Ngay sau khi bảng xếp hạng được công bố, đã có không ít ý kiến cho rằng sau tất cả những hành vi ngược đãi bất hiếu với cha mẹ của người Việt thời gian vừa qua, vị trí thứ 53 là quá cao, thậm chí là không chính xác. Trên thực tế, sau biết bao vụ việc con đẩy bố ra chuồng lợn, bắt nằm vỉa hè, nhét đất vào miệng mẹ hay kiện mẹ phải đi tù...ai mà ngờ được các tổ chức quốc tế vẫn xếp cho Việt Nam đứng ở những vị trí đầu của nửa cuối bảng xếp hạng.
Thậm chí, nhờ có kết quả đấy mà không ít người đã mạnh dạn mở ra hẳn xu hướng xét lại và một mực khẳng định rằng những hành động ấy không hề bất hiếu, cũng không đáng để dư luận lên án, chê bai. Và tất nhiên, một khi đã mạnh miệng kết luận như vậy, họ cũng đưa ra rất nhiều lý do hợp tình, hợp lý đến bất ngờ.
Bạo hành cha mẹ ở Việt Nam chưa chắc đã là bất hiếu |
Nếu tinh ý quan sát các vụ việc bị lên án là bạo hành cha mẹ ở nước ta, mọi người sẽ thấy ngay hầu hết chúng đều liên quan đến nhà cửa, đất đai. Có thể thấy, không phải tự nhiên mà con cái có hành động như vậy với cha mẹ, dường như vì mục đích muốn giành đất, giành nhà mà người ta đã có những hành động đi ngược với luân thường đạo lý, khiến dư luận phản ứng, lên án gay gắt.
Ấy nhưng mà, đất đai, nhà cửa đến lúc mất đi cũng có mang theo được đâu.Thế mới biết hóa ra những người con đánh đuổi cha mẹ cũng có lý do khó nói đó chính là vì tương lai con cháu. Truyền thống của người Việt từ xưa đến nay vốn là 'hy sinh đời bố, củng cố đời con', để kiếm cho con căn nhà, miếng đất, vì tương lai con cái sau này, có những người đã không ngại đánh, đuổi cha mẹ mình, mang tiếng bất hiếu...
Trong thời buổi người khôn, của khó, biết bao người làm lụng vất vả cả đời, chắt chiu, tằn tiện cũng chẳng mua nổi miếng đất, căn nhà bởi theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với mức thu nhập của gia đình 9 triệu đồng/tháng, trong khi tỷ lệ giữa giá nhà trung bình/thu nhập bình quân năm ở Việt Nam trước đây là khoảng 25 lần, nếu 1 người tiết kiệm 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm mới mua được nhà, thì cũng khó trách người ta không thể cầm lòng trước đất đai, nhà cửa của cha mẹ. Ai bảo những người già ở Việt Nam không biết đường mà quyên góp hết tài sản cho các quỹ từ thiện như ở nước ngoài để con cháu khỏi phải tranh giành nhau? Mà càng thế lại càng phải nhớ kiếm tiền đã khó, giữ tiền và chia tiền còn khó hơn gấp vạn lần.
Đấy là chưa kể đến việc những tấm gương bất hiếu ấy còn là sự hy sinh lớn cho xã hội bởi những hành động của họ đã trở thành biểu tượng, lời cảnh tỉnh để các bậc cha mẹ biết lo lắng, nhìn nhận lại cách dạy dỗ con cái của mình, từ đó có những phương pháp đúng đắn và khoa học hơn.
Trên thực tế có lẽ sẽ có không ít người cho rằng những lý do trên được đưa ra chỉ đơn giản là để bao biện cho hành vi của những người con bất hiếu, ngược đãi cha mẹ. Tuy nhiên, đâu phải chỉ có bản thân những người con cho rằng mình có lý do riêng, ngay cả các tổ chức quốc tế khi đánh giá về chất lượng cuộc sống của người già ở nước ta cũng đã đưa ra kết quả những hành vi được cho là bất hiếu ở nước ta chưa hẳn đã là tệ so với thế giới.
Thế mới biết bạo hành cha mẹ ở Việt Nam chưa hẳn đã là kiểu bất hiếu vớ vẩn đâu nhé, cái gì cũng có lý do hợp lý của nó đấy.