Dấu hiệu bé đi ngoài phân sống
- Phân có lúc rắn, lúc sền sệt hoặc nước riêng, phân riêng.
- Trong phân có hạt lợn cợn sẽ có chất nhầy hoặc những thực phẩm chưa tiêu hóa được, mẹ có thể nhìn thấy cả hạt, rau củ...
- Phân có màu vàng ngả qua xanh trông giống như màu dưa cải.
Phân sống là tình trạng trẻ ăn cái gì thì đi ngoài ra cái đó. Sau một thời gian, chất thải có dấu hiệu bị nhầy và có mùi chua, hôi thối. Đến lúc này, các bé còn gần như không tăng cân mặc dù vẫn ăn rất nhiều.
Bé đi ngoài phân sống biểu hiện bệnh gì?
Khi đã hiểu phân sống là như thế nào, nhiều bà mẹ rất muốn biết nguyên nhân dẫn tới trường hợp này. Theo các bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng phân sống ở trẻ, một trong những nguyên nhân phổ biến là:
- Ăn uống dư thừa chất, không khoa học: Chúng ta luôn nghĩ rằng, ăn nhiều đạm mới giúp con tăng cân nhanh và khẻo mạnh nên hầu hết các bà mẹ đều có thiên hướng cho con ăn nhiều đạm, chất béo. Chính lối ăn uống thừa đạm này khiến mất cân bằng các nhóm dinh dưỡng, hệ tiêu hóa không được xây dựng ổn định và dẫn tới rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do không hấp thu được hết dinh dưỡng và đi ngoài phân sống.
- Bé sử dụng kháng sinh quá nhiều khiến hệ tiêu hóa bị tổn thương, không thể tiêu hóa tốt thức ăn và đi ngoài phân sống.
- Trẻ ăn dặm quá sớm khiến hệ tiêu hóa không thể tiêu hóa được thức ăn ăn dặm và đi ngoài phân sống.
- Môi trường sống độc hại khiến hệ miễn dịch yếu và dẫn tới hệ tiêu hóa yếu.
- Một số ít trường hợp do chức năng gan của trẻ kém hoặc tắc ống dẫn mật.
Bé đi ngoài phân sống phải làm sao?
Rất nhiều bà mẹ phàn nàn, mặc dù đã cho con đi khám bác sỹ, cho uống hàng loạt thuốc hoặc men tiêu hóa… theo đơn của bác sỹ nhưng bệnh của con vẫn không khỏi hẳn, cứ khỏi được ít ngày rồi bị lại, không tăng cân, thậm chí sút cân. Vậy phải làm gì để điều trị dứt điểm tình trạng trẻ đi ngoài phân sống kéo dài?
Về vấn đề này, BS Nguyễn Thị Bình - Trưởng khoa Nhi tổng hợp, BV Xanh-pôn Hà Nội cho rằng: Thuốc trị bệnh quan trọng, nhưng chế độ ăn cũng quan trọng như thuốc. Vì vậy, nếu nghi ngờ con bị đi ngoài phân sống, việc trước tiên cần làm ngay là các bà mẹ nên cho con đến bệnh viện khám và làm xét nghiệm phân xem con mình có thật sự bị đi ngoài phân sống hay không, và cũng để xác định nguyên nhân gây đi ngoài của trẻ. Nếu đúng trẻ bị đi ngoài phân sống, ngoài việc dùng thuốc, bổ sung các chế phẩm có ích cho đường ruột, vitamin, chất khoáng…, các bác sỹ sẽ tư vấn chế độ ăn cụ thể cho từng cháu.
Bác sỹ Bình cũng lưu ý các bà mẹ, việc chữa trị đi ngoài phân sống cho con cần phải kiên trì chứ bệnh không thể khỏi ngay trong một sớm một chiều. Quan trọng nhất là phải tuân thủ dùng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian cũng như chế độ ăn uống hợp lý do bác sỹ đưa ra, sau đó theo dõi sự lên cân của trẻ trong 1-2 tháng tháng. “Tôi tin là các cháu sẽ có chuyển biến tốt” - BS Bình nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác khám Nhi và tư vấn dinh dưỡng, BS Nguyễn Thị Kiểm – Phòng khám Nhi và Tư vấn dinh dưỡng (118 Lò Đúc) cho biết: Thông thường, khi bị đi ngoài phân sống, các bác sỹ sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể và điều trị bằng cách cho uống men vi sinh sống kết hợp với các yếu tố vi lượng, vitamin nhóm B và kẽm… để nhanh lành đường tiêu hóa. Hiện nay, trên thị trường có bán rất nhiều loại men vi sinh sống khác nhau và không nhất thiết chỉ dùng một loại men cố định bởi có thể mỗi trẻ sẽ hợp với một loại men nào đó. Trong trường hợp trẻ bị nặng, sốt kèm theo đi ngoài 3-5 lần/ngày đó là trẻ đã bị nhiễm virus thì phải cho uống thuốc kháng sinh, uống men cầm chảy, sau đó mới dùng kết hợp với men sống từ 10-20 ngày cho đến khi khỏi hẳn thì dừng.