Xin đừng “đánh cắp” tuổi thơ của con trẻ

14:09, Thứ năm 26/04/2018

( PHUNUTODAY ) - Ở nước ta hiện nay, tình trạng chung là phụ huynh quá chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho con mà xem nhẹ kĩ năng và thái độ. Qúa xem trọng điểm số ở trường học mà quên đi việc học ở “trường đời”.

 Trẻ học, người lớn cũng phải đầu hàng

Anh chị tôi nhà ở ngoại thành Hà Nội nhưng hàng ngày phải đưa đón hai đứa con vào nội thành học thêm. Nghe chị kể về lịch học của con, tôi thở dài: “Em thấy các cháu học khổ hơn mình nhiều. Mình đi làm về còn được thoải mái ăn tối, xong rồi xem ti vi, giải trí. Còn các cháu hiếm khi được ăn bữa tối cùng ba mẹ, nói gì đến ngủ ngon lành”.

Nghe tôi nói, chị cắt ngang: “Đứa nào cũng phải học thêm đủ thứ chứ chẳng riêng gì con chị đâu…”.

120508HDChauA02_23573

Các cháu tôi đi học thêm toán, tiếng Anh từ khi còn bé. Tôi nói với anh chị: “Dù viết chữ đẹp hay làm toán nhanh cũng chưa thể giúp các cháu thành công trong tương lai”. Nhưng lần nào, anh chị cũng đều phản bác: “Trẻ thời nay phải học nhiều thứ nên phải tranh thủ thời gian thôi cô”.

Cứ như vậy, các cháu tôi khởi đầu từ rất sớm. Giáo dục là cả một quá trình, ở nhiều nước châu Âu, trẻ không học chữ vào giai đoạn mầm non. Thay vào đó, trẻ học kỹ năng nhiều hơn, tự xây dựng lối sống tự lập. Tôi không nghĩ một đứa trẻ học mầm non như cháu tôi sao đã phải học chữ trước khi đến trường từ quá sớm đến thế?

Học nhiều như vậy nhưng hỏi gì, các cháu tôi cũng ấp a ấp úng. Anh chị tôi luôn tỏ ra sốt ruột mong muốn con luôn đứng đầu, học hành xuất chúng. Nói đúng hơn là anh chị luôn bất an, lo lắng khi con đi học muộn, khi con không học thêm. Chính suy nghĩ sợ con thua bạn bè, anh chị tôi đã ép các cháu học quá sớm. Với lượng kiến thức các cháu nạp vào đầu hàng ngày, tôi cũng thấy hoảng. Có lần tôi nói với chị: “Bây giờ, với cách học này của các cháu, chắc em đầu hàng. Cái đầu của một đứa trẻ đang phải thu nạp và chứa kiến thức nhiều hơn người lớn chúng ta đấy”. Anh tôi gạt đi: “Cô cứ lo xa”.

“Tuổi thơ dữ dội” khi bị ép học

Là người được đi khá nhiều nước, có cơ hội tham khảo nhiều chương trình giáo dục, TS. Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, trẻ em Việt Nam đang học quá nhiều, bị ép học nhiều thứ không cần thiết theo ý của người lớn như phải viết chữ thật đẹp “như rồng bay phượng múa” hay làm toán nhanh “như máy”, trong khi đa số các em lại đang thiếu một số kiến thức về kỹ năng sống, thiếu thời gian được nghỉ ngơi, chơi đùa và tìm hiểu các kiến thức về tự nhiên, khoa học.

hoc-nhieu

Hương chia sẻ: “Tập viết rất quan trọng với trẻ giai đoạn đầu nhưng khi luyện viết chỉ cần rõ ràng, viết rành mạch, không bẩn, trình bày khoa học là quan trọng nhất. Hiện trạng rèn chữ khiến trẻ rất khổ, có em gù lưng, cận thị, chai tay, ngày ngày cặm cụi chỉ để viết đẹp hơn. Trước hết cần viết đúng, sau đó mới là viết đẹp. Còn đối với môn Toán, một số phụ huynh cảm thấy con học ở trường chưa đủ nên đưa con đi học thêm, điều này là không cần thiết. Trẻ chỉ cần nhớ một số cách tính nhanh, nắm vững các nguyên tắc, sau đó lên các lớp trên sẽ được trau dồi lại”.

Lo lắng cho thế hệ tương lai đánh mất tuổi thơ vì học quá nhiều từ ngay cấp tiểu học, TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng, dường như đa số mọi người đều cho rằng con mình phải học giỏi, phải có điểm số cao thì mới “thành danh”. Vì thế mà gò ép con cái chạy theo điểm số từ lớp 1. Theo ông, không phải cứ ép con học thì con mới học được. Có rất nhiều đứa trẻ thích học chữ nhưng lại sợ con số và các phép tính, ngược lại có những đứa trẻ thích những con số nhưng lại tỏ ra uể oải mỗi khi bắt luyện chữ. Điều đó cho thấy, trẻ con có các khả năng khác nhau, buộc các phụ huynh phải thường xuyên để ý tới con.

Ở đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh trẻ phải gặm chiếc bánh mỳ, ăn đùm xôi cho bữa tối ngay trên xe máy cho kịp đến lớp học thêm. Tại sao những vụ việc học sinh tự tử xảy ra như muốn tự giải thoát mình khỏi chuyện học nhưng rồi đâu lại vào đấy, đến hẹn lại lên, trẻ không thể không học thêm? Trẻ bị vùi dập cả tuổi thơ ngay từ cấp một vì phải gánh chương trình học quá nặng. Tất cả chỉ vì sự tham lam, vì cái sĩ diện hão của phụ huynh.

Tuổi thơ cho các em không chỉ có học, có điểm số. Điểm số chưa đánh giá được năng lực thực sự của mỗi người. Điểm số của ngày hôm nay cũng không kiếm ra tiền, không giúp trẻ hạnh phúc. Nếu con không học giỏi để có thể trở thành “ông nọ bà kia”, thì con chỉ cần một công việc đủ để con thấy vui. Nếu vì điểm số mà các em phải tự giải phóng mình bằng những hành động dại dột có đáng hay không, hỡi phụ huynh?

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc