Siêu âm 4D được chỉ định khi thai bắt đầu từ 11 tuần 2 ngày trở lên. Đó là thời điểm mà thai nhi đã hình thành xong các cơ quan – bộ phận của cơ thể và bắt đầu phát triển để hoàn thiện. Nếu vì một nguyên nhân nào đó khiến các cơ quan đó gặp trục trặc trong quá trình hoàn thiện làm nó không thể hoàn thiện được hoặc phát triển một cách bất thường thì siêu âm 4D đều có thể tầm soát được.
Có 4 thời điểm trong suốt quá trình mang thai mẹ bầu cần đi siêu âm 4D:
+ Từ 11 tuần 2 ngày – 13 tuần 6 ngày: Giai đoạn này không những có thể siêu âm tầm soát dị tật mà đây còn là thời điểm mà mẹ bầu có thể làm thêm xét nghiệm máu mẹ tầm soát nguy cơ dị tật về nhiễm sắc thể cho thai (Douple test). Đây còn gọi là thời điểm vàng để đo khoảng sáng sau gáy trên siêu âm từ đó đánh giá được nguy cơ thai nhi bị hội chứng Down.
+ Từ 16 – 18 tuần: Cũng như giai đoạn đầu, giai đoạn này cùng với siêu âm thì người mẹ có thể làm xét nghiệm máu mẹ tầm soát nguy cơ dị tật về nhiễm sắc thể cho thai (Triple test).
+ Từ 20 – 22 tuần: Tuần thai này trên siêu âm bắt đầu có thể đánh giá giá được hình thức về mặt của thai (môi, mũi, mắt…). Và đối với những thai có xét nghiệm sàng lọc dương tính, nguy cơ cao thì tuổi thai này các bác sĩ sẽ hội chẩn cân nhắc để chọc ối làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.
+ Từ 30 – 32 tuần: Tuần tuổi thai này là giai đoạn quan trọng giúp các bác sĩ siêu âm có thể phát hiện những dị tật lớn về tim và não.
Những dị tật và bệnh lý mà trên siêu âm có thể khảo sát được
Siêu âm 4D sẽ gúp bác sĩ khảo sát chính xác xem thai nhi có đủ các cơ quan nội tạng không và các cơ quan đó có đúng vị trí không?
Siêu âm 4D giúp bác sĩ khảo sát được các dị tật sớm của thai như: Thai vô sọ, thoát vị não – màng não, thoát vị rốn, tay – chân lệch trục (khoèo chân – tay), hở hàm ếch (mất xương hàm trên).
– Dị tật vùng đầu – mặt – hệ thần kinh như : Sứt môi, não úng thủy, không phân chia não trước, hội chứng Dandy-Walker, hội chứng Arnord-Chiari II, thoát vị màng não tủy….
– Dị tật về tim như: Thông liên thất, đảo gốc động mạch, thất phải 2 đường ra, thiểu sản tâm thất phải, thiểu sản tâm thất trái, giãn gốc động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, hội chứng Ebstein, tim to, tràn dịch màng ngoài tim…
– Dị tật về phổi – lồng ngực như: Phổi biệt lập, bệnh phổi tuyến nang, tràn dịch màng phổi… Bệnh lý lồng ngực như: Hẹp lồng ngực….
– Bệnh lý về ống tiêu hóa như : Thoát vị cơ hoành, teo thực quản, tắc tá tràng, tắc ruột….
– Bệnh lý về hệ tiết niệu như : Thận đa nang, hội chứng nối, dị dạng về số lượng thận (1,2,3 hoặc 4 thận), thận lạc chỗ, teo 1 bên thận hoặc cả hai bên thận, bàng quang to, túi thừa niệu quản trong thành bàng quang…
– Các cấu trúc bất thường dạng nang trong ổ bụng như : Nang ống mật chủ, nang đuôi tụy, nang buồng trứng, nang mạc treo….).
– Bệnh lý về chân tay – cơ quan vận động như : Chân – tay lệch trục (khoèo chân, khoèo tay), bàn tay 6 ngón, thiểu sản xương quay, hội chứng lùn tứ chi, bất sản xương sụn…
Như vậy, từ khi bắt đầu biết bản thân có thai thì mẹ bầu nên đi khám sớm và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ bầu nên đi khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa để làm sao quản lý thai thật tốt và bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu có một thai kỳ thật khỏe mạnh cho cả mẹ và thai nhi.
BS.CKI. Nguyễn Minh Sơn – PK sản phụ khoa Thịnh An
Tránh lạm dụng siêu âm
Theo các chuyên gia, tần số sóng siêu âm 2D, 4D sử dụng sử dụng trong các đầu dò siêu âm thai hiện nay là an toàn với mẹ và thai nhi. Khi bạn siêu âm, bạn cũng không hề cảm thấy đau hay khó chịu gì đặc biệt.
Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà quá lạm dụng siêu âm. Việc siêu âm thai quá nhiều là không cần thiết và gây tốn kém.
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu đáng tin cậy về nguy cơ của siêu âm Doppler xung với sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là với thai nhi dưới 8 tuần. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo các thai phụ không nên lạm dụng siêu âm Doppler xung, đặc biệt trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu.
Trong quá trình mang thai, ở mỗi lần khám thai, ngoài đi siêu âm thai theo dõi sự phát triển của thai nhi, thai phụ cần kết hợp kiểm tra huyết áp, cân nặng, đo chiều cao tử cung, vòng bụng…
Và tiến hành làm một số xét nghiệm: nước tiểu, công thức máu, nghiệm pháp dung nạp glucose… tùy theo tuổi thai, tình trạng thai, tình trạng mẹ và chỉ định của bác sĩ trong từng trường hợp cụ thể nhằm phát hiện sớm các bệnh khi mang thai như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, các viêm nhiễm phụ khoa... để có thể điều trị kịp thời.