Tại sao Thuận Trị đế ghẻ lạnh Hoàng hậu, sau cùng nhất quyết đòi phế truất?
Sau khi thành thân với Thuận Trị đế, Hoàng hậu vẫn không thay đổi tính khí của mình. Dưới sự hậu thuẫn của Thái hậu, bà ngày càng không coi ai ra gì.
Sử sách ghi lại, Hoàng hậu có 2 khuyết điểm lớn nhất khiến cho Thuận Trị đế ngày càng ngao ngán đến mức không chịu nổi phải phế hậu.
Thứ nhất, bà là người có lối sống xa hoa, tiêu xài hoang phí, trái ngược với Thuận Trị đế, từ nhỏ ông là một người sùng đạo nên sống giản dị và tiết kiệm. Trong vấn đề ăn uống, bà cực kỳ chú trọng đến hình thức. Tất cả dụng cụ phục vụ cho việc ăn uống phải là đồ bằng vàng bạc. Y phục được trang trí bằng châu báu quý hiếm, nếu không làm đúng theo yêu cầu sẽ khiến bà tức giận và bị trừng phạt.
Thứ hai, bà là người ích kỷ, tâm địa hẹp hòi, hay ghen tuông. Mỗi khi nhìn thấy các phi tần khác xinh đẹp hơn mình sẽ rất tức tối, thường xuyên can thiệp vào đời tư của Hoàng đế. Dù là bậc mẫu nghi thiên hạ, làm chủ cả một hậu cung nhưng lại không có tấm lòng vị tha, bao dung độ lượng, không thể làm gương cho người khác.
Với những vấn đề này, ban đầu Thuận Trị đế có thể chịu đựng được nhưng sau thời gian dài cuối cùng vẫn không chịu nổi. Khi đề xuất việc phế hậu, Hiếu Trang Hoàng Thái hậu đã can gián, huy động cả bá quan trong triều ngăn cản nhưng Thuận Trị đế vẫn một mực muốn phế hậu cho bằng được.
Mãi cho đến khi thấy Hoàng đế ốm nặng, Thái hậu và mọi người mới đồng ý việc phế truất Hoàng hậu. Năm Thuận Trị thứ 10, Hoàng hậu bị phế truất, giáng xuống làm Tĩnh phi.
Mọi người cứ nghĩ rằng, sau khi trở thành phế hậu Tĩnh phi, bà sẽ bị giam vào lãnh cung chịu cảnh cô đơn đến cuối đời, thậm chí qua đời trong sự tuyệt vọng. Tuy nhiên, sự việc sau đó diễn biến nằm ngoài dự đoán của mọi người.
Suy cho cùng, bà cũng là cháu gái của Hiếu Trang Hoàng Thái hậu, em họ của Thuận Trị đế, thuộc hoàng tộc Mãn Thanh nên phải có cách giải quyết hợp tình hợp lý.
Chưa đầy 2 năm sau khi bị phế truất, bà được cha mình Trác Lễ Khắc Đồ Thân vương Ngô Khắc Thiện, Đại Thân vương dòng đại tông của Khoa Nhĩ Thấm đưa về Mông Cổ sinh sống. Với thân phận như vậy, có lẽ Thuận Trị đế không dám làm gì hơn sau khi phế truất bà.
Kể từ khi bị phế truất và được trở về Mông Cổ, không có nhiều ghi chép về bà trong lịch sử. Tuy nhiên, một số tin đồn lan truyền sau đó nói rằng, bà đã hạ sinh một hoàng tử không lâu sau khi rời cung, đứa trẻ này có lẽ của Thuận Trị đế.
Nhưng bà quyết tâm không quay trở về cung mà kết hôn với một người đàn ông khác. Đương nhiên điều này không được ghi chép lại trong sử sách. Cuộc đời bà từ đó về sau không có thêm thông tin gì nữa.
Cuộc sống riêng tư của Hoàng đế Thuận Trị không hạnh phúc
Vì nhu cầu chính trị nên Thuận Trị phải lập hai người từ gia tộc Bác Nhĩ Cát Đặc thị của thái hậu Hiếu trang làm hoàng hậu. Hoàng hậu đầu tiên thì kiêu căng ngạo nghễ nên Thuận Trị phế bỏ. Hoàng hậu thứ hai vô dụng, bất tài không thể xứng với hoàng đế nhưng vì Thái hậu nên ông không phế truất. Các phi tần khác cũng hiếm hoi có người tài giỏi.
Đau buồn mà chết sau khi ái phi mất đi
Người khiến cho Thanh Thế Tổ Thuận Trị một đời yêu thương rồi vì đó chết đi chính là Hiếu Hiến Đoan hoàng hậu Đổng Ngạc thị.
Bà xuất thân từ dòng họ Đổng Ngạc thị, thuộc Mãn quân Chính Bạch Kì, quê quán ở Liêu Ninh, Trung Quốc. Cha bà là Ngạc Thạc, từng giữ chức Nội thị đại thần trong triều đình nhà Thanh, còn mẹ bà là người Hán.
Năm 1656, ngày 12 tháng 10, Đổng Ngạc thị nhập cung, được sách phong làm phi, gọi là Đổng Ngạc phi, ngụ tại Thừa Càn cung. Năm đó, nàng 18 tuổi. Một tháng sau, vào ngày 15 tháng 11, bà được lập làm Hoàng quý phi, chỉ duy nhất dưới chức vị Hoàng hậu, được Thuận Trị Đế muôn phần sủng ái.
Đối với Thuận Trị, nàng là người hiền lành, đoan trang, dịu dàng, luôn quan tâm chăm sóc chu đáo việc ăn mặc đi lại của hoàng thượng. Nàng còn là một người thông minh, đa tài lại rất tinh thông phật pháp. Hai người có thể chia sẻ với nhau mọi chuyện.
Đối với Thái hậu và hoàng hậu thì bản thân nàng rất kính trọng nhất mực, ốm đau nàng tận tình chăm sóc ngày đêm, với kẻ dưới thì yêu thương, độ lượng. Đang bất mãn về hôn nhân, đang cô độc trên triều gặp nàng như gặp được tri kỉ vì thế Thuận Trị sủng ái nàng không có gì lạ.
Nhưng bất hạnh thay hoàng tử của Đổng Ngạc thị sinh ra chưa được 100 ngày thì qua đời. Hai năm sau nàng cũng ra đi khi vừa 22 tuổi đã để lại nỗi đau khôn cùng cho Thuận Trị. Thuận Trị đã dọa chết ép thái hậu truy phong cho nàng là hoàng hậu. Lễ tang của nàng tổ chức đặc biệt long trọng.
Nỗi đau chồng nỗi đau, cũng chỉ bốn tháng sau khi sủng phi chết, Thuận Trị cũng băng hà, chính vì thế mọi người hoài nghi và cho rằng vì quá đau đớn và tuyệt vọng mà hoàng đế đã xuất gia đi tu.