Vụ taxi đâm xe máy tai nạn liên hoàn: Luật sư nói gì?

( PHUNUTODAY ) - “Rượt đuổi nhau trên đường trong bất cứ hoàn cảnh và tình huống nào đều là những hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Khung

Xung quanh câu chuyện xe taxi “điên” gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà- Chùa Bộc (Hà Nội), dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết thương tâm và tình trạng nguy kịch của các nạn nhân. Theo thông tin mới nhất, ngoài 1 nạn nhân tử vong, 6 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện, lái xe taxi gây ra vụ tai nạn kinh hoàng cũng bị chấn thương sọ não sau khi nhảy từ cầu vượt xuống thì tài xế xe bán tải trong vụ chèn ép với taxi cũng được triệu tập để lấy lời khai.

Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” để điều tra, làm rõ trách nhiệm những người liên quan trong vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại cầu vượt Thái Hà- Chùa Bộc tối 8/11.

Ngoài nỗi đau thương vong, những lo sợ về nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn, dư luận còn băn khoăn về nhóm người ngồi trên xe Ranger đã đuổi theo xe tài xế taxi. Có hay không việc nhóm người này đã có những hành động hung hãn, đe dọa tài xế khiến anh này bị hoảng loạn tinh thần và gây ra hàng loạt tai nạn đau lòng?

Hiện trường ngổn ngang của vụ taxi đâm xe máy tai nạn liên hoàn ở cầu vượt Thái Hà- Chùa Bộc

Theo luật sư Trương Anh Tú, điều này vẫn chưa khẳng định và còn phải chờ những kết luận cụ thể từ phía cơ quan chức năng.

Tuy nhiên nhìn ở góc độ cá nhân, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, "Bất cứ ai khi bị va quệt trên đường và bị đối tượng va quệt bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm đều mong muốn có một giải pháp nào đó để ngăn chặn, đuổi theo với tâm lý muốn làm cho ra nhẽ, hay để bắt đền. Nếu đuổi theo trong điều kiện cho phép thì đó là việc bình thường. Và sự việc chỉ dừng lại ở đó."

“Nhưng nếu trong trường hợp, sau khi xảy ra va quệt, phía người gây ra va quệt bị những người bị va quệt truy đuổi, thậm chí có trường hợp những người này là những đối tượng đầu xanh đầu đỏ, xăm trổ đầy mình, sẵn tiện dao mác đuổi theo thì việc người gây ra va quệt bỏ chạy chỉ là một giải pháp để họ đảm bảo tính mạng an toàn cho mình. Tuy nhiên cho đến lúc này vẫn chưa có một dữ liệu thông tin nào về sự việc này. Tất cả chỉ đang là những thông tin được người đi đường cung cấp với báo chí ngay tại hiện trường, để khẳng định cần có sự xác thực của cơ quan công an", luật sư Trương Anh Tú cho hay.

“Trường hợp đối tượng bị va chạm đuổi theo, gián tiếp gây tai nạn, cả hai sẽ phải cùng chịu trách nhiệm liên đới và bị xử phạt theo “Quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” gây hiệu quả nghiêm trọng, chiếu theo điều 202, bộ luật hình sự. Việc rượt đuổi trên đường, hành động  bỏ chạy để tránh trách nhiệm hoặc truy đuổi người va quệt, tất cả những hành vi này đều sai. Theo điều 202, Bộ luật hình sự hành vi vi phạm “Quy định đề điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, áp dụng khung hình phạt từ 7- 15 năm tù”, LS Trương Anh Tú phân tích.

Cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc

Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, cung đường cầu vượt Thái Hà, Chùa Bộc rất nhỏ. Là người thường xuyên đi qua đây, luật sư này cho biết, vì đường quá nhỏ nên phương tiện lưu thông giữa hai làn xe rất dễ va quệt vào nhau. Đường lên rất dốc nhưng tốc độ lại chỉ cho phép 15km/h. Ô tô đi với vận tốc đó thì lên đến đỉnh dốc rất dễ bị tụt xuống, mà đi nhanh thì phạm luật.

Vì đặc trưng của cung đường phía dưới cũng nhỏ nên cầu vượt cũng không thể thiết kế rộng hơn. Đây là yếu tố về mặt kỹ thuật. Nhiều lái xe vì mải lo tránh làn đã để xảy ra va quệt, thậm chí có trường hơp xe tải chạy qua đã va vào rào chắn phía trên cầu. Với tình trạng cầu nhỏ, lưu lượng giao thông quá tải thì khi xảy ra sự cố rất dễ gây ra những vụ tai nạn liên hoàn.

Xe taxi được cho là lạng lách, chèn ép (Hình ảnh đc chụp từ phía trong xe Ranger)

Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Chiến, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, "Rất nhiều vụ va quệt giao thông gần đây ở Việt Nam cho thấy, thay vì đối thoại để tìm cách giải quyết thì nhiều người lại chọn đối đầu, xung đột lẫn nhau và tai nạn này nối tiếp tai nạn khác. Điều này tạo nên hình ảnh xấu trong văn hóa tham gia hoạt động giao thông.

Hiện tại, chúng ta chưa thể kết luận về những sai phạm (nếu có) của nhóm người đi xe Ranger rượt đuổi theo tài xế taxi. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, bất kỳ lái xe nào cũng phải có trách nhiệm làm chủ tốc độ và xử lý các tình huống liên quan. Trong trường hợp này, lẽ ra người bị đuổi phải có trách nhiệm xử lý giải quyết những va chạm đã xảy ra trước đó, cho dù anh đúng hay sai. Việc bỏ chạy và di chuyển với tốc độ cao, trong thời điểm mật độ giao thông lưu lượng xe cộ đông đúc rất nguy hiểm. Lái xe thừa hiểu điều đó”.

“Đối với hai đối tượng được cho là đuổi theo tài xế này thì rất khó để quy trách nhiệm, vì họ không trực tiếp gây ra tai nạn. Bản thân họ nếu có vi phạm thì đó là hành vi gây mất trật tự, ở mức độ khác và cũng sẽ được xử lý theo một hình thức khác”, LS Nguyễn Văn Chiến bày tỏ.

 

Vụ taxi điên ở Hà Nội: Tài xế nhảy cầu để bảo vệ vợ con
Vụ taxi điên ở Hà Nội: Tài xế nhảy cầu để bảo vệ vợ con
(Xã hội) - (Phunutoday) - Vụ taxi điên đâm hàng loạt xe máy trên cầu vượt Chùa Bộc - Thái Hà rung lên hồi chuông nhắc nhở mọi người hãy bình tĩnh khi tham gia giao thông.

(Còn tiếp)

Đào Bích

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn