Ngâm bát đũa trong nước rửa chén quá lâu
"Căng da bụng, trùng da mắt". Nhiều người ăn xong chỉ muốn nghỉ ngơi nên thường ngâm bát đũa trong bồn rửa bát một lúc rồi mới dọn dẹp. Thậm chí có người ngâm qua đêm để sáng hôm sau dậy rửa. Đây là một trong những sai lầm nghiêm trọng gây hại sức khỏe của con người. Lượng thức ăn còn lại trong bát đĩa, xoong nồi sẽ hỏng, lên men trên bề mặt khiến vi khuẩn sinh sôi. Bạn chỉ cần rửa không sạch một chút, chúng sẽ có cơ hội đi vào cơ thể khi bạn sử dụng chén bát để ăn vào lần sau.
Hơn nữa, các loại đũa, thìa gỗ, tre... ngâm trong nước lâu sẽ ngấm nước, hóa chất tẩy rửa, dễ mốc hỏng.
Do đó, bạn nên rửa sạch bát đũa ngay sau khi ăn xong. Cách này giúp hạn chế tối đa các loại vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi nảy nở.
Đổ trực tiếp nước rửa lên chén bát
Nước rửa bát chính là cánh tay đắc lực trong việc giúp bạn đẩy lùi vi khuẩn, làm sạch bát đũa. Chúng có khả năng làm sạch các vết bẩn, khử trùng mạnh. Tuy nhiên, việc đổ trực tiếp nước rửa chén lên bát đĩa, xong nồi có thể tạo ra một dư lượng lớn nước rửa tồn tại trên bề mặt chén bát và rất khó để làm sạch hoàn toàn.
Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, cản trở quá trình trao đổi chất, thậm chí gây bệnh tiêu chảy.
Bạn nên cho nước rửa vào một chiếc chén, bát và hòa với nước. Sau đó nhứng giẻ rửa bát vào nước này và bắt đầu rửa các dụng cụ nấu nướng, bát chén. Sau khi rửa, hãy tráng bát nhiều lần với nước sạch.
Không làm khô bát đũa trước khi cất
Sau khi rửa xong nhiều người cất luôn bát đũa vào tủ để tránh bụi. Tuy nhiên, trong môi trường kín và ẩm của tủ bát, vi khuẩn rất dễ sinh sôi. Bát đũa chưa khô chồng lên nhau còn sinh ra mùi khó chịu.
Do đó, bạn hãy lau thật khô bát đũa trước khi cất hoặc đạt bát đũa ở nơi thoáng khí, khô ráo để chúng khô tự nhiên. Ngoài ra, bạn có thể mua máy sấy bát để đảm bảo bát đũa lúc nào cũng sạch sẽ.