Theo quy định của nhà nước thì những trường hợp nhà xây dựng sai phép, hoặc xây dựng không có giấy phép thì bắt buộc phải tháo dỡ. Trong đó, có những trường hợp này nhất định phải thực thi tháo dỡ dù đã xây dựng xong. Đó là trường hợp nào người dân nên biết kẻo khi mắc phải vừa tốn tiền vừa mất nhiều thời gian công sức một cách oan uổng.
05 trường hợp bắt buộc phải phá dỡ nhà ở năm 2023-2024?
Căn cứ theo quy định tại Điều 92 Luật Nhà ở 2014, các trường hợp nhà ở phải phá dỡ gồm:
(1) Nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở hoặc trong tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.
(2) Nhà ở thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này.
(3) Nhà ở thuộc diện phải giải tỏa để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(4) Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(5) Nhà ở thuộc diện phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
9 trường hợp xây nhà không cần giấy phép xây dựng
Khi xây dựng bất cứ một công trình nào người dân cũng cần phải xin giấy phép xây dựng từ cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Sau khi được cấp phép thì người dân, chủ doanh nghiệp tổ chức mới có thể tiến hành xây dựng được. Tuy nhiên, với những công trình này thì không cần phải có giấy phép xây dựng vẫn có thể tiến hành mà không lo vi phạm, bị tháo dỡ.
1. Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp
2. Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư.
3. Công trình xây dựng tạm
4. Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn phòng, chống cháy, nổ.
5. Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ.
6. Công trình xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
7. Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
8. Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
9. Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.