Gần 30 năm nay, phim vẫn đều đặn lên sóng khắp các kênh truyền hình Việt Nam mỗi dịp hè về, không bao giờ bị nhàm chán. Người lớn thì đã xem phim đến hàng chục lần, nhưng vẫn thích ngồi trước tivi để... xem lại! Còn với các lứa trẻ nhỏ lần đầu được tiếp cận bộ phim, tất nhiên đó là cả một thế giới diệu kỳ không sao diễn tả hết...
1. Thế giới phép thuật kỳ diệu - đỉnh cao của trí tưởng tượng
Tuổi thơ của hầu như bất kỳ ai cũng đều được kể cho nghe những câu chuyện cổ tích, thần tiên, với những phép màu kỳ diệu, thần thông biến hóa, thiện luôn thắng ác... Và những câu chuyện đó theo chúng ta suốt cả cuộc đời...
Thật trùng hợp là Tây Du Ký chính là tất cả những điều như thế, khơi gợi trong mỗi người những ký ức, ước mơ không bao giờ cũ. Hãy tạm chưa nói đến những giá trị nhân sinh, tư tưởng ẩn đằng sau nguyên tác, riêng việc thường xuyên được thấy Tôn Ngộ Không vung gậy trừ yêu, bay vút lên trời cưỡi mây vượt gió, biến hóa khôn lường... đã đủ khiến trẻ thơ thích mê.
Hành trình cùng năm tháng. |
Nếu có ai đó nói rằng, trí tưởng tượng là điều tuyệt vời nhất tạo hóa mang lại cho bộ não con người, tuyệt hơn cả khả năng tiếp nhận tri thức, thì nó rất đúng với Tây Du Ký! Có bao giờ bạn xem Tây Du Ký là để rút ra bài học hay kiến thức nào về cuộc sống, về Phật pháp cứu độ chúng sinh (cái đích mà Đường Tăng theo đuổi), hay chỉ muốn phiêu lưu cùng phép thuật của Tề Thiên Đại Thánh? Chắc là không!
Và cũng đừng nói rằng sau khi xem phim, bạn chưa từng tìm một cái gậy thật tròn rồi cố xoay tròn bằng một tay như Mỹ Hầu Vương, hoặc mơ ước mình có thể... bay được lên nóc nhà bắt con gà đấy nhé!
2. Những hình tượng nhân vật bất hủ
Bộ phim hoàn thành sản xuất năm 1986, thời mà khoa học công nghệ nói chung, kỹ xảo điện ảnh nói riêng chưa tiên tiến như bây giờ.
Thế nhưng, Tây Du Ký vẫn tạo ra được những pha phép thuật kỳ ảo (biến mất, bay lên trời, biến hình...), cùng những màn võ thuật đầy gay cấn.
Nhân vật trong truyện mỗi người một cá tính, qua diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên, đã trở thành những hình tượng bất hủ.
Tôn Ngộ Không luôn được yêu thích. |
Một Tôn Ngộ Không thông minh, tài giỏi, luôn cứu giúp người gặp nạn và là hình tượng các em thiếu nhi muốn trở thành. Một Đường Tăng có lòng từ bi quảng đại, nhân hậu, bao dung, quyết tâm tu hành vượt qua muôn vàn cám dỗ. Một Trư Bát Giới tham ăn háo sắc hễ gặp khó là bỏ cuộc; một Sa Tăng cần mẫn chăm chỉ không bao giờ kêu than... Cùng với đó là rất nhiều nhân vật phụ khác, mỗi người một vẻ.
Đó là chưa kể cốt truyện quá lỳ kỳ hấp dẫn, cuốn người xem đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không phải ngẫu nhiên nguyên tác Tây Du Ký là một trong tứ đại danh tác của văn hóa Trung Hoa, và có lẽ cũng là một kỳ tích trong văn học nhân loại.
3. Nhiều bài học cuộc sống sâu sắc
Điều này rất có ý nghĩa trong việc giúp bộ phim luôn mới mẻ với các khán giả ngày càng "già" đi, những người mà chắc chắn đã xem Tây Du Ký rất nhiều lần từ khi còn bé. Dường như mỗi lần xem chúng ta đều "ngộ" ra một điều gì đó mới mẻ về triết lý cuộc sống, đối nhân xử thế. Cùng điểm qua một số bài học được truyền tải trong phim nhé!
Đường Tăng là người phàm trần, không biết võ, không biết phép thuật, lên đường lấy chân kinh với một con ngựa và chút lương thực. Hành động đáng khâm phục đó chính là nhờ ý chí nghị lực lớn lao.
Thử hỏi ở thời điểm đó có ai dám làm điều tương tự?
Và rồi may mắn thay, Đường Tăng gặp được 3 đồ đệ với phép thuật siêu phàm. Trên đường lấy chân kinh, họ gặp bao rắc rối gian truân, đã có nhiều lúc tưởng như tan rã. Nhưng họ không nản lòng mà vẫn vượt qua hết. Cuối cùng, ước nguyện cũng đã đạt được.
* Cái mồm làm khổ cái thân
Điển hình là Trư Bát Giới ham ăn. Nhiều lần vắng Ngộ Không, 3 thầy trò bị sa bẫy của yêu quái cũng do tật hay ăn của Bát Giới.
* Tốt bụng là cần thiết, nhưng đừng quá nhẹ dạ cả tin
Mất cảnh giác là nguyên nhân khiến rất nhiều lần thầy trò Đường Tăng bị sa bẫy yêu quái. Và hầu hết là những lần không có mặt Ngộ Không.
Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng quá nhẹ dạ cả tin vào lời nói của những người xung quanh - thực chất là yêu quái đội lốt cô thôn nữ, bà già nghèo khó, trẻ con bị lạc…
Cũng như xã hội hiện nay, thật khó để phân biệt thật - giả. Yêu thương mọi người xung quanh là điều tốt, nhưng để thành công cần phải luôn tỉnh táo.
* Lòng nhân ái là sợi dây bền chắc kết nối con người với con người
Trong Tây Du Ký, dễ dàng nhận ra ở nhân vật Đường Tăng luôn đầy ắp lòng nhân ái, tình thương yêu mọi người xung quanh, nhất là những người gặp cảnh ngộ éo le bất hạnh. Xuất phát từ lòng nhân ái yêu thương dân chúng mà Đường Tăng có quyết định đi thỉnh kinh.
Và cũng nhờ có lòng nhân ái, Đường Tăng đã “thuần hóa” được tính khí ngang ngược của Tôn Ngộ Không.
Ngộ Không rất tài giỏi, nhưng tính tình còn nóng nảy, dễ gây tai họa. Có 1 vị thầy nhân hậu như Đường Tăng là điều tốt để hoàn thiện bản thân hơn.
'Người đàn ông xấu nhất Uganda' chào đón đứa con thứ 8 (Khám phá) - (Phunutoday) - Có ngoại hình xấu xí đặc biệt nhưng Godfrey Baguma vẫn khiến nhiều người ghen tị khi có tới hai người vợ và nhiều con. |