Với nhiều người, tuần trăng mật là một kỳ nghĩ lãng mạn. Nhưng đối với vợ chồng anh Đinh Đức Dũng (sinh năm 1988 ở Đông Các, Hà Nội) và chị Nguyễn Thu Quỳnh (sinh năm 1989 ở Hà Tĩnh), tuần trăng mật của họ lại rực rỡ những gam màu, đầy "phấn khích", bất ngờ. Cùng đam mê du lịch bụi nên họ quyết định ghi dấu ấn trong cuộc đời bằng một chuyến đi phượt xuyên Đông Dương. Một chuyến đi thú vị mà anh Dũng đã tự trào phúng gọi là chuyến trăng mật "lôm côm" của đôi vợ chồng... thổ tả. Chúng tôi xin trích đăng lại những dòng nhật ký của chính "khổ chủ" trên các cung đường mà họ đã đi qua.
6.000 km, 35 ngày, 30 triệu, 2 người, 1 xe máy, và 1 đống thứ "thổ tả". Ở tuổi 26, bạn có dám cưới vợ? Cưới xong rồi, bạn có dám vác cô vợ ấy đi hay không?
Kỳ 1: Lần đầu "xuất ngoại"
Giới thiệu cả nhà nhé, tôi tên là Fox, nhân vật chồng trong chuyến đi này, tôi còn trẻ thôi, ham chơi lắm. Bấy lâu nay tôi bị hư hỏng nên ham hố cái món đầy nắng và gió này. Gia đình tôi khuyên can mãi không được bèn "ủ mưu" cưới vợ cho tôi, mong tôi sớm tỉnh ngộ mà ngồi nhà làm con ngoan trò giỏi.
Có ai ngờ sự đời ngang trái, người con gái mà tôi tổ lái ngày hôm nay trước đây vốn là con nhà gia giáo, củ lẩn cù lần chỉ biết học hành chăm chỉ, giờ bị giời hành nên đành yêu tôi. Nhờ tôi rèn dũa một thời gian nên giờ cô ấy cũng bị nghiện món đá sỏi mang tên du lịch bụi này. Chúng tui luôn bên nhau như Jack và Scooby Doo vậy. Tính tôi thì thổ dân hài hước, suốt ngày thường ngoác miệng nhìn trời cười ha hả, tính vợ tôi thì "thổ tả" lắm, hay dỗi vặt giờ thì đỡ rồi.
Hỗ trợ chúng tôi đợt này là bạn Fox "ghẻ". Thực ra, bạn ấy vốn tên là SYM Wolf 125. Tôi về làm lại giấy khai sinh, bạn ấy cũng lành, dễ sai vặt, ăn uống tiết kiệm, phải cái là khó tìm quần áo thay nếu rách thôi. Bình xăng bạn ý to nên tôi thích lắm, đi thoải mái mà không đòi ăn vặt. Tôi nuôi bạn ý 3 năm cũng đi dăm chục chuyến rồi.
Câu chuyện này thật khó có thể bắt đầu từ đâu. Đại loại là chúng tôi là một đôi vợ chồng trẻ mới cưới, và quyết tâm làm một chuyến trăng mật ra trò. Sau khi nghĩ tới nghĩ lui, chúng tôi bèn lập "mưu hèn kế bẩn" là đi một vòng quanh Đông Dương, khám phá chân trời mới. Ấy nhưng vì sợ đôi bên họ hàng ngăn cấm, đâm ra chúng tôi phải lén lút mà đi.
Trong hình là đôi vợ chồng "thổ tả" chúng tôi trước giờ khởi hành. Đó là một ngày đầu tháng 10. Đây là quán cafe Quốc lộ 1, nơi vợ chồng chúng tôi lấy làm điểm tập kết đồ và xuất phát.
Hành trang ra đi đơn giản vậy thôi, cái con xe kia tôi gọi nó là con Fox "ghẻ" yêu quý. |
Đi giữa đường chúng tôi gặp rất nhiều người tốt. Ví dụ như một chú bán chổi chít ở quán ăn trưa ven đường. Chú ấy sẵn sàng chỉ cho chúng tôi một người quen nhà ở sát cửa khẩu Na Mèo, nếu lên đó muộn quá chúng tôi có thể xin ngủ nhờ, còn liên hệ trước để nhờ vả trong khi chúng tôi còn chưa kịp nhờ vả.
Hôm đó là sát một cơn bão ập vào Việt Nam, chúng tôi đi trong một chút mưa gió, cái sông đằng sau tôi nó như này.
Còn đằng sau vợ tôi thì nó như này. Được cái vợ tôi là "loài" cẩn thận nên chúng tôi được trang bị tận chân răng, khẩu trang áo mưa quần mưa... đủ cả.
Đi đến xẩm tối rồi mà còn cách Na Mèo 70 km cơ, chúng tôi cứ đi và cứ đi, mỏi thì ngồi nghỉ. Vì đi có hai người nên rất thoải mái, chả phải đuổi theo ai hết.
Đói quá thì chúng tôi nhảy vào một quán ven đường làm xuất cơm. Mấy anh dân tộc cứ chúc đôi vợ chồng một chén. Từ chối mãi mới xong. Khổ, đi hai nên phải cẩn thận một chút. Mà các anh cứ nghi vợ chồng tôi là nhà báo "giả danh" đi điều tra cái gì đó. Chắc mặt tôi giống phường thảo khấu, còn mặt vợ tôi thì giống cô bé bị bắt cóc sắp bán qua biên giới.
Đoạn 25km cuối lên Na Mèo vừa tối vừa ổ voi, tôi đi mà cứ nảy tưng tưng, phải bảo vợ "tăng viện" thêm một con đèn pin để nhìn cho rõ. Mưa lất phất vùng sơn cước cũng làm tôi lạnh tê cả tay. Đường xấu lại chưa quen nên phải đi chậm.
Bỗng dưng đâu ra 2 con Win của mấy bác thanh niên sơn cước phóng như bay. Cứ như là đường nhà mình ý, tôi mừng húm, bám đuôi luôn, nên tốc độ cải thiện rõ rệt.
Tầm 8h tối là chúng tôi đến Na Mèo, nhưng rất tiếc là không thể dùng đến sự giúp đỡ của anh bán chổi chít bên trên. Lí do là giữa vùng rừng núi tối om, tôi cũng không muốn nhờ vả người lạ. Nếu không may có sự cố gì thì hỏng cả chuyến đi. Mà thật ra thì người ở đây rất tốt, nhưng tôi phải đặt tiêu chí cẩn trọng lên trước, vì lí do đơn giản, tôi chỉ có mỗi vợ tôi đằng sau chứ không phải là một đoàn.
Một phòng nhà nghỉ 150.000 đồng tại 1 trong 2 khách sạn duy nhất ở Na Mèo là sự lựa chọn cho chúng tôi. Chúng tôi tranh thủ lượn lờ một chút ở thị trấn, nhưng mà mưa và lạnh quá nên trùm mền ngủ cho khoẻ, mai đi cho lại sức.
Sáng hôm sau, chúng tôi đã hong khô số quần áo bị ướt và "ưỡn ẹo" đi ăn sáng rồi ra cửa khẩu check out, cửa khẩu tại Việt Nam có "hình dáng" như này đây.
Các chú biên phòng tạo điều kiện hết sức cho đôi vợ chồng trẻ đi trăng mật, cấp cho tờ giâý thông hành bé bé đi xe máy nữa. Dĩ nhiên là chúng tôi bị mất phí gì đó, tầm 200.000 thì phải. Rất tiếc vợ tôi là người ghi thu chi, nên tôi không rành lắm, bạn nào cần thông tin chi tiết thì liên lạc tôi sau nhé.
Đây là cột mốc Việt Nam tại cửa khẩu các bạn nhé. |
Cửa khẩu bên Lào thì cũng giống bên ta, lác đác vài chú biên phòng cười nói huyên náo. Nói luôn cho các bạn hay là cửa khẩu bên Lào này thu phí đắt nhất nhé, hình như là 100.000 kíp thì phải. Nhân nói chuyện tiền nong thì tiền kíp gấp 2,8 lần tiền ta, nhưng tôi cứ tính 3 lần cho tiện, ví dụ bạn mua một xiên thịt 2.000 kíp thì coi như bạn tiêu 6.000 đồng cho xiên đó nhé, cứ suy thế để mua bán cho nó dễ nhẩm ý mà.
Lần đầu "xuất ngoại" nên cả 2 vợ chồng chúng tôi hồi hộp lắm. |
Sau khi qua Lào, chúng tôi mua ngay một cái sim Lào gần cửa khẩu, một là để gọi về nhà, 2 là để gọi một số người bạn Lào của tôi hồi đại học. Điện thoại ở Lào giá cước đắt hơn ở VN nhiều mua sim mất 50.000 kip mà không có tài khoản nên chúng tôi phải mua thêm thẻ 20.000 kip để nạp vào.
Đường từ Na Mèo đi đến Sầm Nưa giống như một con đường bé nhỏ hay gặp ở vùng núi phía Bắc. Đường rất vắng, thi thoảng lại đi qua một xóm nào đó, rất nghèo. Nhà người Lào giống như các mái nhà dân tộc vùng rừng núi Việt Nam. Nhưng nhà nào cũng dùng ăng ten chảo của Trung Quốc, chảo to chảo nhỏ vui đáo để.
Tôi dùng một chiếc điện thoại smartphone. Nó có maps và GPS và cứu tui rất nhiều lần trên các con đường hoang vắng không biển chỉ đường.
Biển chỉ đường cũng quen thuộc như ở Việt Nam, ngoại trừ chữ loằng ngoằng. |
Đến Sầm Nưa, chúng tôi ập vào một quán cơm và ăn mỗi suất 10.000 kíp. Vợ tôi lúc nào cũng thế này, 2 đứa đi cứ hớn ha hớn hở, chỉ chỏ tùm lum.
Đi đường lúc nắng lúc mưa, lúc vừa vừa có gió, nên đôi khi giày tất ướt cả. Chúng tôi phải áp dụng cách này để hong đồ trên đường, rất mau khô. Mỗi tội, cái xe nhìn như con ngựa vằn.
Bầu trời Lào trong xanh như thế này, nhưng chỉ bên kia dãy núi là cả một Việt Nam đang hứng mưa chịu bão. Nhân tiện nói chút về gió Lào nhé, ngày trước tôi thấy bảo gió lào nóng khô lắm. Nhưng thật ra gió bên Lào lại rất mát, chỉ là khi đi qua núi bị ngăn hết hơi nước nên khi thổi qua Việt Nam thành khô nóng thôi.
Trạm xăng ở Lào rất nhỏ, mỗi khi đổ xăng 2 vợ chồng lại phải nhảy múa điệu múa "thần thánh" thì 2 bên mới có sự thấu hiểu được, cũng khá là ngộ nghĩnh đó các bạn.
Đoạn này là đoạn từ Sầm Nưa đi Phonsavanh. Đường khá vắng vẻ và nhiều đoạn cua nhé. Đường ở Lào thì có thể nói vắn tắt như sau: Những chỗ mà Việt Nam gọi là đèo, thì ở Lào gọi là đường. Cỡ tầm vài chục km là đèo cả, cứ oặt qua oặt lại đến vẹo cả người, đi lại đánh võng như rang lạc luôn. May mà đường ở Lào rất vắng.
Xe dừng ở ngã 3 một đường đi Việt Nam, một đường đi Phonxavanh, cách tầm 70km. Chúng tôi tìm 1 nhà hàng dể ăn, nhưng cánh nhà hàng bán cho xe ô tô đi từ hướng Việt Nam sang (qua cửa khẩu ở Nghệ An) bán hơi đắt nên chúng tôi chịu khó đi xa, tìm một nhà bán rẻ mà ăn. Khổ nỗi cả 2 bên lại không hiểu nhau, thế là "vũ khúc" giao tiếp lại nổ ra.
Kết quả là chúng tôi được ăn phở như thế này! Thật ra việc giao tiếp không quá khó đâu, quan trọng là bạn phải có óc tưởng tượng.
8h tối, 2 vợ chồng chúng tôi có mặt ở Phonxavanh. Thị trấn hơi vắng, có vài bạn Tây đang tung tăng. Chúng tôi đi lâu cũng mệt, nên chỉ dạo chơi một lát thôi thôi rồi kiếm ít mì về ăn tối và ngủ.
(Còn tiếp...)