Với thời tiết mùa hè, việc sử dụng điều hòa để làm mát, duy trì nhiệt độ ổn định, tạo cảm giác dễ chịu trong nhà là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều hòa là thiết bị "ngốn" rất nhiều điện, có thể làm hóa đơn tiền điện cuối tháng tăng vọt. Đó chính là lý do nhà nào cũng cố gắng tìm cách sử dụng điều hòa sao cho hợp lý, tốn ít điện năng nhất có thể.
Nhiều người nói rằng, nhiệt độ điều hòa nên ở mức 26 độ C trở lên, người lại nói nên bật 29 độ để đỡ tốn điện lại tránh tình trạng bị lạnh quá, đặc biệt là vào ban đêm. Vậy cách nào mới là cách đúng?
Câu trả lời chắc chắn sẽ là 29 độ C giúp tiết kiệm điện tốt hơn. Theo khuyến nghị của chuyên gia, nên để nhiệt độ điều hòa ở trên mức 26 độ C. Cứ tăng một độ là có thể giảm tải điện từ 7-10%.
Như vậy, về lý thuyết 29 độ C đúng là mức tiết kiệm năng lượng hơn.
Tuy nhiên, tại sao để điều hòa 29 độ C lại không thực sự giúp bạn tiết kiệm tiền?
Vào mùa hè, chúng ta sử dụng điều hòa để tránh nóng, hạ nhiệt độ trong phòng. Cảm nhận về nhiệt độ của mỗi người là khác nhau. Có người sẽ thấy mức 29 độ C là đủ mát nhưng có người lại thấy mức nhiệt này quá nóng (đặc biệt là vào những ngày nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới gần 40 độ C). Vì vậy, nếu đặt điều hòa ở mức 29 độ C chỉ để tiết kiệm điện mà bản thân vẫn cảm thấy nóng thì việc sử dụng điều hòa sẽ không có ý nghĩa.
Các gia đình không nhất thiết phải để điều hòa ở mức 29 độ. Hãy lựa chọn mức nhiệt độ phù hợp với cảm nhận của bản thân, chỉ cần trên 26 độ C là có thể giảm tải điện năng tiêu thụ rất nhiều.
Theo một thí nghiệm, khi đặt điều hòa ở mức 26 độ C thì điều hòa chỉ hoạt động ở mức công suất hơn một nửa so với mức công suất cực đại. Ví dụ như điều hòa 9000 BTU có công suất tiêu thụ là 875w đến hơn 1000w. Khi cài đặt ở mức 26 độ C thì điều hòa chỉ tiêu thụ gần 600w, nhỉnh hơn một nửa công suất cực đại của máy một chút. Công suất hoạt động nhỏ hơn sẽ giúp bạn tiết kiệm điện nhiều hơn.
Để tiết kiệm điện, vào ban đêm bạn có thể sử dụng chế độ ngủ (sleep) của máy. Với chế độ này, điều hòa sẽ tự tăng nhiệt độ sau 1-2 tiếng hoạt động. Ví dụ, khi đi ngủ bạn để nhiệt độ điều hòa là 26 độ C. Sau khoảng 1-2 tiếng hoạt động, điều hòa sẽ tự điều chỉnh nhiệt độ tăng thêm 1-2 độ (đạt mức 27-28 độ C) và duy trì mức nhiệt này cho đến khi bạn tắt điều hòa. Như vậy sẽ giúp giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và ban ngoài phòng, tránh tình trạng bị lạnh vào ban đêm và sốc nhiệt khi thức giấc.