Tất nhiên cái nhu cầu đó đúng 100, nếu không muốn nói là 1000%. Phàm một sự việc xảy ra ắt phải tìm cho ra người chịu trách nhiệm. Ngày xửa ngày xưa, cô Thị Mầu có bầu, người nhà không tìm được ai là tác giả đứa con đành vu ngay cho cô Thị Kính trên chùa. Đằng này lại là chuyện một mạng người, không tìm ra người chịu trách nhiệm là không xong.
Thế nhưng cái Việt Nam thời nay, tìm người để thưởng thì sao dễ thế, còn tìm người chịu trách nhiệm thì khó chẳng khác gì trồng cây chuối chạy maratong. Hàng loạt các cuộc tranh cãi lớn nhỏ nổ ra. Người thì cho rằng lỗi thuộc về ngành y tế, kẻ lại thấy rằng chính quyền sở tại không kiểm soát chặt chẽ, thậm chí còn có người khẳng định chắc nịch rằng lỗi tại bệnh viện Bạch Mai không kiểm soát công việc khám chữa bệnh của nhân viên...
Bản thân Sở Y tế Hà Nội khi phát biểu trên báo chí cũng khẳng định chắc nình nịch, trách nhiệm không thuộc về Sở vì... thẩm mỹ viện Cát Tường không đăng ký kinh doanh thẩm mỹ. Còn việc một cái thẩm mỹ viện to đùng, đứng sừng sững ở phố lớn, hoạt động liên tục cả năm trời mà không bị thanh tra thì Sở nói không đăng ký kinh doanh thì ai biết mà thanh tra. Dòng đời vội vã, thời gian eo hẹp, người ta chỉ nhìn cái cần nhìn, người dân biết trách ai đây.
Những tưởng vấn đề này rồi cũng sẽ như biết bao cuộc tranh cãi trước đây ở Việt Nam, không thể tìm ra được lời giải đáp thì mọi sự bỗng trở nên khởi sắc khi có ý kiến mới xuất hiện chỉ rõ đối tượng phải chịu trách nhiệm ở đây không ai khác là người dân. Những ai nóng nảy sẽ nhảy dựng lên ngay, ơ hay sáng kiến gì mà đích thị là ngu kiến. Người dân tới thẩm mỹ làm đẹp mang họa sát thân, giờ còn đòi quy trách nhiệm cho họ là sao. Nhà nước tiêu tiền thuế của dân vào việc gì, chẳng lẽ để nuôi rặt đội ngũ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.
Người dân có lỗi lớn khi để những hoạt động phi pháp bên trong thẩm mỹ viện Cát Tường qua mặt cơ quan chức năng một cách dễ dàng. |
Nghe có vẻ hợp lý đây nhưng mà lý luận như vậy vẫn sai. Ở Việt Nam, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, ai ai cũng công nhận quyền lực của người dân lớn như vậy mà còn dám nói lỗi không phải của dân thì nghĩa là thế nào? Này nhé, dân có biết có cái thẩm mỹ viện tên Cát Tường không? Ừ thì cả thành phố thì không biết nhưng hẳn nhiên cái hộ dân hàng xóm và hộ dân gần hàng xóm chắc chắn không thể không biết. Đã biết sao lại không báo, để xảy ra chuyện rồi mới ầm ĩ đòi người khác chịu trách nhiệm là sao. Chưa hết đâu, dân có chịu kiểm tra không? Không đúng không. Biết mà không báo, biết mà không kiểm tra, tội phải nặng lên gấp hai gấp ba lần, vậy mà còn dám mở miệng kêu gào thì không hiểu ra sao.
Mà có phải cửa quan khó vào để người dân không thể đến nơi mà báo đâu cơ chứ? Đường dây nóng treo đầy rẫy, các quan chức ngày càng gần dân, thậm chí còn sắp có quy định mỗi tuần phải tiếp dân một lần, dân không đến báo là lỗi của dân 100% rồi, không thể đổ cho ai được nữa.
Đấy là chưa kể người dân còn mắc một tội cũng không hề nhỏ nữa là không thông thái. Cũng lạ, đi chợ thì ai ai cũng biết phải thông thái, không mua đồ ôi thiu mốc hỏng, nhiễm hóa chất gây bệnh nọ bệnh kia. Mà trong trường hợp không thể tránh được, người ta cũng biết thông thái thừa nhận thực trạng đó. Chăm lo cho cái dạ dày thì cẩn trọng như vậy mà chăm lo cho sắc đẹp lại không cẩn thận trước sau, giao thân cho một cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép bao giờ.
Tóm lại, sau khi cảm thấy nhẹ nhàng vì đã tìm được đối tượng phải chịu trách nhiệm về vụ bác sĩ ném xác bệnh nhân, không ít người còn cảm thấy đầu óc thoái mái mà đưa ra thêm những nhận định cho rằng không chỉ với vụ việc kể trên mà trên thực tế ở nước ta hiện nay việc gì cũng là tại dân. Từ chuyện EVN mang tiền đi xây biệt thự, sân tennis cho nhân viên đến việc tử vong do tai biến khi tiêm vắc xin, cũng là lỗi của dân tất tần tật.
Thế nên, người dân đừng có ca thán nhiều, ở cái xứ này phải sáng suốt, phải thông minh, phải thông thái. Nếu chưa đạt được đến mức ấy thì chuyện gì xảy ra cũng đừng đòi hỏi quy trách nhiệm cho ai (mà có muốn cũng khó mà quy được). Nói thế các vị người dân có hiểu cho không ạ?