Nhà có giúp việc, tôi được “khuyến mại” thêm 1 mẹ chồng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mấy ngày đầu chị rất biết điều. Nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ. Tôi đi làm về đã thấy cu con được tắm, trẳng trẻo và sạch sẽ vô cùng.

Chị 40 tuổi, to cao đẫy đà, nước da đen sạm. Lúc cu Tí 6 tháng, mẹ phải đi làm lại, nên chị được mẹ chồng về quê tuyển chọn kỹ lưỡng. Theo bà, chị không chồng, không con nên không vướng bận, đi ở được quanh năm.

Mấy ngày đầu chị rất biết điều. Nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ. Tôi đi làm về đã thấy cu con được tắm, trẳng trẻo và sạch sẽ vô cùng. Mẹ chồng tôi là người khó tính, cả khu phố này ai cũng biết, thế mà chị cũng khéo chiều lòng cụ. Lúc cơm nước xong, chị vào phòng bà, đấm bóp tay chân, và cùng bà xem cải lương. Tôi thầm khen mẹ chồng có mắt nhìn người. Thời giờ, tìm người giúp việc ưng ý như chị có đâu dễ dàng.

Thế nhưng, dường như chị cũng biết được trong cái nhà này, tôi chỉ là “công dân hạng bét” nên càng ngày càng quá đáng với tôi. Tôi nhờ việc gì chị cũng chần chừ không muốn làm. Có hôm đang bận 1 đống việc của cơ quan, lại nhớ ra, cái áo chống nắng lúc chiều rơi xuống vũng nước mà quên giặt nên tôi nhờ chị giúp. Chị bảo để mai. Mẹ chồng tôi thì quát lên “mày tưởng có giúp việc là không phải làm gì nữa à? Tự giặt đi một chút thì có sao. Định làm bà hoàng chắc”. Bỏ dở công việc và đứa con nhỏ đang ngủ, tôi cầm áo đi giặt, nước mắt lăn dài vì câu nói quá đay nghiến của mẹ chồng.

me-chong-phunutoday-vn
Nhà có 2...mẹ chồng (Ảnh minh hoạ)

Mẹ chồng tôi thích buôn chuyện nhà người khác. Từ lúc có chị, thói xấu của mẹ chồng càng được thể phát huy. Hôm nọ, đang ăn cơm, chị kể “Lúc sáng, con lên tầng 2 nhà ông An phơi nhờ cái chăn. Đi qua phòng chú Trung thấy hai vợ chồng chú ấy quần nhau trên giường, trắng hếu như hai con lợn cạo”. Mẹ chồng trố mắt “Thế hả? Bọn ấy mở cửa phòng à?”. Chị hồn nhiên “Đâu ạ! Cửa khép nhưng hở ra 1 lỗ nho nhỏ”. Tôi thấy bực bội vì cái tính tọc mạch của chị nên ngứa mồm chen vào “Vậy là chị đã ghé vào nhìn trộm sao? Lần sau chị đừng làm vậy, họ biết được không hay đâu”. Chị thản nhiên và cơm, còn mẹ chồng tôi thì nói như quát “Có làm sao. Có làm chuyện bậy bạ thì đóng kín cửa vào chứ. Khép vậy thì ai chả nhìn”. Rồi hai bà con lại tiếp tục câu chuyện bỏ dở, những bàn tán tiếp theo, nào chú Trung là người thế này, cô ấy là người như kia… Những lời thô tục cứ bay vào tai, tôi nuốt vội nuốt vàng bát cơm rồi về phòng mong thoát khỏi sự trơ trẽn ấy.

Chồng đi công tác về, chị chạy ra, đon đả một em hai anh ngọt xớt. Chiều hôm ấy, chị cầm giỏ đi chợ, mua về toàn những món quê nội vẫn ăn. Chồng đi quanh năm, sơn hào hải vị, món nào cũng được nếm, nhưng những món dân dã của tuổi thơ thì ít khi anh mới được thưởng thức. Chồng và mẹ chồng cười hả hê. Tôi ngồi đắng mặt.

Tôi thích các loại mùi thơm dịu nhẹ của dầu xả quần áo nhưng chị lại ghê sợ những thứ mùi ấy. Chị nói thẳng vào mặt tôi: “Cô mà dùng nước xả dầu thơm lên quần áo thì phải tự giặt giũ, bế cu Tý đi. Có mấy mùi khó ngửi đó tôi cũng không bế nổi”. Mẹ chồng tôi cũng vào hùa bênh vực: “Mày tưởng cứ cho quần áo của thằng cu con vào nước xả là tốt à? Toàn hóa chất. Cứ giặt bằng nước lạnh, phơi lên là sạch hết”. Tôi cũng đã sắm những thứ xà phòng và nước xả chuyên dụng cho trẻ sơ sinh. Cu Tý đang bú mẹ, lại hay nôn trớ, làm sao giặt tay mà hết mùi được nhưng đành chấp nhận. Nhiều bữa ôm con thấy mùi tanh khó chịu mà không thể làm gì.

Mẹ chồng khó tính nên tôi chỉ thoải mái được một chút nếu ngày cuối tuần bà sang nhà con gái chơi. Thế nhưng, từ ngày có chị, tôi trong vòng kiểm soát chặt chẽ 24/7. Cuối tuần vừa rồi, có bạn đến nhà chơi, tôi nhờ chị bế cu Tý giúp để cùng nấu cơm với bạn. Chị bực tức, vùng vằng, đi vào nhà gọi điện cho mẹ tôi. Sở dĩ tôi biết là vì, chỉ một chút sau, mẹ tôi về, liếc đứa này, lườm nguýt đứa kia, khiến bạn tôi sợ mất vía mà phải tìm lý do rồi rút quân. Họ về, mẹ chồng tôi gay gắt, cấm tôi từ sau không đưa khách về nhà. Bà bảo, tốn thời giờ lắm. Đi làm cả tuần được ngày nghỉ để thời gian mà chơi với con. Phận đàn bà có chồng con, quan hệ rộng, đàn đúm làm gì.

Tôi nói với chồng thì anh bảo “Em suy nghĩ nhiều làm gì. Sống với người khác, mỗi người một tính. Như em thì có mà sống một mình. Mà anh thấy chị giúp việc cũng được đấy chứ, chăm lo cho mẹ, cho con mình rất chu đáo”. Tôi nghẹn lời không nói nổi. Thì cũng đúng, với mọi người, chị là người rất tốt, chỉ trừ tôi – một kẻ luôn luôn là “công dân hạng bét” trong nhà.

Từ ngày có chị, tôi có được hai bà mẹ chồng, người này soi lỗi này, người kia soi lỗi kia. Chẳng biết tôi có thể chịu đựng được đến khi nào nữa?

Theo:  khoevadep.com.vn