Văn hóa ứng xử người thành phố: Ngày càng... buồn

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việc HN ra bộ quy tắc ứng xử riêng lại làm cho nhiều người yêu thành phố này cảm thấy buồn hơn.

Một lần tôi và cô bạn đang chạy xe trên đường thì bị hai thanh niên chạy xe ngược chiều và phóng cực nhanh quệt vào. Chúng tôi ngã sấp xuống đường. Còn hai thanh niên kia vẫn tiếp tục phóng về phía trước, không quên quăng lại câu chửi (tôi xin lỗi vì phải viết nguyên văn): "Tiên sư hai con đĩ".

Câu chuyện xảy ra cách đây khá nhiều năm, khi tôi trở lại Hà Nội lần đầu sau khi đã trưởng thành.

Ở Sài Gòn, tôi không bao giờ gặp cảnh này. Ở những địa phương khác mà tôi đi qua cũng vậy.

Có một lần vào nửa đêm, tôi và một cô bạn cũng bị quệt ngã giữa đường. Những chú, những anh chạy xe ôm, xích lô đang đậu xe ngủ thiu thiu bên đường ngay lập tức chạy lại đỡ chúng tôi dậy hỏi han.

Hai thanh niên quệt xe chúng tôi dừng lại xin lỗi và xem xe có bị hư hỏng gì không.

Khi không thấy tổn hại gì, các chú, các anh xe ôm, xích lô nói với họ: "Lần sau chạy xe qua ngã tư coi chừng đèn nha, hai cô này hiền chứ tông vô người ta là đền thấy tía đó".

Việc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội phải ban hành một bộ quy tắc ứng xử riêng cho người Hà Nội khiến tôi thấy buồn thay cho người Hà Nội quá đỗi.

Mô tả ảnh.
Một bộ quy tắc ứng xử sẽ chỉ là động thái xoa dầu để chữa ung thư, khi những điều luật cơ bản vẫn chưa được tuân thủ nghiêm khắc.

Buồn vì từ lâu nay cái tiếng thanh lịch của người thủ đô đã mất hẳn, nhường chỗ cho quá nhiều thói xấu tung hoành.

Bây giờ nói đến Hà Nội, nhiều người nhắc ngay đến lễ hội cướp hoa, phở quát cháo chửi, thói quen không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy, trai gái dễ dàng văng tục, nhiều người nghênh ngang vi phạm luật giao thông và chửi CSGT như hát, lừa khách vãng lai, đòi khách du lịch tiền mới chỉ đường...

Ngay cả nhiều người gốc gác Hà Nội khi sinh sống ở nơi khác cũng thú thực họ không còn mến yêu Hà Nội nữa, hoặc chỉ mến yêu hình bóng Hà Nội yên lành trong quá khứ mà thôi.

Ai đã làm nên ấn tượng xấu của Hà Nội những năm gần đây? Liệu có phải là những người từ nông thôn lên, như có lần người ta đã đổ thừa khi cần bào chữa cho vụ cướp hoa?

Nếu vậy, tại sao Sài Gòn là thành phố "hiệp chủng quốc" của Việt Nam lại không xảy ra hiện tượng này? Những đô thị miền Trung, miền Tây chất phác không xảy ra hiện tượng này?

Tôi cho rằng một phần nguyên nhân nằm ở chỗ tại mảnh đất đặc biệt này, pháp luật trong một số trường hợp đã du di, không hoàn toàn nghiêm khắc với tất cả những hành vi vi phạm, từ đó mà tạo nên tâm lý ngang ngược và thách thức.

Nhưng vì ấn tượng về Hà Nội là ấn tượng chung chứ không thể chi ly ra từng con người cụ thể, cho nên dù là người Hà Nội gốc nhiều đời, người có hộ khẩu Hà Nội hay người tạm trú Hà Nội... đều có trách nhiệm trong việc đã tạo ra một hình ảnh chung thiếu thân thiện và văn minh cho Hà Nội bây giờ, để bản quy tắc ứng xử nói trên phải ra đời.

Tuy nhiên bản quy tắc ứng xử này theo tôi sẽ khó có hiệu quả thật sự. Bởi vì "tôn trọng, thân thiện, đoàn kết, chia sẻ, thân thiện, thấu hiểu, yêu nghề, ham học hỏi, vị tha, thân ái, bình đẳng, cởi mở, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm xã hội (một số điều trong bộ Quy tắc ứng xử) là những giá trị văn hóa cao nhất, phổ quát nhất mà xã hội nào cũng hướng đến, nhưng nó lại phụ thuộc vào quá trình tu dưỡng của từng cá nhân chứ không thể đạt được chỉ nhờ cổ động hoặc thậm chí bắt buộc.

Có quy tắc mơ hồ và không thể đo lường được mức độ "chấp hành" hay "vi phạm" như "yêu nghề, ham học hỏi".

Có quy tắc là những hành vi bắt buộc phải tuân thủ vì nó là quy phạm pháp luật, như "bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường" (nếu xâm phạm di tích lịch sử, phá hỏng cảnh quan, tàn hại môi trường dĩ nhiên sẽ bị xử lý theo pháp luật).

Có quy tắc lại là chuẩn mực tối thiểu của ngành nghề, như thầy cô giáo phải có "trang phục phù hợp với môi trường học đường".

Và, vì quá chung chung nên những tiêu chí này tôi e sẽ chỉ dừng lại trên văn bản mà không có tác động thiết thực đến việc thay đổi thói quen xấu, hình thành thói quen văn minh hơn cho người dân thủ đô nói chung.

Cách hành xử văn minh, tuân thủ pháp luật, tôn trọng cộng đồng, thái độ thân thiện... thực ra đã là những bài học đầu tiên được dạy trong nhà trường phổ thông, từ lớp mẫu giáo trở đi và luôn nhắc đi nhắc lại.

Chúng ta dễ dàng thấy những đứa trẻ níu tay mẹ để bỏ một vỏ hộp xôi vào thùng rác chứ không nhất quyết không vứt ra đường. Nhưng khi lớn lên, không ít đứa trẻ ngoan ấy lại thay đổi ngoắt hẳn lại.

Do vậy, tôi cho rằng không phải là chúng ta thiếu sự giáo dục cần thiết, mà là kết quả của sự giáo dục ấy đã không được củng cố vững chắc trong một môi trường chung nhiều hỗn loạn.

Một bộ quy tắc ứng xử sẽ chỉ là động thái xoa dầu để chữa ung thư, khi những điều luật cơ bản vẫn nhiều khi chưa được tuân thủ nghiêm khắc từ trên xuống dưới.

Đến đền chùa cầu xin tài lộc, nhét tiền vào tay tượng Phật, dâng cúng gà lợn, sống chết sờ vào tượng cầu may... Tất cả đang biến du lịch tâm linh thành thú vui báng bổ.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn