Buổi chiều ngày 30/4/1986, Hiểu Phi vui vẻ bước ra khỏi công sở tới đường Tây Đan, phía tây Bắc Kinh bắt xe taxi trở về nhà. Hôm nay cô rất vui vì được một đồng nghiệp khen gợi cảm, quyến rũ trong bộ váy xanh mới mua. Nghĩ tới bữa tối sốt dẻo mẹ làm đang chờ đón, cô không khỏi nóng lòng vẫy xe. Một chiếc taxi dừng lại. Cô bước lên mà không biết chiếc xe sẽ chở mình đi tới đâu trong ánh chiều nhập nhoạng tối.
Chiếc xe taxi chạy dọc đường Trường An. Người lái xe taxi nhìn có vẻ rất nho nhã và nói chuyện cũng khá lịch sự khiến cô gái cũng có đôi chút cảm tình. Nhưng Hiểu Phi đâu có nhận ra ánh mắt của gã lái xe thỉnh thoảng lại liếc vào ngực mình đầy thèm muốn. Vừa nhìn thấy cô gái trẻ trung mơn mởn là gã lái xe đã muốn chiếm đoạt cô ngay.
Và trên đường đi, ngoài miệng thì hắn nói chuyện lịch sự với cô nhưng trong lòng thì không ngừng những toan tính đen tối để có được cô gái. Khi xe đến gần nhà cô ở Phong Đài, cô yêu cầu tài xế dừng xe lại ở bên đường. Tiền taxi cô phải trả là 27 tệ và cô rút ba đồng 10 tệ trả cho gã lái xe. Nhưng vì kiếm cớ giữ cô lại, gã lái xe nói rằng không có tiền trả lại.
Cô gái định bỏ qua số tiền lẻ ấy nhưng gã lái xe lại tỏ vẻ lịch sự nói: “Không, xe chúng tôi làm ăn đàng hoàng, không bao giờ thiếu khách một xu”, và ngỏ ý chở cô gái về nhà mình lấy tiền thối. Cô gái nghe hắn khăng khăng nói vậy nên không chút nghi ngờ lên xe và đi theo hắn. Trước khi lên xe, cô có ghé vào một trạm điện thoại công cộng ngay gần đấy gọi điện về nói rõ sự tình cho cha mẹ đỡ chờ đợi sốt ruột.
Ảnh minh họa |
Chiếc xe chạy vào khu đất trống của một cơ quan rồi dừng lại bên một căn lều chống động đất. Lúc này trời đã tối rồi. Hắn ta nói với cô: “Đây là căn lều chống động đất của cha tôi. Cô đi đường nhiều chắc cũng mệt rồi. Mời cô vào lều uống nước nghỉ ngơi cho đỡ mệt rồi tôi đưa cô về”.
Hiểu Phi cả tin theo hắn vào ngay trong lều không chút nghi ngờ. Cô vừa bước vào, tên lái xe liền chốt cửa lại rồi đè cô ra hãm hiếp. Cô gái cố chống cự nhưng nào có ích gì. Thỏa mãn thú tính xong, tên lái xe lo sợ cô gái sẽ tố cáo mình liền nghĩ rằng giết quách cô cho xong. Nghĩ sao làm vậy, hắn lấy chiếc tất siết cổ cô gái đến chết.
Cô gái tắt thở rồi. Khi hắn đang ngồi thừ bên cái xác không biết phi tang nó thế nào thì em ruột gã là cán bộ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của một nhà máy lớn ở khu Thạch Cảnh Sơn tình cờ ghé qua và phát hiện. Hắn vội cầu xin em trai giữ kín bí mật cho gã và giúp gã giấu cái xác.
Hai anh em liền cưa cái xác ra làm đôi rồi chôn vào hai cái hố sâu gần đó. Chôn xong, bọn chúng đốt sạch quần áo, giấy tờ, thu dọn hiện trường như chưa từng có điều gì khủng khiếp xảy ra trong căn lều này.
Vậy là chiếc xe taxi lẽ ra chở cô gái xinh đẹp về nhà thì lại chở cô xuống địa ngục. Bí mật về sự biến mất của cô gái bị chôn vùi dưới đất sâu.
“Lợn chết không sợ bỏng nước sôi”
Ngày 29/6/1993, khi nghe tin ngôi lều chống động đất trên mảnh đất trống của công ty sẽ được dỡ để thi công, Lưu Toàn lo sợ các công nhân sẽ đào được hài cốt của cô gái năm xưa liền đem chuyện này kể với anh.
Nghe kể, Lưu Kinh bàn với em đào bộ hài cốt đi phi tang. Đêm hôm đó, khi bọn chúng đang hì hục tìm kiếm, đào bới thì thấy bảo vệ đi qua nên đành phải bỏ dở.
Nghĩ rằng “lợn chết không sợ bỏng nước sôi”, lại đào mãi mà không thấy cái xác, Lưu Kinh nản, bảo em thôi khỏi cần đào nữa, nếu bộ xương có bị phát hiện thì cứ coi như không biết là chẳng ai kết tội được mình. Lưu Toàn vẫn run nhưng đành nghe theo anh.
Ngày 5/7/1993, các công nhân đào đất thi công trong khu đất này đã bất ngờ đào được một bọc hài cốt gần cái lều chống động đất. Điều lạ là ở chỗ đây không phải bộ xương người nguyên vẹn mà chỉ có nửa thân dưới. Họ nghi ngờ có điều gì uẩn khúc nên vội vàng đi báo công an. Ngay sau đó, Cục phó Cục Công an Thạch Cảnh Sơn cùng một số chiến sĩ trinh sát đến hiện trường xem xét.
Phần hài cốt ngay lập tức được đưa đến phòng kỹ thuật hình sự để làm giám định pháp y. Các bác sĩ pháp y kết luận: đây là phần xương thân dưới của một phụ nữ 20 tuổi, cao khoảng 1m55, thời gian tử nạn đã trên 5 năm.
Với việc chỉ tìm được phần thân dưới của bộ hài cốt, cơ quan điều tra xác định đây là một vụ án giết người nghiêm trọng, dã man. Nạn nhận bị giết rồi còn bị cưa làm đôi trước khi đem chôn. Cảnh sát quyết tâm phá vụ án lôi hung thủ ra ánh sáng.
Qua điều tra, các trinh sát xác định người quản lý căn lều chống động đất cách đây khoảng 5 năm là một công nhân già họ Lưu. Ông và hai cậu con trai Lưu Kinh và Lưu Toàn từng ở đó. Cảnh sát tập trung mũi nhọn điều tra vào cậu con cả Lưu Kinh làm nghề lái taxi của ông ta.
Thường ngày Lưu Kinh sống trác táng, buông thả và có tư cách rất kém. Một số người dân sống ở quanh đấy cho biết anh ta còn thường hay đưa phụ nữ lạ về căn lều chung sống hoặc ngủ qua đêm. Có đêm từ căn lều còn vọng ra tiếng quát tháo, đánh đập nữa.
Cảnh sát tìm hiểu một số người phụ nữ từng qua lại với Lưu Kinh thì họ đều nói rằng Lưu Kinh vẻ ngoài hào hoa, phong nhã nhưng thực chất là một kẻ háo sắc, vũ phu, tàn nhẫn… Những người phụ nữ này nếu không rời bỏ hắn ta vì không thể chịu được việc hắn chửi bới, đánh đập, dọa dẫm thì cũng bị hắn ta ruồng rẫy sau một vài tháng.
Trước những manh mối như vậy, cảnh sát đã triệu tập Lưu Kinh lên xét hỏi. Trước cảnh sát, ban đầu, Lưu Kinh tỏ ra ngạc nhiên không hiểu vì sao mình bị bắt vào đồn. Sau khi nghe cảnh sát nói rõ nguyên nhân, hắn bắt đầu một mực nói rằng chuyện này không liên quan đến hắn. Cho dù cảnh sát tra hỏi thế nào thì Lưu Kinh cũng ngoan cố không chịu khai báo bất kì điều gì.
Thấy thật khó có thể khai thác được gì từ tên này nếu không có manh mối gì thêm nên cùng với việc điều tra Lưu Kinh, ban điều tra lục tìm hồ sơ những vụ mất tích chưa tìm thấy nạn nhân vào khoảng từ 5 đến 7 năm trước đây, và phát hiện ra vào năm 1986 có một cô gái sống ở phố Ngưu, Phong Đài, Bắc Kinh tên là Hiểu Phi bị mất tích. Độ tuổi, chiều cao của cô trùng khớp với bộ xương được tìm thấy. Cảnh sát ngay lập tức liên lạc với gia đình cô gái.
Qua kiểm tra AND, các giám định viên kết luận, nạn nhân không ai khác chính là Hiểu Phi. Mẹ nạn nhân khai báo trong lần cuối cùng gọi điện về nhà, Hiều Phi nói cô đang trên xe taxi về nhà người lái xe lấy tiền thừa.
Thấy có điều gì đó bất an, mẹ cô nhắc cô cẩn thận nhưng cô chỉ cười và nói mẹ cứ yên tâm, cô sẽ về ngay. Ai ngờ, đấy là lần cuối cùng người mẹ nghe thấy giọng nói của cô con gái. Mối nghi ngờ đối với Lưu Kinh ngày càng thắt chặt hơn nữa.
Ai cũng biết Lưu Kinh làm nghề lái taxi. 7 năm trôi qua sau ngày Hiểu Phi mất tích, cha mẹ cô vẫn nuôi hy vọng có ngày con gái mình sẽ trở về. Họ vô cùng đau đớn khi biết rằng con gái mình đã bị hãm hại dã man, không những thế lại còn chết không toàn thây. Cảnh sát cũng đã kìm kiếm đào bới nhưng do khu đất quá rộng nên vẫn chưa tìm thấy phần hài cốt còn lại của cô gái.
Nhưng sự việc không chỉ có vậy khi người bảo vệ cơ quan quản lý khu đất này đến khai báo rằng ông nhìn thấy Lưu Kinh và cậu em Lưu Toàn đã đào bới gốc nho tại gần hiện trường đêm 29/6/1993.
Người bảo vệ già kể lại rằng khi thấy họ đào bới, ông liền ra hỏi nhưng họ ậm ừ nói gì đó không rõ rồi ra về. Nể tình từng quen biết ông Lưu nên người bảo vệ cũng không hỏi hay làm khó gì thêm. Có thêm manh mối quan trọng, cảnh sát tiếp tục triệu tập Lưu Toàn.
Trước các cán bộ điều tra, khác với người anh, Lưu Toàn không che giấu được vẻ sợ hãi, nhưng giống với anh hắn, Lưu Toàn cũng khẳng định mình không biết gì hết. Nhưng đúng là điều dối trá thì kiểu gì cũng bị vạch trần dù có cố gắng che giấu đến đâu. Khi cảnh sát hỏi đêm ngày
29/6/1993, Lưu Kinh và Lưu Toàn ở đâu thì Lưu Toàn nói đi trực ở cơ quan, còn Lưu Kinh nói ngủ ở nhà. Các chứng cứ đã đủ để đưa hai anh em đối chất trước tòa.
Ngày 15/7/1993, phiên toàn đầu tiên xét xử vụ án được mở ra. Hai anh em Lưu Kinh và Lưu Toàn không dám nhìn thẳng vào đôi mắt người bố đau khổ đang ngồi thấp thỏm, lo âu ở bên dưới.
Sau một hồi trình bày các chi tiết vụ án và những nghi ngờ Lưu Kinh có liên quan đên cái chết của Hiểu Phi, toà đột ngột hỏi lại: “Hai bị cáo khai rằng đêm ngày 29/6/1993, bị cáo Lưu Toàn trực ở cơ quan còn bị cáo Lưu Kinh ngủ ở nhà. Hai bị cáo có nhớ chắc chắn như vậy không? Có ai làm chứng không?” Tất nhiên là hai tên làm gì có ai làm chứng cho lời khai của mình, nhưng bọn chúng vẫn khẳng định rằng chúng đã nói sự thực, rằng vào đêm đó chúng không hề có mặt tại hiện trường. Lưu Kinh còn già mồm: “Chuyện liên quan đến tính mạng, làm sao hai anh em tôi dám nói chơi”.
Vẫn suy nghĩ “lợn chết không sợ bỏng nước sôi” nên hắn cứ mặc sức “khua môi múa mép”. Chỉ đến khi người bảo vệ già bước lên làm chứng trước tòa rằng đêm ngày 29/6/1993 thấy Lưu Kinh và Lưu Toàn đào bới ở hiện trường thì hắn mới giật mình và im bặt. Người bảo vệ đã làm ở cơ quan này bao nhiêu năm rồi nên hầu như ai cũng biết và ai cũng hiểu ông là một người trung thực và có tinh thần trách nhiệm.
Tiếng xôn xao, bàn tán bắt đầu vang lên từ những người tham dự phiên tòa. Những người tham dự phiên tòa còn xì xào rằng lúc bộ hài cốt được công nhân đào lên, bầu trời đang sáng bỗng nhiên tối sầm xuống một lúc. Cô gái chết thảm thế cơ mà. Chắc hồn cô phải linh lắm.
Trước nhân chứng và những lời bàn tán như vậy, trong lòng Lưu Kinh và Lưu Toàn không khỏi hoang mang. Nhưng là một kẻ “rắn mặt” và lì lợm, Lưu Kinh cố lấy lại tinh thần. Sau những phút bối rối không thể che giấu, hắn lại quay ra đổ cho bác bảo vệ già nhìn nhầm.
Cho dù bác bảo vệ khẳng định rằng, bác nhìn rõ ràng cả hai anh em và còn nói mấy câu với hai người thì tên anh Lưu Kinh vẫn một mực phủ nhận. Tòa bèn tập trung vào người em Lưu Toàn. Có lẽ anh ta đang làm ở bộ phận kỷ luật của một cơ quan nên tòa sẽ dễ đấu tranh khai thác hơn chăng.
Nhưng Lưu Toàn sau phút hoảng hốt cũng bắt chước anh chối tội, có điều không trắng trợn và trơ tráo như anh mà chỉ cúi đầu xuống nói nhát gừng, nuốt nước bọt, hai tay liên tục xoa vào nhau. Những biểu hiện tâm lý khác thường của hai tên đó làm sao qua được mắt các điều tra viên.
Giấc mơ của người mẹ nạn nhân và nửa cái xác còn lại
Ngày 17/7, Lưu Kinh và Lưu Toàn đang ngồi trong phòng tạm giam thì được cảnh sát đưa lên phòng thẩm vấn hoàn tất một số thủ tục, khai báo trước khi được thả. Bọn chúng vừa đi vừa mừng rơn và hồi hộp. Một ngày ngồi trong phòng giam dài như một năm vậy.
Cuối cùng thì chúng cũng được thả rồi. Cảnh sát đã bó tay. Đi đến cửa phòng, tình cờ hai tên này nghe thấy người ngồi trong phòng nói với cảnh sát rằng nằm mộng thấy con gái về báo nếu tìm được phần thi hài còn lại thì sẽ phát hiện ngay ra thủ phạm là ai. Đến khi bước hẳn vào phòng thì hai anh em mới biết người vừa nói chính là mẹ của Hiểu Phi.
Thấy hai tên lò dò bước vào, điều tra viên liền mời mẹ Hiểu Phi ra và yêu cầu Lưu Kinh, Lưu Toàn vào làm một số thủ tục pháp lí để ra khỏi trại tạm giam. Tuy cúi gằm mặt xuống nhưng Lưu Kinh còn kịp nhìn thấy ánh mắt vừa đau khổ và căm hận của người mẹ.
Người cảnh sát tỏ ý thông cảm cho hai anh em và nói rằng đợi đến khi nào cảnh sát đào được phần thi hài còn lại của cô gái, vạch mặt hung thủ, lúc đó, hai anh em sẽ được gỡ bỏ nghi ngờ hoàn toàn.
Trở về nhà, hai tên vừa mừng vừa lo. Vậy là cô gái nọ về báo mộng cho mẹ là tìm thấy phần thi hài còn lại của cô thì sẽ tìm được bằng chứng khẳng định hung thủ là ai ư? Là oan hồn cô hiện về hay mẹ cô vì quá thương xót con gái mình mà nằm mơ như vậy? Cô gái linh thiêng thế nên lúc công nhân đào xác lên mà trời đã tối sầm thì chắc là báo mộng chẳng sai. Bọn chúng đã vô tình để lại bằng chứng gì trong khi chôn cô gái nhỉ? Hay lúc chôn cô có vật gì rớt xuống chăng?
Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu hai anh em đặc biệt là Lưu Toàn. Hắn ta cảm thấy rất đau khổ và hổ thẹn khi chạm phải ánh mắt của bố mình. Đúng là “đi đêm lắm có ngày gặp ma” khi hai anh em bị tố giác đào bới đất vào đêm đó. Tuy là cãi bay cãi biến được rồi nhưng Lưu Toàn vẫn cảm thấy có gì bất an lắm.
Ánh mắt của bố mà hắn ta chạm phải hôm hầu tòa nhìn rất đau đớn như ánh mắt của người biết rõ con mình đã gây ra tội ác vậy. Đến khi Lưu Toàn động viên bố cứ an lòng, rồi hai anh em sẽ trở về, bố chỉ thở dài. Bây giờ bố mà biết hai anh em có tội thì không biết bố sẽ sống sao? Rồi bản thân mình nữa, nếu chuyên lộ ra, anh bị chết thì mình cũng mọt gông trong tù. Nghĩ vậy, Lưu Toàn càng lo sợ cảnh sát sẽ tìm ra manh mối lật tẩy chuyện này.
Hắn ta bảo với Lưu Kinh: “Bao nhiêu manh mối cũng không kết tội được anh em mình rồi, bây giờ chỉ còn cái bọc xác còn lại là đáng lo ngại thôi. Em với anh tìm đào lên giấu đi nhé”.
Lưu Toàn vừa nói thế, Lưu Kinh đã quát lên: “Mày điên à, mày còn nhớ lần trước đang đào bị lão bảo vệ bắt suýt chết không? Cấm mày nói nữa”. Nói rắn thế nhưng trong lòng Lưu Kinh cũng lo sợ không yên. Hắn lại rối như tơ vò khi nghe Lưu Toàn bắt đầu oán trách mình. Ngày hôm sau, chính Lưu Kinh là kẻ đã đến gặp Lưu Toàn và bàn việc đi đào phần xác còn lại phi tang.
Đêm 20/7, Lưu Kinh và Lưu Toàn bước ra khỏi nhà, tay cầm cuốc, xẻng, đầu và mặt được bịt khăn kín mít. Bọn chúng định nếu bác bảo vệ có phát hiện đang đào bới như lần trước thì sẽ chạy đi, đầu và mặt hắn bịt khăn rồi, bác cũng chẳng biết là ai mà cũng chẳng thể đuổi kịp.
Ánh trăng đêm 20 cứ mờ mờ, ảo ảo, thi thoảng lẩn mất vào mây đen rồi lại hiện ra. Con đường nhỏ tới căn lều trên mảnh đất trống vào lúc nửa đêm lạnh lẽo không một bóng người. Căn lều kia rồi. “Đó là nơi cách đây 5 năm anh mình đã gây ra tội ác tày trời và mình đã tiếp tay cho anh ấy” - Lưu Toàn nghĩ bụng và không khỏi cảm giác sợ hãi khi nhìn vào căn lều ấy - căn lều giờ đây không còn ai trông coi nữa.
Chắc oan hồn cô gái cũng lẩn khuất ở đây thôi. Nghĩ vậy, bọn chúng chùn chân cảm thấy muốn quay về. Nhưng ý nghĩ nếu quay về sẽ phải chết, phải ăn cơm tù khiến chúng lại vững tâm đi tiếp.
Khu vực hiện trường này đã bị cảnh sát cắm biển cấm vào nhưng không có ai trông coi và dĩ nhiên hai tên vào đó rất dễ dàng. Nhìn thấy gốc nho nơi đã chôn nửa cái xác kia, bọn chúng tiến lại dần. Mảnh đất rộng nên cảnh sát vẫn chưa đào bới được hết và chắc họ cũng không nghĩ xác cô gái lại được chôn gần gốc nho đến thế nên vẫn chưa tìm ra.
Hai tên bắt đầu hì hục đào bới dưới cái gốc nho. Không còn nhớ chính xác thi thể đã bị băm vằm của cô gái được chôn phía nào của gốc nho nên bọn chúng phải mất một thời gian khá lâu mới chạm được vào mảnh ga giường bọc xác cô gái.
Bọn chúng vừa mừng vừa sợ lôi cái bọc đó lên nhưng mảnh ga giường lâu ngày chôn dưới đất ẩm bị mục nên đứt tung. Hiện lên dưới ánh trăng mờ là phần thi thể của cô gái giờ đây thịt da nát hết chỉ còn lại xương trắng. Cái đầu lâu vẫn còn bết lại những mảng tóc trông thật đáng sợ.
Làn khí từ dưới đất xông lên làm mặt mày choáng váng. Luồng gió lạnh thổi qua làm những ai cứng bóng vía đến mấy cũng phải rợn tóc gáy. Không được “cả gan” như anh, Lưu Toàn run rẩy khấn: “Cô … Hiểu Phi, tôi biết chúng tôi có tội với cô nhưng giờ tôi phải mang cô đi. Mong linh hồn cô siêu thoát và tha thứ cho anh em tôi”.
Nói rồi hắn toan thu gom đống hài cốt cùng với anh thì đột nhiên một luồng ánh sáng chĩa vào cùng với giọng nói gằn lên dứt khoát: “Lưu Toàn, Lưu Kinh, các anh đã bị bắt”.
Hai kẻ hoảng hồn ngẩng đầu lên, xung quanh là các chiến sĩ cảnh sát điều tra vụ án mà bọn chúng đã quen mặt. Bị bắt quả tang như thế này thì dẫu có “mồm năm mép mười”, Lưu Kinh và Lưu Toàn cũng không thể buông một lời chối cãi. Bọn chúng chỉ không ngờ mình lại bị bắt trong hoàn cảnh như thế này.
Đứng trước tòa, khai báo về hành vi phạm tội của mình, chắc Lưu Kinh và Lưu Toàn không bao giờ nghĩ ra rằng bọn chúng đã bị mắc bẫy cảnh sát. Nhận thấy hai tên này cực kì lì lợm và trắng trợn mà những chứng cứ thu thập được vẫn chưa đủ để kết tội bọn chúng, cảnh sát điều tra đã nghĩ rằng nếu không dùng mưu mẹo thì khó có thể khiến hung thủ cúi đầu nhận tội.
Tại phiên tòa lần trước, chính cảnh sát đã yêu cầu các công nhân đào thấy bộ xương bàn tán về sự linh thiêng của cô gái xấu số. Cũng chính cảnh sát đã sắp đặt cho bọn Kinh, Toàn nghe thấy lời mẹ Hiểu Phi kể về việc cô về báo mộng, khiến cho bọn chúng lo sợ phải tìm cách phi tang nốt cái xác trước khi cảnh sát tìm thấy. Cảnh sát đã nắm bắt được đúng tâm lý “có tật, giật mình” thường thấy ở những kẻ phạm tội ác.
Tuy nhiên người ta vẫn băn khoăn, phải chăng sự linh thiêng của oan hồn cô gái là có thật, khi bọn gây ra cái chết oan ức, thảm khốc cho cô không đào mãi mà không thấy cái xác năm xưa để phi tang trong khi các công nhân vừa tiến hành thi công thì đã bốc lên bọc xương thứ nhất. Thực hư thế nào không ai biết. Chỉ biết rằng anh em nhà họ Lưu đã phải nhận những bản án thích đáng dành cho mình.
Thu Hương