Trước đó, như đã đưa tin, vào chiều tối 1/9 đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại khu vực xã Tòng Sành (Lào Cao) khiến 12 người thiệt mạng, 41 người bị thương.
Thế nhưng, trong khi nhiều gia đình còn đang đau lòng khôn nguôi trước sự ra đi của người thân yêu, thì họ lại liên tục nhận được những cuộc điện thoại "gạ gẫm" chuộc lại đồ của người quá cố.
Anh Phạm Công Trình, sinh năm 1989 (Tam Điệp, Ninh Bình) cho hay, anh là người may mắn bị thương nhẹ nhất trong số các hành khách trên chuyến xe định mệnh này. Thế nhưng, sau khi tỉnh lại, anh không tìm thấy vợ của mình là chị Đỗ Thị Lan (Từ Sơn, Bắc Ninh) (trước đó còn là bạn gái) nên rất lo lắng.
Anh Phạm Công Trình đớn đau vì mất đi người thân yêu bao nhiêu thì phẫn nộ trước hành động "hôi của" của một số người vụ lợi bấy nhiêu. |
"Mình vào viện và mượn điện thoại của người quen để gọi vào số của Lan nhưng mãi mà không có ai bắt máy, vì điện thoại của mình, mình nhờ cô ấy cầm trước khi tai nạn xảy ra.
Đêm muộn hôm ấy, mình nhận được cuộc gọi ngược lại từ số của Lan, vẻn vẹn chỉ có 1 câu: "chị ấy mất rồi" và cúp máy. Mình gọi lại thì không ai nhấc máy. Sau đó, đến sáng 2/9 thì gia đình nhận được thi thể của Lan. Đến chiều thì hai gia đình về Bắc Ninh để đưa tiễn Lan" - anh Trình nhớ lại.
Biết là có người đã "hôi" được điện thoại của vợ lúc cô ấy gặp nạn nên anh Trình không bỏ cuộc. Liên tục mấy ngày 3,4,5 tháng 9, anh gọi điện và nhắn tin vào số Lan để xin lại điện thoại, bởi với anh, đó không chỉ là kỉ vật, mà nó còn chứa vô vàn những kỷ niệm của 2 người. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực của anh đều giống như "mò kim đáy bể". Anh vẫn không nhận được hồi âm nào.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Lào Cai. |
"Rốt cuộc, mẹ Lan gọi cho mình bảo gửi tiền lên cho nó rồi nó gửi ĐT cho. Thì ra, chiếc điện thoại ấy đã được đem bán cho 1 cửa hàng điện thoại. Họ bảo rằng họ mua lại với giá 1,7 triệu đồng. Người đã không còn nên chút kỷ niệm có tốn bao nhiêu mình cũng không tiếc. Nhưng khi lấy máy về, chỉ có điện thoại chứ không có sim. Trước đó, mình đã nạp cho cả mình và cô ấy mỗi người 150.000 đồng vào tài khoản.
Thế nhưng khi mình gọi lại cho số của Lan, phía bên ấy thậm chí còn lôi đủ những thử tục tĩu ra để chửi bới, thách thức mình, còn hỏi cả địa chỉ để đến tận nhà xử mình. Mình thấy rất buồn" - Anh Trình nói.
Anh Trình cũng cho biết, anh không phải là nạn nhân duy nhất của việc "hôi của" này. Bởi: "ngay sáng 2/9, một chị chăm người nhà ở gần chỗ mình nằm trên Lào Cai cũng nhận được điện thoại từ số của người thân của chị đòi tiền chuộc điện thoại. Chị ấy còn bảo lại người thân còn chưa biết sống chết thế nào mà họ đã đòi nã tiền rồi".
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên việc "hôi của" trong các tai nạn xảy ra. Trước đó, dư luận cũng lên án những hành động nhẫn tâm trục lợi khi người khác gặp nạn này.