Một khu tập thể cũ kỹ, bắt đầu từ năm 1960, nhìn từ ngoài, khu tập thể ấy quả là địa điểm lý tưởng khi có "view" thẳng ra Hồ Gươm. Vị trí đắc địa, trung tâm, xung quanh đều là những quán cafe, trà sữa đình đám nhất Hà thành. Chỉ có điều, vẻ bóng bẩy bên ngoài không che được nỗi thống khổ mà người dân ở khu này đã từng một thời (mỗi căn hộ bé tí như cái ô, chỉ vỏn vẹn 20 đến 25m2 đã qua nhiều đời chủ) phải chịu, khi mà chỉ có 2 phòng vệ sinh dạng hố bệt ở khu vệ sinh chung. Mặc dù vài hộ diện tích rộng đã lắp được nhà vệ sinh riêng, nhưng phần lớn vẫn sử dụng 2 phòng vệ sinh cũ kỹ này.
Nhà vệ sinh phố cổ là cơn ác mộng với những người dân nơi đây. |
Bây giờ sửa sang lại còn đỡ, chứ cách đây vài năm, nhà vệ sinh cũ kỹ, tối om, chia làm 2 ngăn đầy mạng nhện và đủ các loại con ưa bẩn thỉu tăm tối. Ở ngoài là một bể nước đen ngòm, tanh rình cũng chăng đầy mạng nhện và chuột chạy như trên đường quốc lộ khiến khung cảnh càng thê thảm hơn. Trẻ con mỗi khi phải vào đây thì khóc thét vì sợ. Còn người lớn, chẳng biết làm gì ngoài... nhịn thở.
Nhưng đó chưa phải là cảnh đáng sợ nhất. Hãi nhất là khi có nhu cầu mà chưa "trống chỗ" để xả. Dân phố cổ dường như có quy ước với nhau về giờ giấc. Hãy thử tưởng tượng cảnh bạn đang đau bụng quằn quại, chỉ muốn tống khứ khỏi bụng cái chất đang réo lên ầm ỹ kia... Nhưng, chưa đến giờ thì phải ráng nhịn! Bởi vì bạn đang ở nhà phố cổ chứ không phải nhà riêng hay chung cư. Và bởi vì, ở đây, đi vệ sinh theo giờ cũng là cách tôn trọng để sống chung với nhau giữa một khu tập thể cũ kỹ, chật hẹp, tấc đất quả xứng với nghìn tấc vàng!
Nhà vệ sinh ở một khu tập thể trên phố Hàng Trống đã "khang trang" hơn nhiều sau khi được các hộ gia đình góp tiền tu sửa. |
Đang có "nhu cầu" vì trót ăn bát tiết canh đánh vội, anh Thanh (tầng 2 khu Hàng Trống) ôm bụng chạy xuống nhà vệ sinh. Không may, 2 phòng đều đang ở tình trạng "full". Người hàng xóm ở trong nói vọng ra: "Có phải giờ của ông đâu ông Thanh ơi! Chịu khó chờ tí đê". Cực chẳng đã, anh phải "đi" tạm vào chiếc bô của con gái, rồi chờ đến giờ thì mang xuống đổ dưới nhà vệ sinh.
Chị Hằng, người thuê lại căn phòng tầng 2 ở khu tập thể không khỏi bật cười khi kể chuyện phải "nhịn", và "luyện" thói quen đi vệ sinh từ buổi sáng thành buổi chiều để "giải quyết" luôn ở công ty, đỡ phải sử dụng nhà vệ sinh tập thể. Khi thuê nhà ở đây, chị không có gì phải phàn nàn vì vị trí quá trung tâm, chỉ bước chân xuống là đến Bờ Hồ, đêm giao thừa không cần phải đi đâu, chỉ ngó ra cửa sổ là xem pháo hoa tận mắt.
Nhà vệ sinh tối om, khai rình, hôi hám... khiến nhiều người phải... khóc thét. |
Thế nhưng, thanh niên như Hằng không thể quen với nhà vệ sinh tối om, khai rình hôi hám. Chưa kể, nhiều lần phải xếp hàng, thậm chí năn nỉ người ở trong "nhanh cho em nhờ". Vì khung giờ buổi sáng, nhà vệ sinh hay ở trạng thái kẹt, nên chị Hằng phải "luyện" thành buổi chiều để lên công ty "xả". Quá trình "luyện" như thế cũng khá là vất vả, nhưng theo Hằng, còn hơn cảnh cực hình đi vệ sinh chung ở khu tập thể. Những căn hộ trên tầng 2, ai cũng có sẵn một cái bô. Còn để làm gì thì..., đến đêm, lỡ "phát sinh" cảnh đau bụng, chẳng ai nỡ mò xuống cái khu tối om, đen ngòm hôi hám ấy.
Xếp hàng đi vệ sinh là chuyện bình thường ở những khu tập thể trên phố cổ kiểu này. Một ông già cầm sẵn giấy trên tay, đứng chờ hàng xóm đang bị tào tháo đuổi ở trong. Cái thứ "tiếng" phát ra từ nhà vệ sinh, khiến ông cười rồi bảo với anh đằng sau "Nghe nó xả mà... thèm, tao bị táo bón mấy hôm nay rồi". Câu chuyện có thật trở thành "truyền thuyết" về nhà vệ sinh ở khu tập thể Hàng Trống một thời. Mà nhắc lại, tất cả những ai từng trải qua thời gian ở đây đều không thể quên.
Nhiều người vào đây không dám thở mà phải nhịn cho đến khi giải quyết xong "nỗi buồn". |
Có dịp đi vào nhà vệ sinh trên con phố ẩm thực nổi tiếng Tống Duy Tân, mới thấy khâm phục sức chịu đựng của người dân ở đây. Bên ngoài tấp nập, đông đúc với đủ thứ sơn hào hải vị, hải sản bốn phương, chim quay tám hướng... Còn ở trong, một nhà vệ sinh ở đầu phố phục vụ gần 5-6 hộ xung quanh, và nhà vệ sinh thuộc loại cổ xưa nhất Hà Nội. Đó là một cái hốc có phên liếp che tạm, che thế thôi chứ ở ngoài đứng vẫn thấy rõ mồn một. Cũng chả lo ai ngó nghiêng xem trộm, không ai vào đây có nhu cầu ở lại lâu, bởi không khí đặc quánh mùi bốc lên nồng nặc và đàn ruồi bâu dày đặc, gián chạy ầm ỹ dưới chân. Ở ngoài có thùng nước và cái gáo dội, nhưng khách thường "bỏ chạy" sau khi đã "xong việc", thế là mùi vẫn hoàn mùi.
Chị Hoa (Đống Đa, Hà Nội), một thực khách cực chẳng đã phải đi vệ sinh nhờ ở đây, sau khi quay lại bàn ăn, liền vội vã thanh toán bỏ dở bữa cơm rang vì không nuốt nổi nữa. Nhưng dân ở đây thì bình thường, họ vẫn sinh hoạt và chẳng ai chê trách nhà vệ sinh ấy bởi "không thì biết đi ở đâu?".
Những con phố như Hàng Đường, Hàng Bè, Nguyễn Văn Tố..., nhà vệ sinh nằm ngay cạnh nhà dân. Nói là nhà cho oai, giống cái ô hơn, mỗi nhà khoảng 3-4 người một ô, một cái giường và sinh hoạt ăn uống, nấu nướng ngủ nghỉ luôn trong ấy. Khách đi vệ sinh nhờ từ các hàng quán ở ngoài, bắt đầu vào ngõ là bịt mũi rồi, nhưng người dân trong ngõ vẫn sinh sống mấy chục năm, đã quen với vất vả nên chẳng còn kêu nữa. Và cứ thế, hố xí bệt, bên cạnh là thùng nước với cái gáo, tường lở loét, rêu bám từng mảng, mạng nhện chăng đầy là những hình ảnh mà ít ai quên nổi, ngay cả khi không còn ở xứ phố cổ phồn hoa.