Những ngày qua, người dân phố núi Kon Tum xôn xao khi trên facebook tên Le Tung đăng về việc anh dùng xe cá nhân chở nạn nhân vụ TNGT trên quốc lộ 14 trưa 30/6 đi cấp cứu tại bệnh viện, theo tin tức trên báo Thanh Niên.
Anh Lê Văn Tùng (28 tuổi), trú ở thôn 11, xã Đăk Hrinh cho biết, khi biết vụ TNGT xảy ra, anh cùng chú là Lê Văn Tý (39 tuổi) cùng người gia đình và hàng xóm tham gia cấp cứu nạn nhân.
"Đến hiện trường chưa được 30 giây nhưng thấy cảnh mỗi người văng một nơi, nhiều người bất tỉnh, em chạy về nhà lấy xe tải 43h-2137quay lại hiện trường đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế H.Đăk Hà", Tùng cho biết. Tuy nhiên, Tùng và mọi người ưu tiên cho 8 người bị thương nặng chở đi trước, sau đó dự định sẽ về chở những người thương tích nhẹ hơn.
Mỗi khi đưa ai lên xe, Tùng tìm điện thoại nạn nhân để gọi cho người nhà của họ để thông báo. Khi chuyển 8 nạn nhân đến Trung tâm Y tế H.Đăk Hà, Tùng quay ra thì gặp xe cấp cứu chở nạn nhân T.T.M. (sau này xác định đã tử vong tại hiện trường) vừa đến, nên anh quay sang cùng với một người tên Đức (người nhà bệnh nhân điều trị tại đây) đưa nạn nhân vào.
Khi đó, anh Tùng nói mình nâng phần đầu, còn anh Đức phần chân, thân nên máu nạn nhân có dính trên vết thương bị trầy xướt trước đó. "Vết xướt này em bị trước vụ TNGT khoảng 40 phút", Tùng nói.
"Thực ra, em không biết nạn nhân bị HIV, nhưng nếu có biết em cũng tham gia bồng bê họ vào cấp cứu. Ai cũng làm hết, không chỉ mình em", Tùng thổ lộ. Anh Tùng cũng cho biết, anh và gia đình đã nhiều lần dùng xe tải gia đình cấp cứu nạn nhân bị TNGT trên đoạn đường quốc lộ 14 đi ngang nhà. Vụ việc lần này lại quá thương tâm nên chỉ góp phần công sức nhỏ bé mà thôi.
Đến chiều 30/6, Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà thông báo phát hiện túi nạn nhân T.T.M tử vong có giấy tái khám HIV nên yêu cầu những ai tham gia đưa nạn nhân này nhập viện phải đi làm xét nghiệm và điều trị phòng phơi nhiễm HIV.
Chiều 30/6, Tùng cùng hai người thân xuống Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tại TP.Kon Tum để điều trị, nhưng quá giờ làm việc nên tìm gặp BS Nguyễn Văn Đôn, Trưởng khoa khám, điều trị chuyên khoa HIV/DIAS và điều trị nghiện chất. Trong một quán cà phê, vị BS này tư vấn và nói anh Tùng cần dùng thuốc CRV "3 trong 1" vì máu nạn nhân có vấy lên vết xước.
Tuy nhiên, bác sĩ này nói trường hợp của Tùng không cấp miễn phí, vì không thuộc diện cấp thuốc miễn phí theo quy định hiện hành, nên phải mua 1,2 triệu đồng/lọ.
Sáng hôm sau 1/7, anh Tùng được tiếp tục được đưa đi xét nghiệm phơi nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà. Tại đây, do bị giải thích như chiều 30/6 rằng không được cấp thuốc miễn phí nên anh Tùng đăng lên facebook chia sẻ với mọi người.
Đến chiều 1/7, anh Tùng tiếp tục được khám và phát thuốc chống phơi nhiễm HIV miễn phí, nên anh trả lại thuốc mua của bác sĩ Đôn, có 18 viên.
Do uống 2 viên trước đó nên anh Tùng phải trả tiền 80.000 đồng cho bác sĩ Đôn.
Anh Tùng cho hay, khi đăng lên facebook và chia sẻ cộng đồng, thì có hàng trăm người chia sẻ. Tuy nhiên, đến chiều 2/7 thì trên facebook Le Tung chỉ còn một video và hình ảnh anh Tùng cùng người nhà đưa người đi cấp cứu tại bệnh viện, còn status nói trên thì không còn. Chỉ thấy status Tùng đăng nói mình được đi khám và cấp thuốc miễn phí chống phơi nhiễm HIV.
Tùng cho biết, chính anh đã gỡ đoạn status nói trên, vì ngành chức năng địa phương đến tận nhà động viên. Chiều tối 2/7, vào facebook Le Tung viết, do bức xúc quá nên viết status vậy thôi.
Liên quan đến việc này, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tham gia cấp cứu người bị nạn trong vụ tai nạn trên có 17 y bác sĩ và 7 người dân. Như vậy 24 người có liên quan nghi ngờ phơi nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân vào viện, tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm, theo tin tức trên báo Đất Việt.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh Kon Tum khẩn trương tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến ca cấp cứu người nhiễm HIV theo quy định. Trong đó, đề nghị cấp thuốc ARV miễn phí cho tất cả những người dân trực tiếp tham gia cấp cứu người bị nạn.
Trước phản ánh, nhân viên y tế chỉ cấp thuốc ARV cho người làm nhiệm vụ chứ không cấp cho dân thường, mà muốn sử dụng thì phải trả 5 triệu/liều; ông Cảnh cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế đã nắm được thông tin nói trên, bản thân ông rất bức xúc khi nghe được tin này và lấy làm tiếc về cách xử lý tình huống của nhân viên y tế.
"Tôi cũng rất bức xúc về cách xử lý của nhân viên, về quy định thì những người không thuộc lực lượng chức năng không được hưởng miễn phí thuốc phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên, trong tình huống như thế này phải xin ý kiến cấp trên xử lý cho hợp lý. Tôi đã gọi điện cho giám đốc Sở Y tế Kon Tum, yêu cầu liên hệ với những người mà đã bị thu tiền thì trả lại cho họ", ông Cảnh nói.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng yêu cầu các đơn vị hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan theo quy định.
Tổ chức thăm hỏi, động viên những người dân và các cán bộ y tế đã tích cực, dũng cảm tham gia cấp cứu người bị nạn.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết ưu tiên, khen thưởng đặc biệt đối với cá nhân lấy xe gia đình chở người gặp nạn đi cấp cứu.
Trả lời Thanh Niên ngày 2.7, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết khi xác định các trường hợp bị phơi nhiễm, nghi phơi nhiễm HIV, cơ sở y tế cần xác định sớm mức độ phơi nhiễm để có chỉ định dự phòng phù hợp.
Trong trường hợp xác định cần uống thuốc kháng vi rút phòng nhiễm HIV, người bị phơi nhiễm cần được uống càng sớm càng tốt và uống trong vòng 72 giờ sau khi được xác định nguy cơ. Uống thuốc hằng ngày trong vòng một tháng. Sau dùng thuốc một tháng sẽ xét nghiệm lại. Sau 3 tháng kể từ khi dùng thuốc dự phòng, cần xét nghiệm lại lần hai. Nếu kết quả xét nghiệm lại lần 2 âm tính, trường hợp phơi nhiễm đó có thể khẳng định không bị nhiễm HIV.
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm, mỗi năm đều có các trường hợp y, bác sĩ, nhân viên y tế nguy cơ phơi nhiễm trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn như phẫu thuật, tiêm truyền, thăm khám và chăm sóc người nhiễm HIV nhưng chưa có trường hợp nào bị nhiễm HIV sau khi phơi nhiễm. Các thuốc kháng vi rút được cấp miễn phí cho các trường hợp bị phơi nhiễm khi nhân viên y tế đang làm công tác chuyên môn, người làm nhiệm vụ.