Chiều mưa Trường Sơn rả rích từng đợt lạnh buốt khiến chuyến đi "tuần rừng” lần đầu tiên của chúng tôi cùng cán bộ bảo vệ rừng (BVR) của Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên- Huế có lúc tưởng phải bỏ dở. Nhưng chúng tôi đã cố gắng "dìu nhau” lội suối, băng rừng để ghi lại những hình ảnh chân thực về cuộc sống của những con người mà trọn cuộc đời của họ đã gắn bó với "nghiệp Sao La”.
Tuần rừng khổ lắm ai ơi
Kể từ ngày Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên -Huế được thành lập và giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ 12.153 ha rừng đặc dụng, thuộc 11 tiểu khu rừng tự nhiên nằm trên địa bàn của hai huyện A Lưới và Nam Đông, nối liền với Vườn quốc gia Bạch Mã và khu bảo tồn Sao La tỉnh Quảng Nam thì công việc bảo vệ rừng của các anh em ở đây cực kỳ vất vả.
Cá thể Sao La được giải cứu tại xã Dương Hòa (Thừa Thiên- Huế) năm 1998. |
Xốc lại chiếc áo mưa, anh Trần Mạnh Thành- Đội trưởng Đội BVR Khu Bảo tồn Sao La kể, mô hình tuần tra BVR của Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên- Huế do Dự án Dự trữ Các Bon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng tài trợ bởi ngân hàng tái thiết Đức, thực hiện trong từ năm 2011 đến 2014 thông qua quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại hai tỉnh Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam. Hợp phần các khu bảo vệ có mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lí khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên- Huế, phát triển quần thể Sao La và các loài thú móng guốc hiện diện trong khu bảo tồn.
Qua hai năm thực hiện dự án đã đạt được những kết quả bước dầu đáng ghi nhận, không chỉ giảm thiểu các mối đe doạ trực tiếp đến Sao La và các loài thú trong khu bảo tồn mà sự hiện diện liên tục của đội tuần tra BVR trong 11 tiểu khu rừng tự nhiên đã làm giảm thiểu đáng kể tình trạng xâm phạm tài nguyên rừng.
Anh Viêm Xuân Liêm- Cán bộ BVR chia sẻ: "Mô hình BVR của chúng tôi gồm có 24 người, được chia thành 4 đội, mỗi đội 6 người. Trong 1 tháng lực lượng BVR lại có mặt và tuần tra ròng rã trong rừng từ 16-22 ngày. Đường đi gian nan, vất vả, địa bàn rộng lớn nhưng anh em vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Qua mỗi đèo, dốc chúng tôi thường phải bám vào nhau, lần từng bước để di chuyển, bởi vậy chuyện sa sẩy chân không phải là hiếm.
Một chuyến tuần rừng của đội BVR phát hiện được nhiều loài gỗ quý, kích thước lớn. |
Chỉ vào vết chân còn chưa liền sẹo, anh Liêm kể: "Mỗi chuyến đi sớm thì về trong ngày, có những chuyến tuần rừng phải đi 2 đến 3 ngày. Trèo lên các thác lớn là ớn nhất. Hôm rồi, mình bị sẩy chân, cây rừng đâm tứa cả máu may nhờ anh em hỗ trợ nhau, làm cáng đưa về trạm cứu chữa”. Cùng với việc tuần tra bảo vệ rừng, BQL Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên- Huế, lực lượng đội tuần tra BVR không ngừng phối hợp với lực lượng Hạt kiểm lâm A Lưới mở các đợt truy quét, đẩy đuổi lâm tặc đang có những hoạt động khai thác trái phép tài nguyên rừng ra khỏi khu bảo tồn.
Còn không Sao La?
Trong quá khứ Sao La đã từng tồn tại qua các thời kỳ lịch sử phát triển của địa phương Thừa Thiên- Huế, với tên gọi theo tiếng Tà Ôi là Xin xor. Lần đầu tiên Sao La được ghi nhận dấu vết và hình ảnh thực ở Thừa Thiên- Huế vào tháng 1/1998 trong trường hợp 1 con Sao La đực trưởng thành, với trọng lượng 58 kg bị mắc nạn ở thôn Hộ (xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ).
Phát hiện "ký hiệu” bẫy thú rừng của lâm tặc. |
Cán bộ BVR gỡ bẫy của người dân gắn trong Khu bảo tồn Sao La. |
Hiện Sao La được xem là loài "cực kỳ nguy cấp” trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), và phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong tự nhiên. Trước sự cấp thiết trên, một chương trình hành động và kế hoạch xây dựng khu bảo tồn Sao La và bảo vệ chúng trước nguy cơ bị tuyệt chủng do săn bẫy đã được Dự án Carbi và BQL Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên -Huế phối hợp với các địa phương có vùng sinh cảnh Sao La sinh sống được triển khai mạnh mẽ và bước đầu đang mang lại những thành công nhất định.
Anh Đoàn Tuấn, Đội trưởng- Đội BVR WWF cho biết: Thu mẫu vắt và phân tích AND là phương pháp hiện đại đã được áp dụng để phát hiện về sự tồn tại của nhiều loại động vật quý hiếm phân bố tại các khu rừng dọc biên giới Việt- Lào đi qua địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam. Thế nhưng, anh Tuấn chia sẻ, không phải cứ vào rừng lấy mẫu vắt là được, mà phải di chuyển nhiều nơi, mới có thể tìm được "dấu tích” Sao La. Cùng với việc lấy mẫu vắt, công tác gắn, đặt bẫy ảnh để truy tìm dấu vết hiếm hoi của loài thú quý này cũng được cán bộ BVR chú trọng.
Ông Lê Ngọc Tuấn đánh giá, sao la là một loài thú hiếm, được xem là linh vật của Trường Sơn, với số lượng quần thể rất nhỏ. Sao la càng trở nên bí ẩn khi thông tin về loài thú này ngày càng ít dần, thậm chí khi các nhà khoa học sử dụng đến bẫy ảnh hiện đại vẫn rất hiếm khi tìm thấy ghi nhận được dấu vết của chúng. Có lẽ vì vậy mà công việc của những người BVR ở Đội BVR Khu Bảo tồn Sao La càng trở nên khó khăn hơn.