về mạnh giỏi, cho bà gởi lời thăm cha mẹ nghe con”. Tôi trở về, lưu luyến phía sau là nụ cười phúc hậu, đáng yêu của cụ bà quý khách đã tiễn tôi ra tận cửa.

Box: Ngày 15/9/2011, đại diện Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã đến nhà trao tặng giấy chứng nhận thành viên hành trình tìm kiếm kỷ lục Việt Nam cho hai cụ Huỳnh Văn Lạc (SN 1901) và cụ Nguyễn Thị Lành (SN 1905) là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam. Đồng thời, cụ Huỳnh Văn Lạc còn được trao giấy chứng nhận kép là cụ ông cao tuổi nhất Việt Nam.

Mai Khuê

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc