Rau xanh là nhóm thực phẩm quan trọng, cung cấp chất xơ, các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các dưỡng chất này có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp duy trì sự khỏe mạnh của xương, giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính… Chất xơ trong rau giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, hỗ trợ cho sự phát triển của các vi sinh vật ở đường ruột, ngăn ngừa táo bón.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải cứ ăn nhiều rau là tốt. Một số loại rau có hàm lượng axit oxalic (hay còn gọi là oxalat) cao, có thể gây hại cho thận, làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Người thuộc nhóm có nguy cơ cao bị sỏi thận, suy thận càng phải chú ý để hạn chế tiêu thụ những loại rau này.
5 loại rau giàu dinh dưỡng nhưng ăn càng nhiều càng dễ bị sỏi thận, suy thận
- Rau họ cải
Với người khỏe mạnh, oxalat là hợp chất quan trọng. Lượng oxalat dư thừa trong cơ thể sẽ được đào thải ra ngoài thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, với những người có chức năng thận suy giảm, người bị sỏi thận, chế độ ăn giàu oxalat sẽ làm tăng tích tụ chất này trong cơ thể và dẫn tới sỏi thận.
Ngoài ra, oxalat trong cơ thể bị dư thừa cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim mạch.
Vì vậy, người bị suy thận, sỏi thận nên hạn chế sử dụng các loại rau có hàm lượng oxalat cao, rau họ cải là một trong số đó. Các loại rau họ cải có hàm lượng vitamin và khoáng chất cao nhưng lại nhiều oxalat. Chẳng hạn 123 gram rau bina nấu chín có chứa tới 755mg oxalat. Người bi bệnh thận, suy thận nên hạn chế ăn các loại rau họ cải, đặc biệt là những loại chứa nhiều oxalat như rau bina. Cùng là rau họ cải nhưng có thể thay thế rau bina bằng các loại rau khác có hàm lượng oxalat thấp như cải xoăn, cải ngọt, rau diếp… Tuy nhiên, lượng rau cải được ăn và tần suất tiêu thụ cũng chỉ nên giới hạn ở mức vừa phải.
- Rau dền
Rau dền có nguồn dinh dưỡng phong phú, đặc biệt là chứa nhiều vitamin A và các chất chống oxy hóa như zeaxanthin, lutein, beta-carotene có tác dụng tăng cường miễn dịch, bảo vệ mắt. Tuy nhiên, rau dền cũng là loại rau có hàm lượng oxalat cao. 100 gram rau này có thể chứa tới 229mg oxalat. Người bị bệnh thận hoặc có nguy cơ cao bị bệnh thận, có tiền sử bị sỏi thận nên hạn chế ăn rau dền để tránh tình trạng dư thừa oxalat trong cơ thể, làm tăng nguy cơ bị bệnh thận.

- Rau muống
Rau muống là loại rau xanh lá được nhiều người ưa chuộng, thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm gian đình. Loại rau này dễ ăn, có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như ăn sống, làm nộm/gỏi, luộc, xào… Rau muống có giá thành rẻ và rất dễ mua. Nó cung cấp nhiều vitamin, kali và các dưỡng chất cần thiết khác. Tuy nhiên, cứ 100 gram rau muống lại chứa khoảng 691mg axit oxalic. Đây không phải loại rau nên ăn với số lượng lớn. Muốn giảm lượng axit oxalic trong rau muống, bạn nên chần rau qua nước sôi trước khi chế biến.
- Mướp đắng
Mướp đắng là thực phẩm thanh mát, giải nhiệt, thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm gia đình. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng mướp đắng có hàm lượng axit oxalic cao, cứ 100 gram lại chứa khoảng 459mg axit oxalic. Tiêu thụ mướp đắng với số lượng lớn, tần suất liên tục có thể làm ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người bị suy thận, sỏi thận.
- Đậu bắp
Đậu bắp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp giảm cân, hỗ trợ điều chỉnh đường huyết, ngăn ngừa loãng xương. Tuy nhiên, đậu bắp có hàm lượng oxalat khá cao, cứ 120 gram lại chứa tới 57mg oxalat. Vì vậy, người bị suy thận, sỏi thận nên thận trọng khi sử dụng loại thực phẩm này.
Rau xanh là một phần không thể thiếu của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý đến các loại rau có hàm lượng oxalat cao như rau họ cải, rau muống, rau dền... Người bị suy thận, sỏi thận nên hạn chế ăn những loại rau nêu trên để bảo vệ sức khỏe, tránh làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.