(Đời sống) - Những "khu vườn bí ẩn" trên khắp lãnh thổ Trung Quốc luôn được giám sát một cách chặt chẽ, đang trở thành nơi cung cấp nguồn thực phẩm an toàn và siêu sạch cho các quan chức và tổ chức chính phủ. Trong khi đó, cơn bão thực phẩm bẩn độc liên tục càn quét quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Báo Infornet dẫn nguồn tin từ báo chí Trung Quốc cho hay, sau sự kiện Thế vận hội Bắc Kinh 2008, 103 nhà sản xuất thực phẩm siêu sạch và an toàn vẫn tiếp tục đảm nhận trách nhiệm duy trì sức khỏe cho giới chức chính phủ và các tổ chức cấp cao của Trung Quốc.
Theo một nguồn tin giấu tên tiết lộ với tờ Tuần báo miền Nam (Southern Weekly), cách đây 2 năm, khi một quan chức Trung Quốc được mời ở lại ăn tối tại phòng ăn tự phục vụ trong tòa án dân sự tối cao tỉnh Thiểm Tây, ông này đã được thông báo rằng tòa án có riêng một trang trại cung cấp thực phẩm an toàn tuyệt đối nằm cách thành phố Tây An 30 km.
Ngoài tỉnh Thiểm Tây, tỉnh Quảng Đông cũng được chọn là nơi gây dựng "khu vườn bí ẩn" không chỉ cung cấp các loại rau, củ quả mà còn nuôi thêm lợn, cá, gà và vịt.
Theo ông Sun - chủ trang trại chăn nuôi New Century tại Bắc Kinh, người chịu trách nhiệm cung cấp sản phẩm trứng gà cho sự kiện Thế vận hội Bắc Kinh 2008, mọi nguồn nước cung ứng, thức ăn chăn nuôi và chất lượng không khí tại trang trại đều đã trải qua các bài kiểm tra khắt khe của chính phủ cách đây 10 năm, Do đó, lâu nay, các sản phẩm chăn nuôi trong trang trại của ông Sun đã được chọn để cung cấp cho bếp ăn của giới chức trung ương Trung Quốc.
Những vườn rau siêu sạch cho quan chức TQ |
Với những bức tường xây cao 2 m bao quanh diện tích rộng hơn 200 hecta cùng 5 nhân viên bảo vệ túc trực ngày đêm, Trang trại trồng rau Hải quan Bắc Kinh và Câu lạc bộ Thế kỷ là nơi chuyên cung cấp nguồn rau hữu cơ cho các quan chức hải quan tại Bắc Kinh. Theo Southern Weekly, trang trại này đã trồng và cung cấp rau cho văn phòng hải quan Bắc Kinh trong hơn 10 năm qua.
Tránh trường hợp nhiễm hóa chất độc hại, chất thải động vật được dùng làm phân bón và ngay cả loại thuốc trừ sâu phun trong các "khu vườn bí mật" đều có nguồn gốc hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp từ những trang trại này đảm bảo 100% nguồn gốc hữu cơ và an toàn tuyệt đối.
Không chỉ bếp ăn của các tổ chức chính phủ Trung Quốc sở hữu nguồn thực phẩm siêu sạch và an toàn từ những "trang trại bí ẩn" mà nhiều gia đình quan chức nước này cũng được hưởng lợi từ nguồn thực phẩm đắt tiền trên.
Trong những trang trại chăn nuôi "xa hoa", mọi loại rau củ động vật ăn được lên lịch chặt chẽ. Ngoài ra, chi tiết từ ngày trồng rau cho tới lúc phun thuốc trừ sâu cũng được báo cáo một cách tỉ mỉ. Những biện pháp thắt chặt kiểm soát cũng được thực hiện với chất lượng không khí quanh các trang trại - infornet dẫn nguồn tin cho hay.
Đối nghịch với những vườn rau và trại chăn nuôi siêu sạch đó, người dân Trung Quốc đang phải đối đầu với nạn thực phẩm bẩn, độc hại liên tục xảy ra. Tháng 5 năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc cũng như các nước xung quanh bàng hoàng khi hay tin cải thảo Trung Quốc tươi lâu và non bóng mỡ nhờ được sử dụng chất ướp xác bảo quản. Chất này có tên là Formaldehyde - một chất gây ung thư, thường được sử dụng trong việc tẩy uế và ướp xác. Nó có thể gây kích ứng da và gây ra bệnh ở đường thở, đường tiêu hóa.
Cải thảo là loại rau chính ở Trung Quốc, thường được sử dụng để làm nhân bánh bao, xào hoặc muối dưa. Hành vi này đã trở nên rất phổ biến trong 3 năm qua do rau trồng trong các tháng nóng bị phân hủy nhanh chóng khi vận chuyển. Những người nông dân địa phương bắt gặp cảnh đó thường nhắm mắt làm ngơ mặc kệ nhà vườn phun thuốc độc cho cải.
Không chỉ với các loại rau, quả, người Trung Quốc cũng đau đầu với thịt giả, cá nhựa. Vào tháng 5/2012, cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện tai lợn giả bán trên thị trường. Một khách hàng ở Cám Châu (Giang Tây) mua vài chiếc tai lợn hôm 30/3, nhưng khi sử dụng thì phát hiện mùi khó chịu. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, tai lợn có mùi lạ được làm từ gelatin và natri oleate. Người bán tai lợn giả đã bị bắt. Hóa chất natri oleate đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Tiếp đó, ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) cũng phát hiện chất phụ gia “hương liệu thịt bò”. Đây là loại phụ gia có thể biến thịt lợn thành thịt bò. Giá bán mỗi gói vào khoảng 45 nhân dân tệ (tức hơn 130.000 đồng).
Theo hướng dẫn trên bao bì, để tạo được thịt bò từ 1g thịt lợn sẽ cần đến 2-2,5g phụ gia. Cho thịt lợn tẩm phụ gia ướp trong 30 phút, thịt lợn chuyển sang màu nâu sẫm.
Cho thịt này hầm khoảng 1 giờ sẽ được loại thịt giống thịt bò, nhìn bằng mặt thường hoặc ăn cũng khó nhận ra.
Vào tháng 1/2013, ông Vương, một người tiêu dùng tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc phản ánh với đường dây nóng của báo Dương Tử, ông cho biết, mình đã mua phải một loại cá giả.
Lúc ăn, ông thấy cá có mùi nhựa, dai hơn bình thường, ông nghi ngờ đây là cá giả và được làm từ chất keo. Loại cá này ông mua ở chợ vào ngày 7/1 với giá 36 NDT/kg (khoảng 120.000 VND/kg), chỉ bằng 1/3 giá bình thường.
Cũng trong tháng 1/2013, cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ 34 đối tượng và tiêu hủy hơn 40 tấn thịt cừu giả độc hại được làm từ thịt vịt và các hóa chất cấm gây ung thư ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Số thịt vịt giả cừu bị nghi ngờ sử dụng một lượng lớn hóa chất, thuốc nhuộm và chất kết dính độc hại. Đồng thời, những đối tượng này còn dùng mỡ cừu nhập khẩu từ New Zealand để tạo ra hương vị thịt cừu và cho hóa chất làm dai hơn, lâu nhừ hơn trong quá trình nấu lẩu.
Ở Trung Quốc, thịt cừu giả có giá chưa tới 20 nhân dân tệ/ kg (67.000 đồng), trong khi thịt cừu thật được bán với giá từ 40 đến 60 nhân dân tệ (133.000 đến 200.000 đồng).
Người ta còn tìm thấy trong thịt cừu giả có chứa một lượng lớn kim loại và chất natri nitrit gây ung thư vượt quá tiêu chuẩn thực phẩm quốc gia 2.000 lần.
Các đối tượng làm thịt giả đã bỏ mối hơn 1.000 kg thịt cừu giả cho các nhà hàng lẩu vừa và nhỏ, các nhà phân phối thịt ở Đông bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện thịt cừu giả vẫn chưa tìm thấy ở Bắc Kinh.
- PV (Tổng hợp)