Tại cơ quan chức năng, Nguyễn Thị Phượng (mẹ nuôi cháu N.A.) cho hay, cháu N.A. thường hay nghịch ngợm, ương bướng, khách đến hát hoặc mua đồ cháu thường hay lại gần, quấy phá. Đặc biệt, cháu A. rất hay lấy đồ ăn tại cửa hàng để ăn.
Hôm đó, phát hiện cháu lấy trộm sữa bán tại cửa hàng uống nên bà nóng giận có treo đe cháu nhưng cháu không sợ, liên tục quấy khóc. Tuy nhiên, bà chỉ treo cháu N.A. lên khoảng 30 giây để răn đe cháu rồi lại hạ luôn xuống.
Bà Phượng thừa nhận hành vi của mình là sai trái, “Bất đắc dĩ, tôi mới phải treo cháu lên thanh sắt trước cửa nhà vệ sinh để đe nẹt”.
Trong khi treo bé lên xà nhà, bà Phượng có chủ động nhờ người làm tại gia đình quay lại toàn bộ clip gửi cho bà nội của cháu xem, mục đích là để bà nội thấy cháu ngang bướng và phải giáo dục cháu. Tuy nhiên, do không biết sử dụng mạng xã hội nên người làm này đã gửi clip cho một người khác, sau đó đoạn clip được phát tán như trên.
"Sự việc xảy ra khiến gia đình tôi mất ăn mất ngủ, nhiều người thân gọi điện hỏi thăm. Ngay cả phía gia đình nhà tôi cũng hoang mang khi sự việc xảy ra", bà Phượng nói.
Bà Phượng cũng cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra, phía gia đình của cháu N.A. đã cử người xuống đón cháu về để chăm sóc tại gia đình ở Việt Trì, Phú Thọ. "Sự việc cũng đã xảy ra rồi, cơ quan chức năng cũng đã mời tôi đến làm việc, người dân nơi đây cũng đã biết hết nên tôi cũng không muốn thanh minh gì nhiều cho việc mình làm. Nếu các anh muốn biết, xin hãy đến cơ quan chức năng, tại đó, tôi đã khai báo toàn bộ sự việc".
Được biết, do hoàn cảnh gia đình cháu N.A. không có người nuôi dưỡng, được một số gia đình quen giới thiệu nên gia đình ông Phạm Đăng Trình – sinh năm 1971 và vợ là Nguyễn Thị Phượng – sinh năm 1971 đều trú tại thôn 4, xã Vân Xuân xin về nuôi dưỡng từ ngày 14/8/2016.