Báo Nga: Năm 2014, Hải quân Nga có thể trở lại Cam Ranh

17:14, Thứ sáu 15/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Báo Độc lập của Nga mới đây đăng một bài viết cho rằng, tới cuối năm 2014, một điểm hậu cần (E&P) của Hải quân Nga có thể sẽ được thành lập tại Cam Ranh.

Theo báo Độc lập (Nga), trạm hậu cần ở Cam Ranh có thể là điểm tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm, bảo dưỡng và sửa chữa cho chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

 Báo Độc lập của Nga mới đây đăng một bài viết cho rằng, tới cuối năm 2014, một điểm hậu cần (E&P) của Hải quân Nga có thể sẽ được thành lập tại Cam Ranh.

Theo bài viết của báo Độc lập, điểm hậu cần này có các chuyên gia Nga và các dịch vụ, thiết bị dự trữ để sửa chữa cho các tàu chiến của Hải quân Nga. Cơ sở này sẽ phục vụ như một điểm tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm, bảo dưỡng và sửa chữa cho các nhóm chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương sang vịnh Aden hoặc di chuyển theo hướng ngược lại.

Theo báo Độc lập, Nga và Việt Nam có thể sẽ thảo luận về việc E&P được cho thuê và sử dụng như thế nào. Theo dự đoán, phí thuê E&P sẽ được tính qua các thỏa thuận hợp tác kinh tế và kỹ thuật - quân sự giữa Nga và Việt Nam.

Sắp tới, một điểm hậu cần của Hải quân Nga sẽ được thành lập tại Cam Ranh.

Cam Ranh là một trong những vịnh nước sâu nhất và lớn nhất thế giới, nắm giữ vị trí địa lí chiến lược. Từ năm 1979 đến năm 2001, theo một thỏa thuận giữa Moscow và Hà Nội, tại căn cứ Cam Ranh đã có một cơ sở của Hải quân Liên Xô (sau này là cơ sở hậu cần 922 của Hạm đội Thái Bình Dương). Cơ sở này có diệt tích khoảng 100km2, bao gồm một sân bay quân sự, cho phép cất và hạ cánh được tất cả các loại máy bay các kích cỡ của Nga.

Tuy nhiên, tới năm 2002, vì những lý do tài chính nên Hải quân Nga đã quyết định rút khỏi Cam Ranh. Sau này, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng đó là một trong những sai lầm lớn của hải quân nước này nhưng đã quá muộn.

Sau khi Nga rời khỏi cơ sở hải quân tại căn cứ Cam Ranh, Việt Nam tuyên bố sẽ không cho bất kỳ nước nào đặt căn sở quân sự tại đây.

Hiện nay, Cam Ranh là một cụm du lịch lớn của Việt Nam, sân bay quân sự ở đây cũng đã được đầu tư thành cảng hàng không quốc tế. Nhưng theo thời gian thay đổi, và với mối quan hệ ngày càng nồng ấm của hai nước, Hải quân Nga đang hy vọng có thể thiết lập một cơ sở đảm bảo hậu cần ở Cam Ranh.

Báo Độc lập cũng nhắc lại rằng, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố rằng Nga sẽ giúp Hà Nội xây dựng một hạm đội tàu ngầm của riêng mình.

Tàu ngầm Kilo đầu tiên đã được Nga bàn giao cho Việt Nam.

Vào hôm 7/11 vừa qua, tại nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg đã diễn ra lễ ký kết biên bản kỹ thuật chuyển giao chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên được xây dựng cho Hải quân Việt Nam. 5 chiếc tàu ngầm còn lại đang ở trong các giai đoạn chế tạo và thử nghiệm khác nhau, chiếc cuối cùng sẽ được bàn giao cho Việt Nam vào năm 2016. Trong tháng 7/2013, công ty Cổ phần NGO Aurora của Nga cũng đã bắt đầu xây dựng một trung tâm huấn luyện mô phỏng tích hợp tàu ngầm cho hạm đội tàu ngầm, đặt tại quân cảng Cam Ranh cho Hải quân Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga tổng cộng 32 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 12 tàu tên lửa Molniya, 4 tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9, một số tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU1, các hệ thống tên lửa cơ động trên bờ biển Bastion trang bị tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont, cùng nhiều loại vũ khí khác.

Theo văn bản được công bố vào đêm trước của chuyến viếng thăm Hà Nội của mình, ông Putin đã viết rằng, "Nga và Việt Nam sẽ cùng nhau hướng tới chân trời hợp tác mới". Trong đó nhấn mạnh lĩnh vực hợp tác trong các kỹ thuật quân sự với quốc gia Đông Nam Á không chỉ bao gồm xuất khẩu.

"Việt Nam, với sự tham gia của các công ty Nga, sẽ tiến hành sản xuất theo giấy phép các thiết bị quân sự tiên tiến", - Đài Tiếng nói nước Nga trích dẫn đoạn văn trong bài viết về những mục tiêu mới trong mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia của Tổng thống Putin.

Phát biểu với Đài Tiếng nói nước Nga sau cuộc hội đàm ở Việt Nam hôm 12/11, ông Putin cũng nhấn mạnh rằng, nước Nga sẽ tiếp tục tăng cường cung cấp các thiết bị quân sự hiện đại cho Quân đội Việt Nam. Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết một thỏa thuận mới trong lĩnh vực này, trong đó dự định cung cấp cho Việt Nam các loại máy bay chiến đấu, xe bọc thép và vũ khí hạng nhẹ của Nga. Đồng thời, Nga sẽ huấn luyện cho hải quân và các lực lượng vũ trang của Việt Nam.

Theo các chuyên gia phương Tây, tỷ lệ vũ khí của Nga bán cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2014 sẽ tăng thêm 97% (giai đoạn 2003-2010 là 87,4%).

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
TIN MỚI CẬP NHẬT