Mũ bảo hiểm xe máy là gì?
Mũ bảo hiểm xe máy là đồ dùng nhằm bảo vệ não bộ của con người đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông cụ thể là xe máy, xe mô tô, xe máy điện... người dân khi điều khiển hay ngồi sau những phương tiện này tham gia giao thông thì nhất định phải đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mình. Nhưng có 3 trường hợp này không đội mũ bảo hiểm cũng không bị xử phạt.
Những trường hợp không đội mũ bảo hiểm nhưng không bị phạt?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2018 thì người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp tham gia giao thông bằng các phương tiện trên đều phải đội mũ bảo hiểm.
Căn cứ vào điểm o khoản 4 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì 3 trường hợp sau đây không đội mũ bảo hiểm sẽ không bị phạt:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Trẻ em dưới 6 tuổi;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Mức phạt đối với người điều khiển hay ngồi sau xe máy không có mũ bảo hiểm?
Cụ thể, khoản 3 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, b khoản 4 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;
- Chở người ngồi trên xe không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách.
Trường hợp cả người điều khiển và người ngồi sau xe đều không đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định sẽ bị phạt hành chính với tổng mức phạt vi phạm là 800.000 - 1.200.000 đồng.
Không đội mũ bảo hiểm có được yêu cầu Cảnh sát giao thông xử phạt tại chỗ không?Khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định như sau:
"Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản".
Như vậy, với lỗi không đội mũ bảo hiểm bị phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng thì người điều khiển phương tiện buộc bị lập biên bản, ra quyết định xử phạt và nộp tiền cho Kho bạc nhà nước. Bởi theo quy định trên thì trường hợp nộp phạt tại chỗ khi mức phạt là dưới 250.000 đồng.