Tâm lý của trẻ từ 1- 6 tuổi:
- Dưới 1 tuổi: Thông qua sự yêu thương , chăm sóc, trò chuyện và vui đùa của cha mẹ hoặc những người chăm sóc trực tiếp cho trẻ khiến trẻ có sự gắn bó vô cùng chặt chẽ và mang đến cho trẻ cảm giác an toàn. Vì vậy, nếu trẻ bị phạt bằng cách dọa nạt hay đánh mắng trong độ tuổi này sẽ có thể làm mất đi cảm giác an toàn mà thay vào đó là sự sợ hãi, gây ảnh hưởng đến viếc phát triển ngôn ngữ và tương tác xã hội của trẻ.
- Từ 1 – 3 tuổi: Đây là giai đoạn trẻ hình thành nên tính cách của bản thân, vì vậy trẻ sẽ thường cảm thấy tò mò và tự làm rất nhiều thứ. Tuy nhiên, do tư duy còn mang tính cụ thể và tay chân còn vụng về nên không thể tránh được trường hợp hỏng hóc hay đổ vỡ. Khi trẻ xảy ra lỗi như vậy và bị cha mẹ đánh mắng to tiếng sẽ hình thành cho trẻ tính cách dạng chống đối, bướng bỉnh với những phản ứng như giận dữ, la hét và ăn vạ.
- Từ 3 – 6 tuổi: Trong độ tuổi này, trẻ đã phát triển ngôn ngữ và có thể nói được câu hoàn chỉnh, có thể tự điều chỉnh hành vi bản thân. Không những vậy, những đứa trẻ ở độ tuổi này cũng rất nhạy cảm nên nếu bị trừng phạt bằng cách đánh hay quát mắng nặng nề khi mắc lỗi, trẻ có thể trở nên kém tự tin, thu mình và giảm hứng thú học hỏi.
Tác hại của việc phạt con không đúng cách:
Có rất nhiều những quan niệm sai lầm dẫn đến việc các bậc cha mẹ phụ huynh thướng áp dụng các biện pháp trừng phạt khi trẻ mắc phải lỗi sai như: cho rằng người lớn luôn đúng, trẻ phải biết tuân theo mệnh lệnh, để trẻ biết vâng lời thì phải phạt càng sớm càng tốt, người lớn phải nghiêm khắc thì mới được trẻ tôn trọng, phạt bằng roi thì hiệu quả mới nhanh… Chính vì những quan điểm như vậy mà khi trẻ mắc lỗi, không ít phụ huynh đã áp dụng biện pháp dạy con bằng cách trừng phạt về thể chất hoặc tinh thần của trẻ. Trừng phạt thân thể là những hành vi gây đau đớn hoặc thương tích cho cơ thể của trẻ như đánh, đá, tát, bắt quỳ, không cho ăn uống… Trừng phạt tinh thần là những hành vi gây tổn thương về tâm lý tình cảm như quát mắng, chế nhạo, đe dọa, không chăm sóc…
Những hình thức phạt trên nhất định sẽ gây ra những hậu quả xấu về mặt tâm lý như lo lắng, sợ hãi, mất tự tin, tức giận tìm cách trả thù, tìm cách lừa dối đối phó để lần sau không bị phạt, trở nên trơ lì không biết sợ, hiểu sai rằng bằng bạo lực có thể giải quyết được vấn đề…Nếu còn nhỏ mà hay bị trừng phạt, trẻ sẽ hình thành nhân cách không ổn định và sau này, có thể lại giáo dục con cái theo kiểu trừng phạt.
Cách "phạt" của những cha mẹ thông minh:
1. Phạt con đứng
Khi trẻ cố ý nhảy từ trên cao xuống một cách nguy hiểm hay chạy nhảy linh tinh, cha mẹ có thể yêu cầu con đứng nghiêm trong một góc nhà, hoặc có thể đứng quay vào tường trong khoảng thời gian từ 5 - 15 phút, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Việc đứng một mình như vậy sẽ có thể giúp trẻ bình tâm lại và bắt đầu suy nghĩ về sai lầm của mình. Đồng thời khi con có thể ý thức là bản thân đang bị phạt, con sẽ không dám chạy nhảy linh tinh nữa. Đây là cách phạt con khoa học vừa không gây tổn thương cho trẻ, lại đánh trúng vào tâm lý, sẽ tốt hơn nhiều việc đánh mắng nặng nề trẻ.
2. Tịch thu món đồ mà trẻ yêu thích
Trong trường hợp bé vứt đồ lung tung, không thu đồ chơi sau khi chơi xong theo sự hướng dẫn của cha mẹ. Các bậc phụ huynh có thể phạt con bằng cách tịch thu một món đồ bất kỳ nào đó mà con đặc biệt yêu thích để chúng biết rằng bất kỳ một món đồ nào cũng đều phải biết giữ gìn và nâng niu. Nếu ngay cả những món đồ bình thường mà con cũng không biết giữ gìn, vứt lung tung trong nhà hay bên ngoài thì con cũng không được phép chơi những món đồ con thích vì đến một lúc nào đó nó cũng sẽ biến mất mà thôi.
3. Phạt con không được làm những thứ mình thích
Trẻ con thường sẽ có một số tính cách bường bỉnh như không thích đánh răng, kén ăn hay vứt đồ linh tinh... thì cha mẹ có thể cấm con không được làm những gì bản thân yêu thích. Hình phạt này có thể giúp con hiểu được rằng, những công việc như ăn uống, vệ sinh cá nhân ... là trách nhiệm của riêng bản thân con, nếu ngay cả những điều như vậy con cũng không thể hoàn thành tốt thì con cũng không được phép làm những gì bản thân yêu thích nữa. Cha mẹ có thể áp dụng hình phạt này cho đến khi con có thể ý thức hoàn thành công việc của mình.
4. Phạt con nhặt đậu
Nếu đọc qua câu chuyện tấm cám thì có lẽ mọi người đã quá quen thuộc một nhiệm vụ mà mẹ kế đã giao cho Tấm để ngăn cô bé đến lễ hội đó là nhặt phân loại đậu đỏ và đậu đen. Nếu trong chuyện đây có thể là một hình phạt khá độc ác nhưng trên thực tế đây là một hình phạt khoa học giúp trẻ nâng cao khả năng kiên nhân. Vì vậy hình phạt này sẽ phù hợp để cha mẹ áp dụng khi trẻ mắc lỗi về sự nhận nại như làm việc hay học tập bỏ dỡ giữa chừng, không suy nghĩ đã muốn bỏ cuộc hay làm mọi việc không đến nơi đến chốn. Cũng giống như trong chuyện, cha mẹ hãy trộn lẫn 2 loại đậu khác nhau vào một bát to và yêu cầu con nhặt riêng từng loại ra hai bát khác nhau, đến khi hoàn thành mới có thể làm việc khác.
5. Phạt con đọc sách và chép phạt
Trong trường hợp trẻ mắc lỗi như sử dụng bạo lực, nói dối hay lấy trộm đồ của người khác - những lỗi rất gần với ranh rới trở thành những đứa trẻ hư. Nếu cha mẹ sử dụng cách đánh mắng trong trường hợp này sẽ chỉ ngày càng đẩy con đến gần hơn với ngưỡng hư hỏng mà thôi. Vì vậy, thay vì đánh mắng trẻ, cha mẹ nên yêu cầu con đọc hết một cuốn sách mà bạn chọn, trong đó, cha mẹ nên chọn những cuốn sách mang tính chất giáo dục là tốt nhất. Sau đó con phải chép phạt 1 câu hoặc 1 đoạn ý nghĩa nào đó trong cuốn sách. Theo các nhà tâm lý, việc đọc sách và chép phạt sẽ giúp điều chỉnh tâm lý và hành vi của trẻ rất tốt.
6. Phạt con làm việc nhà
Trong trường hợp trẻ vẽ bậy lên tường, vứt đồ chơi, đồ đạc lung tung thì cha mẹ có thể yêu cầu con làm việc nhà, dọn dẹp hết đồ chơi bản thân đã vứt linh tinh và lau sạch những nét vẽ trên tường. Hình thức phạt con khoa học này vừa giúp rèn luyện trẻ khả năng làm việc nhà, đồng thời rèn luyện cho con ý thức trách nhiệm với hành động của bản thân. Để con hiểu rằng, khi con bày bừa ra thì chính con phải là người dọn dẹp chúng chứ không phải ai khác giúp con.
7. Phạt con ngồi một chỗ
Cha mẹ có thể áp dụng hình phạt này trong trường hợp bé cãi nhau, đánh nhau với anh em, bạn bè. Sau khi con đánh hay cãi nhau, tâm trạng sẽ thường cảm thấy rất bức xúc, tức tối và ức chế nên nếu bị cha mẹ mắng hay đánh, sẽ chỉ khiến trẻ càng trở nên ức chế và chống đối hơn mà thôi. Trong trường hợp như vậy, cha mẹ nên yêu cầu con ngồi trong góc phòng một mình và suy nghĩ về hành động của bản thân. Khoảng thời gian yên tĩnh một mình sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại và từ từ nhận ra hành động của bản thân là sai. Sau khoảng thời gian ngồi phạt, bạn hãy vào và phân tích đúng sai cho con một cách nhẹ nhàng. Chắc chắn cách phạt con khoa học này sẽ giúp "ngấm" hơn nhiều so với các hình thức phạt khác.