Trừ những lúc ra khỏi nhà, anh Biên (ở Quảng Bình) - người đầu tiên tại Việt Nam mang quả tim nhân tạo bán phần - chỉ nằm một chỗ cắm sạc điện vào người để giữ mạng sống cho mình.
Anh Biên biết mình bị bệnh tim từ đầu năm 2013. |
Sau khi anh Hoàng Quốc Biên (39 tuổi, xã Ngư Thuỷ Trung, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) xuất viện trở về, sức khoẻ và sinh hoạt của bệnh nhân đặc biệt này có nhiều thay đổi.
Anh Biên biết mình bị bệnh tim từ đầu năm 2013. Lúc đó, anh ra biển đánh cá thì cơn đau bất ngờ ập đến, vùng ngực như có vật gì rất nặng đè lên đau nhói và lăn ra thuyền ngất xỉu.
"Mọi người phải đưa vào bờ chở đi bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ yêu cầu tôi nhập viện điều trị nhưng vì phải lo cho vợ con, gia đình nên tôi chỉ nằm vài ngày rồi về nhà tiếp tục đi biển", anh Biên kể.
Những cơn đau tim sau đó liên tục hành hạ, nhưng vì gia cảnh nghèo khó nên anh vẫn gắng sức làm việc, chỉ mua thuốc về uống chứ không nhập viện điều trị. Khoảng đầu năm 2014, anh Biên gần như không còn làm được bất cứ việc gì sau khi bệnh giãn cơ tim được bác sĩ kết luận đã ở giai đoạn cuối.
"Tôi chỉ còn nằm chờ chết chứ không hy vọng gì nữa. Bất ngờ cơ hội đến khi bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim bán phần đầu tiên ở Việt Nam và tôi ngẫu nhiên được chọn trong hàng chục bệnh nhân", anh Biên nói.
Ngày 6/6, êkíp y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế với sự hỗ trợ của chuyên gia bệnh viện Saint Vincent (Australia) đã thực hiện ghép tim nhân tạo cho anh Biên.
Sau 5 giờ phẫu thuật, dưới sự chủ trì của giáo sư Bùi Đức Phú - Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế - cùng khoảng 50 người tham gia... ca mổ đã thành công trong sự hồi hộp của các y bác sĩ và người nhà bệnh nhân.
Một thiết bị nhân tạo được gắn vào tâm thất (đang bị suy yếu, giãn cơ) của quả tim nhằm hỗ trợ chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể. Thiết bị này hoạt động dựa vào nguồn điện cung cấp từ bên ngoài, tạo nên lực từ trường làm quay các cánh quạt được gắn nam châm bên trong quả tim nhân tạo.
Đi đâu, làm gì anh cũng phải mang theo túi xách đựng 2 cục pin để cung cấp điện cho trái tim. |
"Bác sĩ giải thích thiết bị có tác dụng như một máy bơm phụ đẩy dòng máu lưu chuyển đi khắp cơ thể. Nếu nguồn điện bị ngắt, thiết bị này ngừng hoạt động và tôi sẽ chết bởi trái tim không đập nữa", anh Biên nói về trái tim nhân tạo của mình.
Sau khi xuất viện, anh được trang bị miễn phí bộ máy hỗ trợ tim có xuất xứ từ Mỹ với giá gần 1 tỷ đồng. Đi đâu, làm gì anh cũng phải mang theo túi xách đựng 2 cục pin để cung cấp điện cho trái tim.
Anh là người đầu tiên ở Việt Nam và thứ 1.004 trên thế giới ghép tim nhân tạo bán phần. |
Anh là người đầu tiên ở Việt Nam và thứ 1.004 trên thế giới ghép tim nhân tạo bán phần. "Tôi chỉ được xuất viện khi trái tim không còn những cơn đau hành hạ, ăn uống bình thường. Tuy nhiên, mỗi lần đi đâu, làm gì cũng phải kè kè 1 túi xách nặng vài cân bên hông, rất khó chịu. Vì còn đau ở vết mổ, sức khoẻ chưa ổn định nên tôi ít khi ra khỏi nhà, chỉ nằm ở giường cắm dây sạc điện trực tiếp vào người cho đỡ tốn pin", anh Biên nói.
Theo lời anh Biên, ngoài việc được phẫu thuật miễn phí, anh còn được hỗ trợ thiết bị trợ tim. Tuy nhiên, 4 cục pin anh đang sử dụng rất đắt. Mỗi cục chỉ sạc điện được 500 lần, dùng từ 4 - 6 giờ là phải thay pin khác.
Chính vì sợ không có tiền mua pin mới nên anh Biên không đi đâu mà hầu như chỉ quanh quẩn ngồi hoặc nằm trên giường, cắm dây sạc từ ổ điện ở nhà vào người.
Mỗi lần đi đón con tan trường, anh phải đeo dụng cụ sạc điện bên mình. |
"Trước sau gì tôi cũng sẽ chết nhưng sống thêm ngày nào hay ngày ấy nên tôi đã đồng ý ghép tim nhân tạo. Ai ngờ giờ phát sinh thêm một số phiền toái. Tôi đành chịu khó một chút để sống tiếp, nhưng e rằng 1 - 2 năm sau khi pin hết hạn sử dụng thì không biết thế nào”, anh Biên buồn buồn tâm sự.