Lời nói có duyên, hợp tình hợp lý có thể sưởi ấm, hồi sinh trái tim của một ai đó. Ngược lại, những lời lạnh lẽo, vô duyên tựa như những lưỡi dao sắc nhọn, làm tổn thương người khác, vết sẹo tâm hồn mãi không thể chữa lành. Hoạ từ miệng mà ra, người càng nói nhiều thì lại càng dễ gây chuyện, mắc lỗi. Do đó, để tránh việc tiền đồ trở nên thê thảm, cả đời sống trong nghèo khó, khánh kiệt hãy tránh ngay 3 câu nói vạ miệng này.
1. Đừng nói: “ Điều đó thật không công bằng”
Cuộc sống chưa bao giờ công bằng cả, đó là điều hiển nhiên. Đôi khi, chúng ta bị đối xử một cách bất công, như khi còn nhỏ, bạn tranh giành đồ chơi và xảy ra xô xát với những đứa trẻ khác, nhưng cuối cùng chỉ có bạn bị phạt và bị cho là hư hỏng. Hay như khi bạn cố gắng rất nhiều, nhưng bạn lại không thể đạt được những thứ mà mình mong muốn, trong khi người khác lại dễ dàng có được mọi thứ với lí do đơn giản là xuất phát điểm của họ cao hơn bạn. Điều đó khiến bạn vô cùng thất vọng và buồn bực, thậm chí đôi lúc, bạn còn đổ lỗi cho những thứ bạn không thể lựa chọn như xuất thân, hoàn cảnh sống hay những khó khăn bạn gặp phải. Bạn oán trách cuộc sống không công bằng và luôn gây căng thẳng cho chính bản thân cũng như những người xung quanh bạn.
Tuy nhiên, bạn nên hiểu rõ một điều rằng cuộc đời vốn dĩ không công bằng, tất nhiên, nó cũng không vì bất kỳ ai mà trở nên công bằng hơn. Càng than thở, bực dọc nhưng chỉ biết giậm chân tại chỗ chỉ khiến bạn càng trẻ con, nông cạn mà thôi. Nếu bạn không muốn mất hình tượng thì hãy biết bám sát thực tế, có thiện chí thay đổi và ngừng việc than vãn. Bạn không thể tạo ra sự tích cực từ một tư tưởng tiêu cực. Bạn phải chữa lành ‘vết thương’ của bạn trước khi bạn muốn thay đổi thế giới và dừng ngay suy nghĩ bản thân là một ‘nạn nhân’ nếu bạn muốn tạo ra năng lượng tích cực cho mình.
Thay vì lúc nào nói cuộc đời bất công thì bạn có thể nói: Tôi muốn biết lý do vì sao tôi không được chọn, tôi cần làm gì để hoàn thiện mình hơn.
2. Đừng nói: “Không thành vấn đề”
Nếu có ai đó nhờ vả bạn một việc rồi nói lời cảm ơn, hãy bình tĩnh đón nhận nó. Đừng nói rằng "không vấn đề gì", bởi câu nói này tạo cảm giác như đối phương đang là "cấp trên" và có thể sai khiến bạn bất cứ lúc nào khi họ cần sự giúp đỡ. Điều đó dễ tạo nên tâm lý ỷ lại vào người khác, không muốn làm việc vì đã có người khác sẵn sàng làm thay.
Thế nên, khi giúp một ai đó, thay vì nói không thành vấn đề thì hãy đối đáp một cách khác. Bạn có thể thử bằng cách khen họ rằng chính họ sẽ làm tốt hơn cả bạn vào những lần sau. Chính cách này sẽ giúp bạn không trở thành đối tượng "thích nhờ vả lúc nào cũng được", đồng thời khiến đối phương tự lập hơn, cố gắng hơn để không phải nhờ vả vào bạn.
3. Đừng nói “Trước giờ vẫn vậy”
Người bảo thủ sẽ không bao giờ chấp nhận sự thật, thừa nhận mình sai mà hay cãi cùn thì sẽ càng trở nên xấu tính. Thực tế thì giữ thái độ bảo thủ sẽ càng khiến cho bạn tụt hậu hơn mà thôi. Người thành công luôn dũng cảm đối mặt với sai lầm và thất bại để rút ra bài học quý giá, sâu sắc từ đó thăng tiến vượt bậc. Trong khi đó, kẻ bảo thủ chỉ biết giữ khư khư cái sai thì chỉ mãi giậm chân tại chỗ, thậm chí là thụt lùi so với sự phát triển của cả xã hội.
Thế nên đừng bao giờ bảo thủ trong công việc, hãy biết tiếp thu những ý kiến của mọi người xung quanh. Điều này sẽ khiến họ nghĩ rằng bạn không ngừng cố gắng cải thiện bản thân và mang lại lợi ích chung cho tập thể.