Sau rằm, bánh Trung thu ế về đâu?

14:00, Thứ tư 17/09/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sau rằm, lượng bánh Trung thu còn thừa, ế trên thị trường sẽ đi đâu? Việc thu gom, giám sát để tiêu hủy sẽ được thực hiện như thế nào?

Thực tế, hầu hết hãng bánh lớn đều đã tiến hành việc thu hồi bánh ngay từ trước đêm rằm. Tuy nhiên, sau mỗi mùa Trung thu, những chiếc bánh ế sẽ đi về đâu? Ngoài bán hàng thanh lý cho nhân viên, không hề có thông tin nào về cách xử lý số lượng bánh còn lại và cũng chẳng có nhà sản xuất nào công bố về việc tiêu hủy bánh.

Trên một số diễn đàn, nhiều người còn tỏ ra nghi ngờ, liệu có phải bánh trung thu được thu về để chế biến thành những dạng bánh kẹo khác?

Mô tả ảnh.
Sau rằm, bánh Trung thu ế về đâu?

Tìm cách giải quyết bánh ế

Trung thu năm ngoái đã có không ít bánh Trung thu  trần, bóc nhãn được người bán cho biết đây là bánh ế của các hãng nổi tiếng như HH, KĐ, HN…do nhân viên của công ty mua lại rồi bán ra ngoài. Do sợ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và giữ giá bánh cho năm sau nên buộc bánh khi thu hồi xong phải xé hết nhãn mác. Những chiếc bánh dạng này được bán với giá chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/chiếc.

Tin tưởng mua được bánh chính hãng, nhiều người chỉ biết lựa chọn qua lời quảng cáo của người bán chứ không rõ bánh còn hạn sử dụng hay không và có thực chất là bánh của các hãng nổi tiếng nhưng xé nhãn mác?

Đến thời điểm này đã quá rằm hơn một tuần nhưng “chợ bánh trung thu” đại hạ giá tại phố Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn hoạt động nhộn nhịp. Bánh Trung thu được người bán quảng cáo của các thương hiệu nổi tiếng.

Khi chúng tôi hỏi, nghe nói một số công ty chỉ bán bánh cho cán bộ, công nhân viên của công ty sử dụng thôi, chị làm sao mua được, người bán hàng cho biết, việc đó thì em yên tâm, bọn chị bán đây bao năm nay, phải có cách hết chứ.

Tuy nhiên, đại diện các hãng bánh lớn cho biết, do sản xuất có kế hoạch nên bánh tồn không nhiều, số ít mang đi từ thiện, cho nhân viên chứ không có chuyện bán ra ngoài.

Một nhân viên truyền thông của công ty Kinh Đô cho hay, không có chuyện Kinh Đô xé nhãn mác để bán bánh Trung thu ế ra ngoài. Sau rằm, công tác thu hồi bánh được Kinh Đô tiến hành khẩn trương. Do sản xuất có kế hoạch theo nhu cầu của thị trường nên số lượng bánh tồn không nhiều. Sản lượng bánh tiêu thụ trong mùa Trung thu 2014 là 2.800 tấn, tăng 15% so với năm 2013. Bánh tồn sau khi thu về sẽ được phát miễn phí cho cán bộ, công nhân viên của công ty.

Đại diện Phòng Marketing của công ty Hải Hà - Kotobuki cũng phủ nhận thông tin trên. Nhân viên này cho biết công ty không có việc bán bánh tồn ra ngoài, ngay cả bánh cũng không được bán cho cán bộ công nhân viên. Do số lượng bánh tồn không nhiều nên sẽ được đưa đi làm từ thiện và cho một số lượng nhỏ cho các bộ công nhân viên. Nếu phát hiện trường hợp nào bán bánh ra ngoài sẽ xử lý ngay. Còn việc những người bán hàng bán bánh không nhãn mác, họ lấy nguồn ở đâu thì chúng tôi không biết.

Ngày 13/9, theo ghi nhận của phóng viên, bánh Trung thu đại hạ giá vẫn còn nhan nhản, của các hãng Bibica, Đồng Khánh, Maison và một số hãng ít tên tuổi hơn. Mỗi chiếc bánh trung thu trước Rằm thường có giá từ 40.000- 60.000 chiếc nay hạ giá chỉ còn 10.000- 15.000 đồng/chiếc vì thế mà nhiều người trông mong sau rằm để mua được bánh chính hãng giá rẻ.

Một số người bán cho biết, đáng ra năm nay còn mua được bánh của một số hãng lớn khác nhưng không hiểu tại sao họ lại không bán nữa. Khách đến hỏi suốt nhưng không có để bán.

Ai giám sát bánh Trung thu ế?

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y Tế Hà Nội cho biết, thực tế năm nay các doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu ít hơn mọi năm vì vậy lượng hàng tồn sau ngày rằm không còn nhiều. “Sau ngày rằm, chúng tôi sẽ giám sát các sản phẩm trên thị trường. Các loại bánh Trung thu quá hạn sử dụng sẽ không được phép bày bán, cơ sở nào bày bán bánh quá hạn sử dụng sẽ bị xử lý ngay”, ông Cường nói.  

Đại diện Sở Y tế cũng cho rằng, do sản xuất bánh theo thời vụ nên ngoài các cơ sở sản xuất lớn, có thương hiệu thì đến gần Tết Trung thu xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh thủ công, nhỏ lẻ khó kiểm soát. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng sản xuất bánh Trung thu giả về nhãn mác, chất lượng, nguồn gốc hay sản xuất bánh chỉ ghi hạn dùng đến ngày nào đó mà chưa ghi ngày sản xuất nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: “Đối với vấn đề sản xuất, hiện nay chúng tôi đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về lượng bánh tồn. Việc báo cáo này sẽ phải hoàn tất trước ngày 20 Âm lịch”.

Theo ông Khánh, thường lượng bánh Trung thu tồn, ế sau ngày rằm Trung thu sẽ được các cơ sở sản xuất tìm cách giải phóng bằng nhiều cách. “Hàng tồn có thể được họ bán đại hạ giá cho người có nhu cầu hoặc có nơi mang đi các tỉnh bán với giá rẻ. Việc này họ được quyền, nếu sản phẩm còn hạn sử dụng. Còn việc thu hàng tồn về để tái chế biến thành sản phẩm khác thì tôi nghĩ không có đâu”, ông Khánh phân tích.

Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng thừa nhận, không thể giám sát được việc các cơ sở sản xuất thanh lý và tiêu hủy bánh Trung thu ế.

“Các cơ quan chức năng chỉ xử lý hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng quá đát, quá hạn sử dụng ghi trên bao bì. Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất đang tự kê khai và tự chịu trách nhiệm việc xử lý, tiêu hủy bánh Trung thu tồn không tiêu thụ được”, vị cán bộ này nói.

Đỏ mặt với bánh trung thu hình vòng 3 gợi cảm
Mới đây, một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng vừa cho ra mắt loại bánh trung thu "có nhiều điểm tương đồng với vòng 3 của con người".
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh