Đó là nhận định của bà Ip Lau Suk-yee, một cựu Giám đốc Cục An ninh Hong Kong và hiện là thành viên Hội đồng điều hành.
Người biểu tình mệt nhoài nằm trên đường phố sau một đêm đụng độ với cảnh sát. |
Theo đó, Bưu điện Hoa Nam ngày 29/9 dẫn lời bà Ip Lau Suk-yee cho biết: Nguy cơ một thảm kịch “Thiên An Môn mini” có thể phát triển từ các hoạt động tẩy chay ủng hộ dân chủ tại các trường trung học, đại học ở Hong Kong vốn đang làm chính quyền đặc khu hết sức lo lắng.
Các phong trào biểu tình đòi hỏi bầu cử phổ thông đầu phiếu để chọn ra người đứng đầu chính quyền Hong Kong sau khi thất bại trong việc huy động hỗ trợ từ tầng lớp trung lưu.
“Học sinh, sinh viên thể hiện rõ nhu cầu của họ với dân chủ và quyền tự quyết trên khuôn mặt. Tôi nghĩ rằng một phần lo lắng của chính quyền Hong Kong là mọi thứ sẽ ra sao nếu những khủng hoảng này trở thành một (thảm kịch) Thiên An Môn mini? Ai đứng đằng sau nó?”, bà nói.
Bà Ip Lau Suk-yee. |
Cách đây 25 năm từng xảy ra sự kiện Thiên An Môn, học sinh sinh viên Trung Quốc xuống đường biểu tình đòi dân chủ. Quân đội Trung Quốc đã được điều động để trấn áp và phương Tây cho rằng đã có hàng ngàn người thiệt mạng.
Ip Lau Suk-yee cũng chia sẻ quan điểm của Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh khi xem các hoạt động biểu tình của học sinh, sinh viên là bị xúi giục.
“Nếu cảnh sát được điều đến giải tán họ bằng vũ lực, sự việc có thể trở nên nguy hiểm”, bà Ip Lau Suk-yee cho biết.
Lương Chấn Anh được cho là người thân Bắc Kinh, lên án những người tổ chức biểu tình và coi những học sinh, sinh viên “trẻ và ngây thơ” tham gia là do bị xúi giục.
Ip Lau Suk-yee cũng nghi ngờ áp lực từ các cuộc biểu tình khó có thể khiến Bắc Kinh rút lại quy định áp đặt mô hình bầu cử cho Hong Kong kể từ năm 2017 được công bố hôm 31/8. Theo đó, chính quyền Trung Quốc quyết thực hiện quy định chỉ cho phép người dân đặc khu bầu chọn đặc khu trưởng vào năm 2017 theo danh sách ứng cử viên mà Bắc Kinh đã chọn.
Để phản đối quy định này, một nàn sóng biểu tình và bãi khóa diễn ra mạnh mẽ từ tuần trước. Cho đến hôm qua, căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm. Vào đêm qua 28/9 và sáng nay, cảnh sát Hong Kong đã sử dụng hơi cay và dùi cui để cố gắng giải tán đám đông người biểu tình. Tuy nhiên họ không thể ngăn nổi hàng ngàn người đã chiếm các địa điểm công cộng ở vịnh Causeway và Mong Kok.
Các nhà đàm phán đã yêu cầu cảnh sát mở đường cho những người đi làm sáng nay tới công sở, nhưng những người tổ chức biểu tình từ chối. Họ đòi nói chuyện với một quan chức cấp cao của chính quyền Hong Kong để bắt đầu đàm phán.
Cận cảnh cuộc biểu tình dữ dội nhất hai thập kỷ ở Hong Kong Nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và đoàn biểu tình đòi dân chủ của hàng nghìn người Hong Kong liên tục nổ ra. |