Vụ việc trẻ sơ sinh tử vong do các y, bác sĩ ở Trạm Y tế xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau ngủ quên xảy ra từ tháng 12-2010. Do tính chất phức tạp, khó xác định được hành vi của ai là phạm tội nên mãi đến bốn năm sau công an mới khởi tố bị can và thêm hai năm nữa mà vụ án vẫn chưa kết thúc. Mới đây, TAND huyện Cái Nước mở lại phiên xử sơ thẩm lần hai nhưng phải hoãn do đại diện gia đình bị hại không đến phiên tòa.
Cả ca trực ngủ quên khiến hậu quả đau lòng
Theo cáo trạng, vào khoảng 23 giờ ngày 14-12-2010, sản phụ Nguyễn Thị Nhân (ngụ ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau) được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Thạnh Phú, huyện này để sinh. Tuy nhiên, khi đến nơi thì trạm y tế vắng hoe, không có ai trực. Tình huống này khiến chị Nhân sinh rớt và đứa bé chết ngộp.
CQĐT xác định vào thời điểm trên, trạm y tế có phân công bốn người trực gồm BS-Trạm trưởng Nguyễn Út Thia, nữ y sĩ phụ sản Cao Hồng Lụa, y sĩ trực nội và quầy thuốc Châu Đức Toàn cùng y sĩ trực nội và đông y Châu Văn Trường. Thế nhưng người nhà của sản phụ Nhân đến la làng kêu cứu vang động mà vẫn không ai hay biết. Người dân biết và chỉ dẫn người nhà chị Nhân đến gõ cửa nhà y sĩ Toàn, nhà y sĩ Lụa và đập cửa trạm y tế… nhưng vẫn không ai xuất hiện.
Kết quả điều tra cho thấy trong lúc xảy ra vụ việc, y sĩ Châu Văn Trường ngủ tại trạm y tế nhưng không ngủ ở phòng trực mà ngủ ở phòng riêng phía sau nên đã không nghe thấy tiếng đập cửa kêu cứu. Y sĩ Lụa thì đang ngủ trong nhà nhưng cũng không nghe được tiếng đập cửa kêu cứu. Người nhà chị Nhân cũng đập cửa nhà y sĩ Toàn để xin số điện thoại của y sĩ Lụa nhưng vợ ông Toàn ra bảo không có số của Lụa rồi… đóng cửa ngủ tiếp.
Người bị tội, người không
Sau khi xác định rõ trách nhiệm, CQĐT không khởi tố y sĩ Châu Đức Toàn vì cho rằng chiều hôm đó ông Toàn có xin phép Trạm trưởng Thia nghỉ trực một đêm và đã được đồng ý. Còn y sĩ Trường là người trực phụ, với giao kết đã được lãnh đạo thống nhất là chỉ trực để khi nào có sản phụ đến thì gọi điện thoại báo cho y sĩ Lụa, vì vậy CQĐT không khởi tố.
Hai người còn lại là y sĩ Cao Hồng Lụa bị khởi tố tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, Trạm trưởng Nguyễn Út Thia bị khởi tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 6-2015, TAND huyện Cái Nước xử sơ thẩm lần một đã tuyên cả hai phạm tội như cáo trạng truy tố, phạt bị cáo Lụa một năm sáu tháng tù, bị cáo Thia bị phạt cảnh cáo (do có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được phía bị hại bãi nại).
Xử phúc thẩm vào tháng 9-2015, TAND tỉnh Cà Mau đã hủy án sơ thẩm vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề xác định bị can còn chưa rõ ràng, thuyết phục.
Tòa phúc thẩm nhận định hồ sơ thể hiện bốn người trong êkíp trực đều có hành vi giống nhau là rời bỏ vị trí trực nhưng Toàn và Trường không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, hồ sơ thể hiện người bị xử lý kỷ luật nặng nhất trong vụ này là bị cáo Thia (bị cách chức, chuyển công tác khác), y sĩ Toàn bị hạ bậc lương một năm, bị cáo Lụa và y sĩ Trường bị kỷ luật cảnh cáo, tức mức nhẹ hơn.
Tòa phúc thẩm cho rằng những hình thức kỷ luật nêu trên là một kết quả đã được ngành y tế cân nhắc lỗi từng người trong sự vụ bỏ trực làm chết con chị Nhân. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã không xem xét đến những chứng cứ này trong quá trình xác định trách nhiệm hình sự và tội danh là chưa đánh giá toàn diện vụ án. Từ đó tòa phúc thẩm hủy án để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Sau khi điều tra lại, VKSND huyện Cái Nước vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ban đầu, tức chỉ truy tố BS Thia và y sĩ Lụa. Đến ngày 18-10-2016, TAND huyện Cái Nước đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần hai nhưng phải hoãn vì đại diện phía bị hại, tức vợ chồng chị Nhân, không có mặt.
Chúng tôi sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin về sự việc.
10 năm trực chiến đỡ đẻ 24/24 giờ
Trong các đơn kiến nghị, kêu oan, y sĩ Cao Hồng Lụa đưa ra các tình tiết làm nhói lòng người. Nữ y sĩ này trần tình do có một mình chị là y sĩ hộ sinh nên từ năm 1996 đến trước khi vụ việc xảy ra chị đều một mình đảm nhiệm trực sản 24/24 giờ. Trong ngần ấy thời gian, về quy định, chị là người… không được ngủ vì phải trực liên tục. Và chị đã hộ sinh an toàn cho hàng ngàn sản phụ địa phương.
Nhà chị ở gần trạm y tế, bình thường chị vẫn hay về nhà nghỉ, hễ có bệnh nhân thì cán bộ ở trạm sẽ gọi điện thoại cho chị. Ấy vậy nhưng trong cái đêm xảy ra sự cố, xui rủi cho chị là không có ai gọi điện thoại báo cho chị cả. Gần nhà chị hôm đó lại có cái đám cưới, nhạc, trống dậy trời, vì vậy khi người nhà sản phụ Nhân gõ cửa chị đã không nghe được…
Đại diện phía bị hại bỏ cuộc
Sau khi sự cố xảy ra, các y, bác sĩ liên quan đã bỏ tiền túi ra hỗ trợ, bù đắp một phần thiệt hại tinh thần cho gia đình chị Nhân số tiền 41,5 triệu đồng. Tất cả bốn người đều bị kỷ luật từ cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức và chuyển công tác khác. Đến phiên xử phúc thẩm, vợ chồng chị Nhân xin miễn tội cho các bị cáo và không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Từ đầu năm đến nay, vợ chồng chị Nhân đã không quan tâm đến vụ án nữa nên không đến tòa mỗi khi tòa mở phiên xử.
Trước đó, tại Hà Nội cũng đã xảy ra sự việc sản phụ tử vong sau sinh: Có vết mổ lạ ở bụng dưới
Khi tới bệnh viện Bạch Mai thì phát hiện sản phụ có vết mổ ở vị trí gần bụng dưới, mà trước đó ở bệnh viện Chương Mỹ gia đình không được biết.
Sau khi sinh bé trai nặng 3,8kg ở bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, chị Ánh bị băng huyết. Được các bác sĩ chuyển lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng sản phụ không qua khỏi.