Bỏ bằng cử nhân về quê nuôi loài ăn đêm ngủ ngày: Bán làm đặc sản, thu nhập hàng tỷ

( PHUNUTODAY ) - Từ bỏ tấm bằng cử nhân đại học kinh tế Đà Nẵng về quê khởi nghiệp nuôi loài động vật gặm nhấm thức ăn chủ yếu là ngô, mía, lá tre, thân cỏ thu lãi to.

Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm nên giá thành tương đối cao. Nghề nuôi dúi cũng không phức tạp có thể mang về lợi nhuận lớn cho người chăn nuôi.

Đặc điểm loài dúi

Dúi (chuột nứa) là loài động vật gặm nhấm nên thức ăn chủ yếu là ngô, mía, lá tre, thân cỏ. Trong tự nhiên, dúi ăn chủ yếu rễ tre và măng tre. Ngoài ra, dúi còn ăn các loại hạt, củ, quả, thân cây mía. Con dúi dễ nuôi, chủ yếu ăn đêm ngủ ngày nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn dễ tìm như cây, cỏ và rau, củ các loại.

Đặc tính của con dúi là sống trong bóng tối, không để ánh mặt trời lọt vào. Dúi nuôi càng lâu thì thịt sẽ săn chắc và thơm ngon. Dúi có trọng lượng từ 3-5g là có thể bắt đầu nuôi giống, nuôi trong vòng 6 tháng là có thể xuất bán thương phẩm với trọng lượng từ 1-1,5 kg. Dúi thương phẩm nuôi khoảng 6-8 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng 2–3 kg/con.

Dúi (chuột nứa) là loài động vật gặm nhấm nên thức ăn chủ yếu là ngô, mía, lá tre, thân cỏ.

Dúi (chuột nứa) là loài động vật gặm nhấm nên thức ăn chủ yếu là ngô, mía, lá tre, thân cỏ.

Loài dúi sinh sản nhanh, chỉ 3-4 tháng, dúi sinh 1 lần. Mỗi dúi mẹ đẻ từ 4 đến năm con. Dúi con được 45 ngày thì tách mẹ, 75 ngày có thể bán giống. Khi dúi sinh đẻ thì không được để người lạ đến gần vì dúi có một đặc tính sau khi đẻ, trong vòng một tuần trở lại mà có người ra vào, gặp hơi lạ là dúi mẹ quay ra cắn con cho đến chết. Cần phải kiểm soát việc sinh sản, không nên cho Dúi sinh sản quá nhiều (cho dúi đẻ 3 lứa/năm là vừa). Nên khống chế trọng lượng Dúi mẹ ở mức dưới 2 kg.

Bỏ bằng cử nhân về quê nuôi dúi, bán làm món đặc sản lạ thu lãi to

Chị Nguyễn Thị Phượng từ bỏ tấm bằng cử nhân đại học kinh tế Đà Nẵng về quê khởi nghiệp với con dúi. Khi đó chẳng ai ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Đà Nẵng biết con dúi mặt mũi trông như thế nào. Muốn nuôi dúi người dân cần xin phép kiểm lâm, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật. Khi đó, chị Phượng vét hết tiết kiệm được 15 triệu, bắt xe lên tận Thái Nguyên mua được 10 con dúi, nhưng di chuyển về nhà thì chết mất 9 con do đi bằng xe du lịch, dúi không quen thay đổi nhiệt độ ổn định.

Đón nhận thất bại ngay từ khi khởi nghiệp, chị Phượng không bỏ cuộc. Ngày lên giảng đường học bài, đêm chị lên mạng tìm hiểu, mua thêm con giống về nuôi với mơ ước mở trang trại dúi.

Tốt nghiệp đại học năm 2011, trong khi bạn bè chọn ở lại thành phố tìm việc, chị về quê thuê đất mở trang trại nuôi dúi. Nghe con gái trình bày ý tưởng, bố mẹ chị phản đối, nói cho con ăn học để thoát khỏi cảnh làm nông, hỗ trợ nuôi hai em học hành, đằng này về quê chăn nuôi, chẳng khác nào “đốt tiền” của ông bà.

Chị Phượng kiên trì giải thích dúi dễ nuôi, thức ăn sẵn có nên quyết tâm làm. Trang trại nhỏ được dựng lên, chị vay mượn người thân một cây vàng đem bán lấy tiền mua 35 con giống. Thời gian đầu dúi chết rải rác, lỗ vài chục triệu đồng. Vừa làm, chị vừa học hỏi, dần dần rút được kinh nghiệm thiết kế chuồng trại ấm vào mùa lạnh, mát vào mùa nắng để tránh vật nuôi bị mắc bệnh.

Dúi mẹ mỗi năm sinh sản 3 lứa, được 6-7 con. Sau ba năm, chị Phượng sở hữu trang trại dúi với 100 con sinh sản, mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn con dúi giống lẫn thịt. Chị liên kết thêm nhiều hộ chăn nuôi khác để mở rộng mô hình, cung cấp con giống và đảm bảo thu mua thương phẩm cho người nuôi.

“Ba năm đầu thử nghiệm nuôi và nhân giống, tôi trải qua không biết bao nhiêu lần đứng ngồi không yên vì dúi chết không rõ nguyên nhân, có lúc tưởng chừng đứt gánh giữa đường”, chị kể.

Hiện chị Phượng chủ yếu nuôi dúi giống sinh sản, còn dúi thương phẩm thu mua trong chuỗi liên kết gần 50 hộ dân đưa đi tiêu thụ. Chị hoàn toàn sử dụng thức ăn tự nhiên như tre, mía, cỏ voi, khoai lang, cây sắn. “Cách nuôi này mất thời gian, song chất lượng thịt ngon hơn nuôi bột công nghiệp. Sản phẩm mình làm ra đem bán thấy tự tin về chất lượng, được nhiều nơi ưa chuộng”, chị nói.

Bình quân mỗi tháng chị Phượng bán 500-700 con dúi thương phẩm, thị trường chủ yếu các tỉnh phía Nam, giá dao động 550.000-650.000 đồng/kg. Dúi giống khoảng 300 con, giá 0,8-3 triệu đồng một cặp. Khách mua giống được chị bảo hành 10 ngày, nếu gặp rủi ro sẽ hỗ trợ.

Mỗi năm nuôi dúi giống và bao tiêu sản phẩm, chị Phượng thu về gần một tỷ đồng, trừ các chi phí lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Chị xây dựng khu riêng nhằm giới thiệu và hướng dẫn cách làm chuồng trại, kỹ thuật nuôi dúi thuần tự nhiên. “Với khách hàng, tôi không ngần ngại chia sẻ về những lần thất bại, luôn khuyên họ phải biết trước điều này và dám vượt qua”, chị Phượng kể.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm với 4-5 lần suýt sạt nghiệp, chị bảo không hối tiếc. Khởi nghiệp bận rộn, lo tính toán đầu vào, đầu ra, đảm bảo chất lượng sản phẩm và suốt ngày gắn bó với chuồng trại, nhưng chị thấy vui vì được làm chủ trên quê hương mình, được thỏa đam mê chăn nuôi. “Tôi dự tính mở rộng chuỗi liên kết và kinh doanh dúi thương phẩm sạch. Thịt dúi sẽ đi vào các cửa hàng, siêu thị”, bà mẹ ba con chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Phượng từ bỏ tấm bằng cử nhân đại học kinh tế Đà Nẵng về quê khởi nghiệp với con dúi.

Chị Nguyễn Thị Phượng từ bỏ tấm bằng cử nhân đại học kinh tế Đà Nẵng về quê khởi nghiệp với con dúi.

Nhiều người thành công với khởi nghiệp từ con dúi

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ nuôi dúi, anh Phạm Văn Bào (An Giang) và anh Lê Hữu Như Ý (Quảng Bình) đã đầu tư mô hình nuôi, có thu nhập ổn định.

Quê gốc ở Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp THPT rồi lên TP Đà Nẵng làm nghề dịch vụ du lịch, tại đây, anh Lê Hữu Như Ý quen và kết hôn với một cô gái người Quảng Bình. Cuộc sống hôn nhân chưa kịp ổn định, hai vợ chồng đều thất nghiệp do đại dịch Covid - 19. Năm 2020, vợ chồng anh bàn với nhau về quê vợ sinh sống.

Trong một lần tình cờ lên mạng Internet, anh biết đến mô hình nuôi dúi. Nhận thấy dúi dễ nuôi lại có cơ hội để phát triển kinh tế nên anh quyết định mua về nuôi thử.

Nghĩ là làm, ban đầu anh mua con giống của người dân trên địa bàn săn bắt được, với dự định nuôi giống dúi tự nhiên thuần chủng. Nhưng sau một thời gian, nhận thấy dúi tự nhiên vốn khó thích nghi với môi trường nuôi nhốt, chậm lớn và hao hụt dần.

Bước đầu thất bại nhưng anh Ý vẫn quyết tâm mày mò, tìm hiểu để học hỏi thêm kinh nghiệm. Từ đó, anh biết thức ăn cho dúi như: tre, nứa, mía không được quá non hoặc quá già. Đặc biệt loài vật này kỵ nước, không ưa ánh sáng và nhiệt độ cao.

Khi đã đủ tự tin, anh Ý quyết định ra Thanh Hóa mua 8 cặp dúi mốc, giống dúi thương phẩm về nuôi. Thời điểm đó, nhiều người đã can ngăn anh và không tin con vật nhỏ bé này có thể tạo ra thu nhập.

Bỏ ngoài tai những lời điều tiếng, suốt gần một năm "ăn dúi, ngủ dúi", anh đã dần khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng. Cứ như vậy, anh vừa nuôi, vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, đàn dúi của anh cứ thế lớn nhanh và xuất chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện tại, trang trại dúi của Lê Hữu Như Ý đang nuôi 2 loại dúi, dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác. Bên cạnh nuôi dúi thịt thương phẩm, gần 3 năm nay, Lê Hữu Như Ý đã nắm chắc kỹ thuật chọn dúi ghép đôi sinh sản để bán dúi giống.

Theo Ý, trung bình mỗi năm, dúi sẽ sinh 3 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con. Các loại dúi thịt và dúi giống của Ý hiện được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành, như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh thành phía Nam. Mỗi năm, trại nuôi dúi của Ý thu lãi được trên 300 triệu đồng.

Một tấm gương làm giàu từ nuôi dúi đó là ông Lê Trọng Lệ ở xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) có thu tiền tỷ mỗi năm. Vốn yêu thích việc chăn nuôi từ nhỏ, nên ông nghĩ ra ý tưởng làm kinh tế trang trại. Qua tìm hiểu, ông Lệ biết, dúi là loài vật nuôi khó tính, nhưng nếu biết cách, con vật này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, ông quyết định làm trang trại nuôi dúi.

“Thời điểm này, người nuôi dúi ở Việt Nam còn ít, tôi phải đi sang tận Lào để tìm mua giống. Lúc bấy giờ, tôi chỉ dám mua 100 con giống về nuôi thử nghiệm trong chuồng trại hơn 100m2”, ông Lệ chia sẻ.

Thời gian đầu, dúi nuôi phát triển tốt và lớn nhanh, ông mạnh dạn nhân đàn lên hàng trăm con. Tưởng chừng như đã thành công, năm 2010, bỗng nhiên đàn dúi của ông đổ bệnh, chết la liệt. Vụ đó khiến ông lỗ hơn 300 triệu đồng. Vợ ông xót của nên đã ngăn cản, không cho ông chăn nuôi nữa.

Không muốn làm người thất bại, ông Lệ tiếp tục khăn gói sang Lào học hỏi kinh nghiệm. Sau thời gian học hỏi, nắm rõ các kiến thức, kỹ thuật, ông tìm ra nguyên nhân khiến dúi của mình chết là do kỹ thuật chăn nuôi chưa chuẩn. “Sau khi về quê, tôi lập tức cải tạo lại hệ thống chuồng trại, đồng thời chú trọng đến kỹ thuật chăn nuôi. Dúi là loại vật nuôi khó tính, nên mùa hè tôi phải bật quạt mát, mùa đông phải sưởi ấm cho chúng”, ông Lệ chia sẻ.

Với kỹ thuật nuôi trên, mô hình nuôi dúi của ông Lệ đã thành công. Hiện ông có 4 cơ sở nuôi dúi ở các tỉnh Thanh Hóa, TP.HCM, Đắk Lắk, Thái Nguyên, mỗi năm đem về thu nhập tiền tỷ.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link