Người sống thọ thường có 3 đặc điểm khác biệt trên cơ thể
Nhịp tim 55-60 lần/phút
Các chuyên gia tim mạch cho biết, khi mới thức dậy vào buổi sáng, nhịp tim tốt nhất đạt từ 55-60 nhịp/phút. Điều này cho thấy tim khỏe mạnh. Ngược lại, nhịp tim nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nghiên cứu chỉ ra rằng tim đập càng nhanh thì khả năng sống tới 85 tuổi càng thấp.
Sức mạnh của lực cầm nắm
Các nhà nghiên cứu từ Hội đồng nghiên cứu Y khoa Anh phát hiện ra rằng, sức mạnh của lực cầm nắm tỷ lệ thuận với khả năng hoạt động của tim. Lực cầm nắm của tay càng mạnh, cơ thể càng khỏe. Cùng với sự lão hóa của cơ thể, lực cầm nắm sẽ giảm sút. Khi đó, bạn có thể phải đối mặt với những cơn đau tim, đột quỵ.
Eo thon, mông lớn
Nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới đều cho thấy, người có eo nhỏ, mông lớn có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa mãn tính, giúp kéo dài tuổi thọ.
Chỉ số vòng eo phản ánh tình trạng các mô mỡ nội tạng vùng bụng. Người càng có nhiều mỡ nội tạng thì nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch càng cao.
Các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Y Harvard cũng nhận ra rằng, phần mỡ dưới mông là chất béo tốt, có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Đặc biệt, phụ nữ có vòng mông lớn có tác dụng ngăn chặn chất béo tấn công vào cơ quan nội tạng, giúp bảo vệ tim và phổi.
5 kiểu ăn uống giúp kéo dài tuổi thọ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một chế độ ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ con người khỏi suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, đồng thời ngăn ngừa các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch...
WHO đưa ra 5 khuyến cáo về chế độ ăn uống giúp kéo dài tuổi thọ như sau:
Tăng cường trái cây, rau quả
WHO khuyến cáo mỗi người nên ăn ít nhất 400 gram hoặc 5 phần trái cây rau quả mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đảm bảo đủ lượng chất xơ mà cơ thể cần.
Hạn chế tiêu thụ đường
Theo WHO, cả người lớn và trẻ nhỏ đều nên giảm lượng đường tiêu thụ hàng ngày xuống dưới 10% tổng năng lượng ăn vào. Mỗi người lớn chỉ nên tiêu thụ 25 gram đường/ngày.
Tiêu thụ quá nhiều đường và đồ ngọt sẽ làm tăng nguy cơ bị sâu răng. Lượng calo dư thừa từ thực phẩm và đồ uống nhiều đường sẽ góp phần làm tăng cân, gây ra béo phì. Đường cũng ảnh hưởng tới huyết áp và lipid máu. Giảm tiêu thụ đường sẽ làm giảm các yếu tố nguy cơ đối với tim mạch.
Giảm lượng muối
Hầu hết con người đều tiêu thụ quá nhiều natri thông qua muối. Nạp nhiều natri và không đủ kali sẽ góp phần làm tăng huyết áp. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Theo WHO khuyến cáo, mỗi người chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gram muối/ngày.
Một số thực phẩm chứa nhiều muối mà chúng ta nên hạn chế tiêu thụ là thực phẩm chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích, giăm bông...), bánh mì... Ngoài ra, trong quá trình nêm nếm thức ăn, nhiều người thường có thói quen cho quá nhiều muối, nước mắm, nước tương... Đây cũng là thói quen cần thay đổi.
Giảm tiêu thụ các chất béo
Việc tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm giàu chất béo không chỉ làm tăng cân, béo phì mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quy. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chúng ta nên giảm tổng lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày xuống dưới 30% tổng năng lượng ăn vào.
Để làm điều đó, bạn nên chọn cách chế biến thực phẩm là hấp và luộc thay vì chiên rán. Có thể thay thế bơ động vật, mỡ lợn bằng các loại đầu giàu chất béo không bão hòa đa như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu hạt cải...
Tránh uống rượu
Theo WHO, đồ uống có côn làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Trong đó, rượu là loại đồ uống có cồn có khả năng gây ung thư cao nhất. Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, kéo dài tuổi thọ, chúng ta nên bỏ thói quen uống rượu.