Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 thì từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Khi thực hiện cải cách tiền lương, sẽ có 9 khoản phụ cấp sẽ tiếp tục được áp dụng:
Phụ cấp kiêm nhiệm
Phụ cấp kiêm nhiệm được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Phụ cấp thâm niên vượt khung
Phụ cấp thâm niên vượt khung được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp có thời gian làm việc liên tục từ đủ 10 năm (120 tháng) trở nên trong ngạch hoặc chức danh được bổ nhiệm, kể từ ngày được tuyển dụng, tiếp nhận vào công tác hoặc bổ nhiệm vào ngạch hoặc chức danh.
Phụ cấp khu vực
Phụ cấp khu vực được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Phụ cấp trách nhiệm công việc
Phụ cấp trách nhiệm công việc được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp được giao thực hiện những nhiệm vụ hoặc công việc có yêu cầu cao về trách nhiệm, chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chất lượng, hiệu quả công việc.
Phụ cấp lưu động
Phụ cấp lưu động được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp phải thường xuyên đi công tác xa gia đình theo yêu cầu công việc.
Phụ cấp theo thâm niên nghề
Phụ cấp thâm niên nghề được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp làm nghề hoặc công việc có tính chất đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn
Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn là khoản phụ cấp hình thành dựa trên sự hợp nhất ba khoản phụ cấp, trợ cấp đang tồn tại hiện nay: phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính
Khi cải cách tiền lương, lương cán bộ, công chức sẽ có nhiều thay đổi, trong đó bao gồm việc chế độ phụ cấp sẽ có quy định mới được phân loại theo đơn vị hành chính thay vì phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo đang được áp dụng.
Phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang
Phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong lực lượng vũ trang theo quy định của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Mức phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang được xác định trên cơ sở tính chất đặc thù của nghề nghiệp, công việc hoặc điều kiện lao động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm. Mặc dù trong 3 năm qua, chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018) đến ngày 1/7 tới đây thì lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%.