Đọc chuyện chồng kích điện vợ cho chết sau khi cãi nhau, bạn tôi bảo: Rùng mình. Tôi nghĩ, rùng cái gì mà rùng. May không chơi với nhiều người trong ngành pháp luật đấy, chứ không thì rùng suốt ngày.
Là vì, chuyện bạo hành gia đình xứ ta, nó như cơm canh mỗi ngày. Nhiều không tả được, mức độ thì năm sau cao hơn năm trước. Tôi có người bạn làm thẩm phán ở Huế, có lần ngồi uống cà phê mặt anh cứ thờ thẫn ra. Hỏi mãi, anh mới lộ vừa nhận vụ án ghê quá, xem bản ảnh hiện trường ám ảnh cả đêm. Là anh chồng ghen vợ, cô vợ rất xinh, nhưng ghen mãi mà không có bằng chứng gì, càng tức, anh đè vợ ra, cắm điện bàn ủi rồi dí nó vào bộ phận sinh dục của người vợ. Cháy toàn bộ!
Tôi không biết nói gì nữa!
Vẫn cùng là một người đàn ông, khi cưa cẩm tán tỉnh thì sợi tóc cô ấy rơi xuống thiếu điều muốn nhặt lấy mang về giữ khư khư trong ví. Gót chân cô ấy dính một hạt mưa thì xuýt xoa chỉ muốn vác dao lên chém ông trời. Thế mà cưới nhau về, mắt trước mắt sau đã ngoanh ngoảnh đánh vợ như đập đất. Thôi thì non mềm, dịu ngọt, báu vật đàn bà, hạnh phúc đời anh... tan nát rụng rời cứ như khi con voi vừa nổi khùng lên xông vào cửa hàng đồ sứ.
Không đi sâu vào nguyên nhân, nhưng hành vi xâm phạm thân thể một người khác là phạm pháp.
Chị em là người phải biết tự bảo vệ mình trước. |
Vài tháng trước, tôi gặp ở bệnh viện Bình Thuận một ca chồng đổ xăng đốt vợ, chỉ vì anh ta xin tiền đánh đề mà cô vợ hết sạch. Anh ta làm "bạn" đi biển nhưng lười biếng, chỉ chăm lo nuôi đề và nhậu nhẹt. Vợ làm thợ uốn tóc, có hai đứa con sát nhau dù mới 24 tuổi, chi tiêu cả gia đình trông cả vào cô ấy. Khi nào nhẵn túi, cô vợ lại khóc lóc xin mẹ đẻ. Người mẹ kể: "Bữa đó tôi mới cho nó một trăm ngàn, nó đi mua gạo liền, hết năm chục. Ăn mắm ăn muối cũng được nhưng có bì gạo trong nhà không sợ con đói. Còn năm chục dằn túi. Bữa sau thằng chồng nó lột sạch, đòi thêm nữa, nó không còn đồng nào. Thằng kia chạy ra mua xăng về đốt cả hai mẹ con".
Lạ lùng là khi cả hai bị bỏng đến độ 3, được đưa đi cấp cứu nằm chung phòng trong bệnh viện còn đứa con bé bỏng đã chết, thì anh chồng vẫn hàng ngày lớn tiếng đòi giết vợ. Còn cô vợ, cháy toàn bộ phần thân dưới, mỗi ngày khi y tá thay băng thì gào khóc đến kiệt sức, nằm liệt hàng tiếng đồng hồ, nhưng vẫn đủ sức hờn giận mẹ đẻ vì bà không mua đúng thức ăn chồng cô thích cho anh ấy ăn.
Trong một phát biểu trên báo chí, bà Lê Hoa, Phó trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam nói: "Thế hệ chúng tôi được nuôi dạy và lớn lên với niềm tin rằng nam giới là phái mạnh, có quyền làm những hành vi bạo lực với nữ giới. Ngược lại phụ nữ chúng tôi tin rằng những việc như thế là bình thường, là một phần của cuộc sống. Nguy hiểm hơn khi xã hội không cho rằng đấy là hành vi tội phạm".
Cuối năm ngoái, số liệu quốc gia công bố cho thấy gần 60% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Còn trong Nghiên cứu quốc gia lần thứ nhất về bạo lực gia đình chống lại phụ nữ ở Việt Nam (công bố cách đây vài năm), có một nhận xét đáng suy nghĩ: "Đến một nửa số phụ nữ bị bạo hành chưa bao giờ nói về chuyện này với bất cứ ai, kể cả người thân thiết trong gia đình như mẹ hay chị gái. Thực tế, các phỏng vấn sâu cho thấy nhiều khi chính mẹ và chị gái lại là người đổ lỗi và lên án người phụ nữ nhiều nhất. Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ không dám nói với mẹ vì sợ làm mẹ buồn và mất danh tiếng của gia đình".
Cho nên, trách các đức ông chồng vũ phu bao nhiêu thì phụ nữ cũng phải trách mình bằng ấy. Khi tự mình cũng nghĩ rằng bản thân (chính mình hoặc giới phụ nữ nói chung) đáng bị dập vùi, ăn vài cái tát là chuyện thường, hay cố bưng bít giữ gìn cao thượng một cách giả tạo theo kiểu "xấu chàng hổ ai" thì nạn nhân cũng đồng thời một phần là thủ phạm.
Bạo hành gia đình xảy ra trên khắp thế giới, từ những nước giàu có nhất đến những nước nghèo khó lạc hậu nhất. Nhưng ở các nước giàu, thành phố luôn có trung tâm tư vấn, có nhà tạm trú ngắn hạn cho người phụ nữ và con cái của họ ẩn trú, có đường dây điện thoại nóng để họ báo tin, có các tổ chức chuyên nghiệp chuyên trợ giúp về việc làm, nhà cửa và thức ăn cũng như các khía cạnh pháp lý khi họ cần kiện tụng và bồi thường. Một khi người phụ nữ biết được quyền của mình thì chỉ cần một cú điện thoại gọi đến đúng chỗ, cô ấy và con cái đã có thể được an toàn.
Việt Nam mình không được như vậy. Nghiên cứu về chất lượng dịch vụ tư pháp hình sự hiện nay dành cho nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam được công bố cuối năm ngoái với sự tham gia của 900 phụ nữ bị ảnh hưởng, có các con số như sau: Đa số cho đây là hành vi sai nhưng không phải là tội phạm. 77% vụ việc được hòa giải không đạt kết quả mong đợi và bạo lực vẫn tiếp diễn. 66% không hài lòng với việc hòa giải tại cộng đồng. (Đáng ngạc nhiên, tuy đa số cho bạo hành chỉ là hành vi sai chứ không phạm pháp nhưng có đến 90% phụ nữ bị bạo lực cho biết họ bị trầm cảm, sợ hãi, hoảng loạn và mất ngủ, nghĩa là tuy nhận thức về nguyên nhân không chính xác nhưng cảm nhận về hậu quả rất chân thực).
Việt Nam còn có các câu chuyện buồn cười như anh chồng nghiện ngập bê tha, không có tiền. Khi bị phạt tiền vì đánh vợ thì chính người vợ lại lúc cúc mang tiền đi nộp. Vì vậy, nhiều bà vợ tiếc tiền, cắn răng chịu đánh chứ không báo chính quyền.
Thay đổi suy nghĩ đi, các bà vợ ơi! Trước khi chờ các cơ quan tổ chức có trách nhiệm ở ta (nói thêm là nhiều chi chít từ cấp xã trở lên trung ương) trở nên mạnh mẽ và cứu giúp được cho chị em như ở các nước văn minh, chị em hãy tự biết quý trọng bản thân, tuyệt đối không chấp nhận chuyện bị chồng đánh. Bản thân chị em có lỗi thì phân xử bằng luật pháp, bằng thương lượng... Bạo lực là tội phạm. Hãy tưởng tượng đến nỗi xót xa của bản thân khi mai mốt con mình dứt ruột đẻ ra, nâng niu chăm bẵm hàng chục năm bị chồng nó giã như giã giò, gãy hỏng đủ mọi chỗ. Nghĩ để mà trước hết biết gìn giữ lấy chính tấm thân mình.
Vì sao chúng ta quá manh động và bạo lực với nhau? Lâu nay tôi không dám đọc báo nữa, có quá nhiều tin tức về bạo lực, giết chóc mà đa số vì những lí do rất hỡi ôi, rất khó hiểu. |