1. Rau dớn
Rau dớn là một loại rau thơm đặc sản của vùng núi Tây Bắc. Rau thuộc họ Quyết, hình dáng giống như cây dương xỉ, thường sống ở những nơi như khe suối, đồi núi có độ ẩm cao.
Rau dớn đâm chồi vào mùa xuân đến mùa hạ. Ngọn rau dớn tươi có thể chế biến thành nhiều món ngon như: rau dớn xào tỏi, xào thịt bò, làm nộm, nấu canh, hương vị rất độc đáo, giòn, ngọt rất khó quên.
Trong Đông y, loại rau này còn được xem như là một vị thuốc có tính mát, giúp lợi tiểu, nhuận trường, trị mất ngủ, đau lưng.
2. Rau ngót rừng (rau sắng)
Rau ngót rừng hay còn gọi là rau ngót quế, rau sắn. Vì hình dạng của lá giống rau ngót nên thường được biết đến với cái tên rau ngót rừng, tuy nhiên loại rau này lá dài, mảnh, màu sẫm và óng ả hơn rau ngót thường.
Rau ngót rừng giàu protein và acid amin, thường được nấu canh bồi bổ cho phụ nữ mới sinh, người có bệnh đường ruột và người mới ốm dậy.
3. Rau bò khai
Rau bò khai mọc nhiều ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn. Loại rau này còn có tên gọi rau dạ hiến, rau nghiến, rau ngót leo.
Vì mùi khai đặc trưng nên khi chế biến, người ta thường vò nhiều lần với nước cho bớt mùi, sau đó có thể nấu thành nhiều món ăn ngon như: bò khai xào tỏi, xào trứng, canh thịt băm...
Các tác dụng của rau bò khai đối với sức khỏe đều dựa theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào miền núi ở Tuyên Quang. Thông thường, người dân tận dụng toàn bộ rau bò khai, đem phần thân và cành lá còn tươi phơi khô, rồi sắc nước uống để chữa một số bệnh như: Viêm đường tiết niệu, tiểu tiện không thông, viêm gan do siêu vi ở phụ nữ và trẻ em, sỏi thận. Loại rau này có tính mát, giúp chữa bệnh nóng trong, thải độc tố cơ thể, chữa chứng mất ngủ, tiểu đêm...
4. Lá giang
Lá giang được nhiều người biết đến trong các món canh, lẩu nhờ vị chua thanh đặc trưng.
Lá giang là cây mọc hoang dại, họ dây leo, lá có vị chua, thường được chế biến các món ăn thơm ngon như: lẩu cá kèo, lẩu bò, canh chua, canh gà lá giang, xào thịt trâu, canh lá giang thịt bò...
Bên cạnh đó, theo Đông y lá giang còn có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc... Chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, đau dạ dày, đau nhức xương khớp.
5. Rau càng cua
Rau càng cua là một loại rau quen thuộc với nhiều người. Cây có thân thấp, cao khoảng 20 - 40cm, thân chứa nhớt, lá nhỏ có hình trái tim.
Khi ăn, người ta sẽ lặt sạch bông trên rau, sau đó chế biến thành nhiều món ngon như: gỏi càng cua, càng cua xào thịt bò, ăn sống với thịt...
Trong Đông y, rau càng cua có tính hàn, vị chua cay giúp bổ âm, dưỡng huyết, tiêu độc thanh nhiệt, thông ứ, chỉ thống, lợi cả về đại lẫn tiểu tiện. Ngày này, chúng ta có thể sử dụng rau càng cua khi có các biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm gan, viêm dạ dày, viêm ruột.
6. Rau tầm bóp
Rau tầm bóp là một loài cây dại, mọc nhiều ở các vùng nương rẫy và thửa ruộng.
Khi ăn, rau tầm bóp có vị đắng nhưng để lại hậu ngọt nơi đầu lưỡi, có thể chế biến thành các món xào, nấu canh, nấu lẩu đều rất ngon.
Trong dân gian, tầm bóp được biết đến là bài thuốc hạ sốt cho trẻ khá hiệu quả. Cùng với đó, loại cây này cũng giàu các vitamin cần thiết cho cơ thể, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
Một trong những công dụng tuyệt vời của cây tầm bóp là khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Các thành phần trong tầm bóp, nhất là vitamin C có thể hỗ trợ điều trị ung thư khá hiệu quả nhất là ung thư về phổi, dạ dày, gan, đại tràng, vòm hầu họng...