Deepa (trái) tố cáo bị chồng mình (phải) lấy máu nhiều năm - Ảnh: The Times of India
Những ngày đầu năm 2014, dư luận Pháp xôn xao bàn tán chuyện một thanh niên được cho là người Lithuania sát hại một người vô gia cư để uống máu. Thi thể nạn nhân 49 tuổi đã được tìm thấy trong một bãi xe nằm ở gần khu thương mại sầm uất La Defense ở thủ đô Paris với nhiều vết đâm trên người trong khi cổ họng bị cắt đứt, theo AFP. Trong khi đó, nghi phạm bị bắt khi lang thang trên phố và nói với người qua đường rằng mình vừa giết người. Cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra vụ án trong khi nhiều bác sĩ và chuyên gia tội phạm lên tiếng báo động về chứng ám ảnh liên quan đến ma cà rồng, đặc biệt khi loài sinh vật truyền thuyết này đang trở thành chủ đề thời thượng của phim ảnh và truyền hình.
Sống nhờ máu người
Chuyên san Psychotherapy and Psychosomatics số mới nhất đăng về trường hợp một thanh niên 23 tuổi được giấu tên ở Thổ Nhĩ Kỳ đang điều trị tại Bệnh viện Quân y thành phố Denizli. Các bác sĩ mô tả đây là một “ma cà rồng thật sự” khi bệnh nhân thường tự rạch thân thể để hứng máu ra ly uống. Dần dà, máu của chính mình không thể thỏa mãn cơn khát và bệnh nhân bắt đầu gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Theo Psychotherapy and Psychosomatics, trước khi được đưa vào bệnh viện, người thanh niên nhiều lần bị bắt vì các hành vi đâm và cắn người khác cũng như đột nhập các cơ sở y tế gần nhà để trộm máu về uống.
Trang LifeScience dẫn lời các chuyên gia huyết học cảnh báo cơ thể con người không thích hợp cho việc việc tiêu hóa máu. Theo đó, nuốt một lượng nhỏ có thể vô hại song uống máu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng thừa chất sắt (haemochromatosis) hoặc nhiễm các bệnh lây qua đường máu.
Tờ chuyên san cũng nhắc lại trường hợp một phụ nữ 22 tuổi tố cáo với cảnh sát bị chồng lấy máu trong suốt 3 năm tại bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ. “Ông ta nhiều lần dùng ống tiêm lấy máu từ 2 cánh tay tôi và đổ vào ly rồi uống sạch. Mỗi lần như vậy, tôi luôn cảm thấy buồn nôn và kiệt sức. Việc này xảy ra thường xuyên và ông ta đe dọa tôi không được tiết lộ cho bất cứ ai”, cô Deepa Ahirwar kể. Theo tờ The Times of India, Deepa lấy Mahesh Ahirwar, một nông dân, từ năm 2007 và vài tháng sau thì bị chồng biến thành “thức ăn”. Vụ việc chỉ vỡ lở sau khi Deepa không còn chịu đựng được và ôm con trốn về nhà cha mẹ ruột. Khi bị bắt, Mahesh khai rằng uống máu “khiến mình trở nên mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực”.
Hồi tháng 8.2013, tờ The Star (Malaysia) đưa tin một người đàn ông ở thị trấn Lahad Datu đã sát hại con trai để uống máu. Hai tháng sau, vụ việc tương tự xảy ra ở Papua New Guinea. Cả hai “ma cà rồng” đều là người mê tín dị đoan và khai rằng mình “bị quỷ ám”. Trong khi đó, theo tờ New York Daily News, cặp tình nhân Aaron Homer và Amanda Williamson ở bang Arizona đã hoàn thành 3 năm quản thúc về hành vi tấn công ông Robert Maley. Vụ việc xảy ra hồi tháng 10.2010 khi Homer và Williamson dụ dỗ Maley, vốn là người vô gia cư, ở nhà mình với điều kiện phải cho họ hút máu. Maley đồng ý nhưng đến lần thứ hai thì chống trả quyết liệt và bị Homer đâm vào tay. Ông này nhanh chân chạy ra ngoài cầu cứu và 2 thủ phạm bị bắt ngay sau đó. “Bọn họ nghĩ mình là ma cà rồng. Khi thấy máu chảy ra từ tay tôi, họ tỏ ra rất kích động”, Maley kể lại. Nhiều cư dân mạng Mỹ tỏ ra bức xúc vì cặp đôi bị xử lý quá nhẹ tay và cho rằng 2 người này cần phải được điều trị tâm lý và theo dõi thường xuyên.
Hội chứng Dracula
Theo các chuyên gia, ngoài những người bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, đa số các trường hợp ma cà rồng đều mắc các chứng rối loạn tâm lý, đa nhân cách và hoang tưởng gọi chung một cách nôm na là Hội chứng Dracula. Trở lại trường hợp tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo Psychotherapy and Psychosomatics, bệnh nhân đã hứng chịu nhiều bi kịch như con gái qua đời vì bệnh; chú bị sát hại trong một vụ cướp còn bản thân là nhân chứng trong một vụ án mạng khác. Các bác sĩ chẩn đoán người này bị rối loạn đa nhân cách (DID), rối loạn căng thẳng sau tổn thương (PTSD), trầm cảm và nghiện rượu. Hiện nay, nhu cầu uống máu người của bệnh nhân đã thuyên giảm phần nào nhưng các triệu chứng rối loạn đa nhân cách vẫn còn.