Bệnh nhân phải học qua lớp lạc quan rồi mới được vào viện

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Khi việc nhầm lẫn đã trở thành 'chuyện thường ngày ở huyện' trong ngành y tế, thiết nghĩ ngành y cũng nên tính đến chuyện mở lớp đào tạo bệnh nhân sự lạc quan và cách thông cảm hết mực cho bác sĩ để chuẩn bị tinh thần cho những sự nhầm lẫn tiếp theo.

Mới đây, vụ việc bệnh nhân đau ruột thừa "được" các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cắt ruột già dẫn đến tử vong đã gây nên một làn sóng kinh ngạc và bức xúc lớn trong xã hội. Vụ việc diễn ra vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 22/8/2013, chị Nguyễn Thị Hương (SN 1988, ngụ thôn 6, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cuba Đồng Hới.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị Hương bị đau ruột thừa nên tiến hành mổ nội soi. Tuy nhiên, sau khi mổ xong khoảng 1 tuần thì giữa ổ bụng của chị Hương nổi một khối u, gây nên những cơn đau dữ dội. Sau đó, chị Hương tiếp tục phải phẫu thuật 2 lần nữa, do ê kíp gồm bác sĩ Trần Tiến Hùng- Phó Giám đốc và bác sĩ Nguyễn Văn Mùi- Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện vào ngày 4/10 và mổ lần 3 ngày 22/10 tại bệnh viện Bệnh viện T.Ư Huế. Sau 3 ca phẫu thuật, sức khỏe của chị Hương vẫn không tiến triển và tử vong vào tối 10/11.

Ông Hoàng Văn Lệ, bố chồng chị Hương cho biết: “Bác sĩ cho biết con tôi bị viêm ruột thừa nhưng chưa được cắt bỏ mà lại cắt ruột già nên khi ăn vào thức ăn bị trào ra theo ống thông dịch, gây nhiễm trùng toàn thân”.

Mô tả ảnh.
Gia đình chị Hương đau đớn tột cùng trước cái chết của chị (Ảnh Dân Việt)

Trước đó, vào năm 2011 cũng đã xảy ra một vụ nhầm lẫn tương tự khi bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cắt nhầm hai quả thận của chị Hứa Cẩm Tú.

Khỏi phải nói, vụ việc nhầm lẫn 'độc đáo' và hy hữu này đã khiến dư luận quan tâm đến ngành y tế nước nhà bàng hoàng đến thế nào. Thế nhưng nếu quý vị đã vội vàng bức xúc, mắng chửi ngành y hay thậm chí là bi quan cho rằng biết phó thác sức khỏe của mình cho ai khi thời gian vừa qua ngành y tế liên tục nảy sinh các vấn đề thì chớ có nên làm thế, bởi ngay sau đó sẽ phải hối hận đấy.

Chỉ cần bình tĩnh suy nghĩ một chút, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy ngay dường như chuyện nhầm lẫn của ngành y tế giờ đây đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Này nhé đến việc tay gẫy còn bó bột nhầm thì chuyện mổ ruột thừa thành ruột già hay cắt nhầm thận... là những thứ nằm trong bụng, không thể quan sát trực tiếp bằng mắt thường âu cũng là chuyện dễ hiểu.

Trước đó vào háng 10/2013, bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi chẳng đã để xảy ra vụ việc thay vì bó bột tay phải, nhưng kỹ thuật viên bệnh viện lại bó bột tay trái  anh Trần Ngọc Thạch (25 tuổi, ở phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi). Sau đó bác sĩ khoa kiểm tra lại thấy anh Thạch bị bó nhầm nên đã chỉ định bó lại tay phải, nhưng nhân viên khoa này không chịu tháo bột tay trái bị bó nhầm cho anh Thạch mà cứ để luôn vậy còn gì.

Và cũng vì thế mà mọi người nên hiểu việc có hiện tượng đánh tráo thủy tinh thể và nhân dịch nhầy trong phẫu thuật mổ phaco tại Bệnh viện Mắt Hà Nội được dư luận quan tâm trong thời gian qua chẳng qua cũng là vì 'mắt thần' ngành y hơi có vấn đề, kèm nhèm nên nhầm lẫn một chút thôi. sau khi đã cất công thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế khẳng định, người bệnh được thay đúng thủy tinh thể theo chỉ định của bác sĩ, hồ sơ bệnh án cũng thể hiện đúng. Những gì mà dư luận cho là đánh tráo, gian dối thì chỉ là sai sót hành chính đấy thôi.

Mọi người bức xức, buồn bực thậm chí là lo lắng về chất lượng ngành y cũng là điều dễ hiểu bởi ai chẳng biết "sức khỏe là vàng", thời buổi này đụng đến vàng ai chẳng sốt sắng. Thế nhưng nhìn ra ngoài xã hội, việc nhầm lẫn từ chuyện bé đến chuyện to vẫn xảy ra hàng ngày đấy chứ.

Nào là ngành du lịch quảng bá nhầm ảnh danh thắng Trung Quốc trong hội chợ du lịch quốc tế ITB tại Đức tháng 6/2013, hay tại Hà Tĩnh, có doanh nghiệp khai thác 10 năm mới phát hiện nhầm tọa độ, trong khi sở Tài nguyên và Môi trường vẫn đi thanh tra, kiểm tra hàng năm... Đến vợ chồng gần gũi với nhau hàng ngày mà vẫn có chuyện vợ vui vẻ với người là vì nhầm là chồng mình nữa là...

Thế cho nên trước khi lên tiếng hờn dỗi, trách móc ngành y, thiết nghĩ mọi người nên bình tĩnh ngồi làm một phép tính toán thiệt hơn. Chuyện sai sót chắc chắn là điều hy hữu, không ai mong muốn nên cũng đừng vì thế mà tẩy chay ngành y. Ốm nhẹ nếu không đến bệnh viện chữa trị kịp thời rất có thể sẽ trở thành ốm nặng, thậm chí là nguy kịch. Đáng lẽ bạn có thể sống 70 năm nhưng vì sợ bệnh viện mà chỉ dừng lại ở độ tuổi 30 thì quả thật là quá tiếc nuối.

Đấy là chưa kể đến khi ngành y tế giận dỗi thật, quyết không khám chữa bệnh thì bệnh tật đầy rẫy, mọi người có hối cũng chẳng kịp.

Thế cho nên thay vì quay lưng, tẩy chay, thiết nghĩ những người muốn đi khám bệnh ở nước ta trước khi đi cần phải thật lạc quan, chuẩn bị cho mình tư tưởng hết sức cảm thông với các y bác sĩ để đối phó với những sai sót có thể xảy ra.

Thậm chí sau khi đã tổ chức các lớp dậy ứng xử cho nhân viên y tế, ngành y cũng nên tính đến chuyện mở lớp đào tạo bệnh nhân sự lạc quan và cách thông cảm hết mực cho bác sĩ để chuẩn bị tinh thần cho những sự nhầm lẫn tiếp theo. Nếu không thì....

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn