Xăng dầu ngược chiều thế giới: Bộ điềm tĩnh, Petrolimex "dọa"

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Trước một vấn đề, nhưng hai nhà lãnh đạo lại có cách giải thích khác nhau quả thật khiến không ít người dân đau đầu, khó hiểu.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: "Trước hết tôi xin nói là giá cả xăng dầu điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Thị trường xăng dầu hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới. Cho nên đúng là có những lúc tăng rất cao nhưng giảm chậm. Về việc tiếp tục công khai sâu hơn nữa, rõ hơn nữa Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính hoàn toàn nhất trí.

Chúng tôi có thể công khai việc trích, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với từng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu đầu mối trong từng thời kỳ ví dụ như trong từng quý. Việc công khai Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo Thông tư quy định của Bộ tài chính là hàng quý. Nếu chúng ta tiến hành công khai hàng tháng thì phát sinh nhiều thủ tục hành chính, rất tốn kém, vì tốn thời gian và nhân lực. Cho nên việc công khai Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo từng quý là hợp lý."

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Khi được hỏi về vấn đề cuối tháng 8 vừa rồi, Bộ Tài chính giảm giá bán lẻ xăng 300 đồng/lít, đồng thời cho phép doanh nghiệp xăng dầu được trích sử dụng từ quỹ bình ổn cũng 300 đồng/lít, người dân cho rằng lúc đó, doanh nghiệp xăng dầu đã tăng mạnh mức chiết khấu cho đại lý, chứng tỏ họ đã lãi, chứ không hề lỗ, như vậy không cần trích quỹ bình ổn cho các doanh nghiệp kinh doanh nữa, Bộ trưởng Dũng giải thích: "Trước hết, tôi xin khẳng định điều hành giá xăng dầu là theo cơ chế thị trường, giá thị trường và có sự điều tiết của Nhà nước, theo Nghị định 84 của Chính phủ.

Để giải thích câu này kỹ, tôi xin quay lại trước đó kỳ tăng giá, tức là ngày 17/7/2013 khi giá thế giới biến động bất thường lớn. Nếu tính đủ yếu tố thì giá bán lẻ xăng dầu lúc đó tăng 988 đồng/lít xăng.

Tuy nhiên, do yêu cầu phải đảm bảo ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo lợi ích nhà nước, doanh nghiệp người dân. Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính- Bộ Công thương quyết định phải giảm lợi nhuận định mức của doanh nghiệp từ 300 đồng xuống 100 đồng trong cơ cấu giá bán của xăng dầu thời điểm đó.

Khi xả quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít xăng, số chênh lệch còn lại là 468 đồng/lít xăng, chúng tôi cho phép doanh nghiệp tăng giá tối đa 468 đồng/lít xăng trên số tăng đột biến lúc đó là 968 đồng/lít xăng. Đến cuối tháng 8, khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm và tính bình quân 30 ngày thì chênh lệch giảm khoảng 500 đồng/lít xăng.

Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp, liên bộ quyết định trả lại cho đủ lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp trước đó ngày 17/7 đã giảm 200 thì bây giờ tăng thêm 200.

Khi giảm giá xăng bán lẻ 300 đồng/lít, lợi nhuận định mức như van xả, nó được nằm trong cơ cấu của giá cơ sở xăng dầu đồng thời nằm trong cơ cấu giá bán xăng dầu. Do đó thực chất vừa trích vừa xả trên sổ sách nên không có ý nghĩa gì về giảm giá và không có ý nghĩa gì về lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại. Mình phải đảm bảo lợi ích vĩ mô đảm bảo kiềm chế lạm phát, tránh tăng đột biến, ưu tiên lợi ích của người tiêu dùng trước sau đó đến lợi ích của doanh nghiệp rồi đến Nhà nước."

Việc Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cất công giải thích cho người dân lý do giá xăng nước ta dù quyết định theo giá thế giới nhưng khi giá thế giới giảm mạnh, giá Việt Nam vẫn kiên trì đứng im hoặc chỉ giảm rất ít đã mở mang tầm hiểu biết cho người dân hơn rất nhiều. Mà nếu như sau khi nghe Bộ trưởng giải thích như vậy, có những người phải tự vấn lòng mình vì trách oan Bộ tài chính và ngành xăng dầu có lẽ cũng là việc dễ hiểu.

Tuy nhiên, điều khiến không ít người thắc mắc lại là tại sao cùng một vấn đề giá xăng thế giới giảm mà trong nước không giảm Bộ trưởng và lãnh đạo ngành xăng dầu lại giải thích khác nhau?

Trước đó, trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex đã cho biết: "Thực ra từ trước tới nay có bao giờ DN được quyết định về giá bán lẻ xăng dầu đâu! Nghị định 84 cũ cũng nói DN có quyền tự quyết nhưng chỉ là tiếng chứ thực chất đâu có quyền. Dù là vào quý I-2010, các DN có được tự quyết định nhưng sau đó giá thế giới biến động thì không còn được quyết nữa.

Tôi cho rằng Nhà nước phải như một cán cân. Nếu lợi nhuận định mức 300 đồng/lít là cao hoặc thấp thì điều chỉnh. Nhà nước phải có thông điệp. Khi lợi nhuận không còn nữa, cổ đông sẽ rút vốn đi. Mọi người bỏ tiền ra kinh doanh có ai nói là không cần lợi nhuận? Hiện Petrolimex cổ phần hóa, trong đó 5% cổ phần do các cổ đông nắm giữ (khoảng 500 tỉ đồng). Lợi nhuận thấp, phải thông điệp để cho nhà đầu tư rút, Nhà nước mua lại. Lúc đó, có thể chuyển hẳn thành DN công ích để DN không có lợi nhuận cũng được. Vấn đề là DN phải biết rõ ràng quan điểm của Nhà nước như thế nào chứ nửa kinh doanh nửa chính trị thế này DN uể oải lắm!"

Về việc trích hoa hồng khá cao cho đại lý, ông Năm cho biết: "Không biết các đầu mối khác thì sao nhưng với Petrolimex thì khác. Thị phần của chúng tôi khá lớn nên phải nhập liên tục để bảo đảm dự trữ lưu thông 30 ngày, không có quyền lựa chọn thời điểm nhập. Vì vậy có trường hợp những đầu mối khác, khi giá thế giới cao họ có thể lùi lại không nhập, đến lúc giá xuống thì nhập nhiều. Nếu làm thế, DN có thể được hưởng lợi từ chênh lệch giữa thời điểm nhập với giá thị trường. Khi có lãi thì họ có thể chiết khấu cao cho đại lý. Và như tôi đã nói, Petrolimex lại không làm được việc này.

Ở nhiều nước, dự trữ lưu thông đối với DN ít vì lượng dự trữ quốc gia của họ nhiều. Khi có tình hình biến động thì họ lấy dự trữ quốc gia để can thiệp. Nhưng còn ở nước ta, DN vẫn phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày."

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn