Xin chữ ông đồ đầu năm là nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết phong tục tốt đẹp này và xin được chữ “đắt” để treo trong nhà.
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh, Phó trưởng Ban tổ chức Hội chữ xuân Bính Thân 2016 (Văn Miếu, Hà Nội) cho hay, xin chữ xưa kia là điều thiêng liêng, quan trọng của mỗi gia đình trong dịp đầu năm mới.
Người cho chữ là các ông đồ học cao, hiểu rộng hoặc người đỗ đạt khoa bảng cáo lão hồi hương, được dân quanh vùng trọng vọng, kính nể. Người đi xin chữ với mong muốn thông qua chữ, xin được cái “khước” – sự may mắn, tài giỏi của ông đồ đem về.
“Việc xin chữ xưa kia mang cả ý nghĩa tâm linh. Một số người thành tâm đến xin chữ những ông đồ thông tuệ kinh dịch, lý số, tử vi nhưng lại không nói rõ yêu cầu của mình và xin một chữ bất kỳ. Ông đồ sẽ nhìn khí chất, dung mạo, đoán định vận mệnh của người đó trong năm tới để cho chữ. Người xin đem chữ đó về treo như một phép tự kỷ ám thị giúp để vượt qua vận hạn, nắm bắt thời cơ”, ông Khánh nói.
Nhà thư pháp Quốc Khánh cho rằng việc xin chữ ngày nay không đơn thuần mang góc độ tâm linh. Một số người đến “phố ông đồ” như đi hội, ngắm nhìn cảm nhận Tết, xin chữ như món đồ kỷ niệm. Nhiều người xin chữ để thưởng thức, ngắm nhìn nghệ thuật thư pháp.
Thạc sĩ chuyên ngành Hán nôm Nguyễn Đức Bá giải thích thêm, việc xin và cho chữ của người Việt có những quy tắc riêng. Tùy theo tầng lớp, địa vị trong xã hội và mục đích, người xin chữ sẽ xin những chữ phù hợp với mỗi người. Ngoài những chữ thư pháp chung họ đều muốn đạt được là phúc, lộc, khang, ninh, bình, an... thì các tầng lớp đối tượng đều xin chữ phù hợp với nguyện vọng cụ thể cho mình.
Dù mục đích của người xin như thế nào thì người viết cũng không được phép dễ dãi, tùy tiện. Người viết phải đảm bảo chữ có tính thẩm mỹ, hiểu được nghĩa để giảng giải chữ cặn kẽ.
Ông Đồ cho chữ (Ảnh minh họa) |
Năm thân nên xin chữ gì?
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh cho biết: "Năm Bính Thân là năm con khỉ, con vật tượng trưng cho sự thông minh, học hỏi nhanh, hoạt bát. Từ “hầu” – con khỉ, đồng âm với từ “hầu” – một tước vị quan chức. Tôi hy vọng năm nay sẽ mở ra nhiều vận hội, thời cơ mới cho mọi người. Thăng tiến không hẳn nghĩa thăng quan, tiến chức mà đơn giản là thay đổi vị trí trong cuộc sống, kiến thức nâng cao thêm cấp mới. Vì vậy, tôi viết tặng cho bản thân, mọi người chữ “Đắc vận” với mong muốn luôn nắm bắt cơ hội để phát triển mình”.
Theo nhà thư pháp Trần Quốc Chí, Phó chủ tịch câu lạc bộ thư pháp UNESSCO, điều quan trọng nhất đối với mọi người trong năm mới là sức khỏe để thực hiện dự định của bản thân, những chữ nên xin là “An khang”, “Tráng kiện”, “Như ý cát tường”, “Tâm tưởng sự thành”…
“Người viết phải trò chuyện với người xin chữ về mong muốn của họ, trao đổi ý tứ, giải thích câu chữ. Quan sát dung mạo, tính cách để thể hiện nét chữ phù hợp với người xin. Người xin chữ có tính cách hào sảng, hướng ngoại thì viết theo lối khoáng đạt. Người rụt rè, sống nội tâm thì viết theo lối kín đáo, ẩn nét. Đó mới đúng một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh”, ông Chí chia sẻ.
Con cháu muốn chúc cho ông bà, cha mẹ khỏe mạnh thì xin chữ: “Thọ”, “Khang”, “An”. Người đi học mong muốn tiến bộ nên xin chữ nhắc nhở mình rèn luyện, chăm chỉ như: “Chí tại thiên lý” (đặt chí hướng vươn lên, cố gắng suốt chặng đường dài) hay “Có công mài sắt, có ngày nên kim”…Người kinh doanh buôn bán xin chữ “Thuận”, “Lộc”, “Phát”…
Nhà thư pháp Trần Quốc Chí lưu ý người đi xin chữ không nên xin cả hai chữ “Nhẫn” và “Tâm” treo chung sẽ làm sai lệch ý nghĩa của chữ, tránh xin chữ có tà ý.
Với trẻ nhỏ thì có thể xin chữ “Thực vi tiên” để trẻ hay ăn, chóng lớn. Sau độ tuổi đó, có thể cho chữ “Minh”, "Thành", "Đạt". Khi đến tuổi yêu, xây dựng vợ, gả chồng có thể xin chữ "Duyên", chữ "Phúc"… Khi lớn lên, người ta hay xin chữ "Đức" để nhắc nhở đạo làm người, chữ "Hiếu" để thấu nghĩa sinh thành của ông bà, cha mẹ...
Ngoài ra, vào dịp đầu năm, cũng có những chữ cũng được xin phổ biến như một sự “mặc định”. Chẳng hạn, người đi học thường xin chữ "Trí", "Tài", "Nhẫn"; người buôn bán, kinh doanh xin chữ "Lộc", "Tín", "Phát"; Người xin chữ treo trong gia đình thường là "Phúc", "Lộc", "Thọ", "Tâm", "An"; nam nữ cầu "Danh", "Duyên", "Hiếu", "Trung"; tặng bố mẹ chọn chữ: "Tâm", "An Khang", "Bình An", "Thọ"...
Xin chữ đầu năm: Ý nghĩa những chữ hay thường được xin dịp Tết (Xi nhan) - (Phunutoday) - Xin chữ là phong tục tốt đẹp vẫn được giữ gìn tại đất nước ta, một đất nước có truyền thống hiếu học, trọng thầy, trọng chữ. |
Bé trai bị bà vứt vào sọt rác, mẹ đánh vì làm mất ví chiều 29 Tết (Xã hội) - (Phunutoday) - Sự việc xảy ra chiều 29 Tết tại Thái Nguyên được một người quay clip lại và đăng tải trên facebook đang khiến cho dư luận dậy sóng. |