Vụ chìm phà Quảng Nam: Lời kể thợ lặn đầu tiên lao xuống nước cứu người

18:36, Thứ ba 22/11/2011

( PHUNUTODAY ) - “Thấy hai học sinh mặc áo trắng chới với trên mặt nước, tôi lặn sâu xuống cầm hai chân đẩy mạnh lên để anh em nắm tóc lôi lên ghe. Vừa trồi lên thì gặp ba người già đang quờ quạng dưới làn nước đục…”

(Phunutoday)- “Thấy hai học sinh mặc áo trắng chới với trên mặt nước, tôi lặn sâu xuống cầm hai chân đẩy mạnh lên để anh em nắm tóc lôi lên ghe. Vừa trồi lên thì gặp ba người già đang quờ quạng dưới làn nước đục…”

[links()]
Trong vụ chìm phà tại huyện Núi Thành, Quảng Nam, số người bị nạn rất lớn, tuy nhiên chỉ có một người thiệt mạng. Sự may mắn đó nhờ vào sự trợ giúp của chính những người bị nạn trong cuộc, bên cạnh những người thợ lặn hành nghề gần đó không ngại khó khăn, nguy hiểm xả thân tham gia ứng cứu giải thoát hàng chục người thoát chết. 

Những người thợ lặn đã nỗ lực hết mình để cứu người bị nạn

Có mặt tại hiện trường sáng ngày 21/11, chúng tôi thấy một thợ lặn làm việc rất lâu dưới nước. Khuôn mặt anh khuất sau bộ kính lặn. Mỗi lần xuống nước, các đồng đội anh ở trên ghe liên tục điều tiết dây thở và lắng nghe tín hiệu từ đáy sông gởi lên. Đến khi chiếc xe máy thứ 10 được vớt lên, anh mới tạm nghỉ.

Anh chính là Đinh Tấn Tàu (37 tuổi, gốc Nghĩa An, Quảng Ngãi), có vợ ở thôn 2 xã Tam Hải và hành nghề thợ lặn chục năm nay. “Tôi vừa thức giấc, bất ngờ tôi nghe có tiếng la hét từ phía bờ Tam Quang, nhiều người trên phà nhốn nháo, còn chiếc phà thì nghiêng một bên. Biết có chuyện, tôi phóng xuống tàu nổ máy lao về chiếc phà gỗ. Vừa chạy tôi vừa gào thét cho bà con gần đó nghe để cứu. Hai chiếc ghe giã cào khác của anh Lân và anh Pháp thợ lặn cũng tức tốc lao vào cuộc. Sau khi quần thảo trên mặt nước để ném phao cho người biết bơi, khi đã hết phao, anh Tàu phóng xuống nước cứu những người già và trẻ em trước.

Cuộc vận lộn giữa dòng nước cứu hơn 40 con người đang chới với nếu không phải là người có kinh nghiệm rất dễ mắc sai lầm. Anh kể: “Thấy hai học sinh mặc áo trắng chới với trên mặt nước, tôi lặn sâu xuống cầm hai chân đẩy mạnh lên để anh em nắm tóc lôi lên ghe. Vừa trồi lên thì gặp ba người già đang quờ quạng dưới làn nước đục. Tóm cánh tay từ phía sau, tôi kéo cả ba người vào gần chiếc ghe giã cào. Lúc này, bên cạnh tôi đã thấy xuất hiện nhiều anh em khác cùng lao xuống cứu nạn. Đó là các anh Phạm Thanh Hải, Ngô Văn Hòa, Nguyễn Chín… (cùng trú xã Tam Hải). Điều may mắn trong cuộc cứu nạn này là nhiều học sinh biết bơi, không chỉ tự cứu mình mà còn cứu được bạn bè” - anh Tàu cho biết. Hơn 10 phút cứu người, chiếc ghe giã cào 12CV của anh Tàu đã đưa được những người may mắn thoát chết vào bờ sơ cứu. 

Phút nghỉ ngơi của thợ lặn Đinh Tấn Tàu

Sau khi cứu người, anh Tàu lại lặn ngụp vớt tài sản cho các nạn nhân. Với 30 lần ngoi lên rồi lặn xuống đáy sâu hơn 10m, một mình anh đã cột dây cho toàn bộ 17 chiếc xe máy và hơn 10 chiếc xe đạp của các nạn nhân. Đi biển năm 12 tuổi, từng lặn vớt hải sâm ở khắp vùng biển, anh Tàu tâm sự: “Lặn hải sâm sâu 40 sải tay có đèn pin ở nước mặn rất dễ nhưng để lặn ở nước ngọt sâu hơn 10m là điều kinh khủng, rất dễ bị ngộp!”.

Sau khi cứu người xong, anh Tàu tiếp tục mang đồ lặn lao xuống nước để trục vớt xe máy, xe đạp đang mắc kẹt trong phà. Nước ở đây rất sâu, trên dưới 10 sải tay, lại lạnh. Hơn 3 tiếng ngụp lặn, 2 lần anh suýt gặp nguy khi chân vịt của tàu cá tham gia cứu hộ quấn dây dẫn khí, may mà các đồng nghiệp của anh phát hiện kịp thời. Hỗ trợ cho anh xuống nước có bộ dây chì nặng hàng chục ký quấn quanh bụng… Khi người thợ lặn Đinh Tấn Tàu ngoi lên mặt nước, lúc ấy đã 10 giờ trưa. Anh ngụp lặn suốt buổi mà chưa kịp ăn sáng…

Đời thợ lặn của anh Tàu trải qua nhiều cuộc vớt người, phương tiện bị chìm. Tháng 10.2006, cơn bão lớn ập vào Tam Quang đánh tan tác nhiều tàu cá, chính anh đã lặn xuống dòng nước lạnh buốt mùa đông để đưa một phụ nữ xấu số lên bờ…

Trưa hôm qua, khi các thợ lặn khác thay anh tiếp tục trục vớt phương tiện còn chìm dưới đáy sông, chúng tôi đi tìm anh thì không thấy nữa. Một người đưa đò cho biết anh đã chạy ghe về nhà ăn cơm. Buổi chiều, khi cuộc trục vớt hoàn tất, chúng tôi mới thấy anh trở lại, ngồi nhìn bạn bè trong đội thợ lặn lên bờ, thở phào nhẹ nhõm: “Tôi mong không còn ai bị chìm dưới lòng sông này nữa. Đời dân sông nước chúng tôi cực khổ nhiều rồi, gánh thêm nỗi đau này tội lắm. Các anh nói giúp để Nhà nước hỗ trợ phương tiện chắc chắc hơn để dân tôi được nhờ…”. 

Đại diện đội thợ lặn được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen

Nhờ những người trong đội thợ lặn trên nên hàng chục người dân được cứu sống và hàng chục phương tiện xe máy, ô-tô được trục với kịp thời phục vụ cho công tác điều tra. Để ghi nhận công lao đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đến hiện trường tặng bằng khen cho đội thợ lặn xã Tam Hải. Bên cạnh UBND tỉnh Quảng Nam cũng tặng bằng khen cho 5 cá nhân của Công ty cổ phần Xây dựng đường thủy Thuận Lưu (xã Tam Quang) vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện Núi Thành tích cực điều tra, hoàn tất thủ tục để khởi tố vụ chìm phà gây hậu quả nghiêm trọng này.

  • Phương Dung
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc