Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, thời gian gần đây, trên diễn đàn mạng xã hội dành cho các bà mẹ bỉm sữa xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh một cháu bé bị treo hai tay trên xà nhà.
Qua điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được nơi xảy ra vụ việc trên là nhà của chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1971, trú tại thôn 4, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường). Cháu bé bị ngược đãi là N.L.N.A. (SN 2012), con nuôi của Phượng.
Tại cơ quan điều tra, người mẹ nuôi này đã khai nhận hành vi ngược đãi cháu bé là có thật. Do hoàn cảnh gia đình nhà cháu Ngọc Anh bố mẹ đều đang ở tù, không có người nuôi dưỡng, được một số gia đình quen giới thiệu nên gia đình ông Phạm Đăng Trình - sinh năm 1971 và vợ là Nguyễn Thị Phượng - sinh năm 1971 đều trú tại thôn 4, xã Vân Xuân xin về nuôi dưỡng từ ngày 14/8/2016.
Theo đó, do cháu bé từ nhỏ ít được giáo dục, lại hiếu động nên thường xuyên ăn cắp hàng hóa của bà Phượng đem bán cho khách hàng (bà Phượng kinh doanh quán tạp hóa, karaoke).
Ngày 23/6, trong lúc bán hàng, bà Phượng phát hiện cháu A. tự ý lấy sữa uống nên đã dùng dây treo cháu bé lên xà nhà để dọa cháu bé.
Nhận xét về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hà, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc thương yêu, chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con cái dù là con đẻ hay con nuôi không chỉ là vấn đề thuộc về đạo lý mà còn là quyền và nghĩa vụ pháp lý của các phụ huynh.
Theo khoản 1, khoản 2, Điều 69, Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ phải thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức...
Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đều nghiêm cấm hành vi bạo lực gia đình như hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng của các thành viên khác trong gia đình…
Do đó, trong trường hợp trên, cha mẹ nuôi mà cụ thể là chị Phượng đã có hành vi xâm hại đến sức khỏe, tinh thần của bé Ngọc Anh nên việc này không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mà còn vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và nhiều quy định liên quan khác.
Vì thế, nếu theo khoản 1, khoản 2 Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, hành vi xâm hại sức khỏe của trẻ hay các thành viên gia đình sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Theo khoản 1 Điều 50 của Nghị định này hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
Ngoài mức phạt, người vi phạm các hành vi nêu trên còn bị buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Điều 110: Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật
b) Đối với nhiều người.
Có thể nói, hành động nhẫn tâm của người mẹ nuôi đối với bé Ngọc Anh kể trên đáng bị lên án. Nhẹ thì bà mẹ nuôi này bị xử phạt hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm tội hành hạ người khác như đã nói ở trên.