Bố mẹ hoảng hồn khi phát hiện chiếc đèn đồ chơi trong phổi bé 6 tuổi

( PHUNUTODAY ) - Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị hóc dị vật trong phổi, gây phản ứng ho nhiều, cần tiến hành can thiệp gắp dị vật nội soi.

Ngày 5/1, tin từ Khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, các bác sĩ của bệnh viên vừa tiến hành phẫu thuật nội soi, lấy một dị vật bằng nhựa trong phổi em bé N.N.M (6 tuổi, trú tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).

Trước đó vào ngày 2/1, vợ chồng chị N.T.H (trú tại TX Hoàng Mai) nghe thấy tiếng kèn phát ra từ cổ họng cậu con trai 6 tuổi theo từng nhịp thở.

Kiểm tra cháu bé, vợ chồng chị H. hốt hoảng phát hiện chiếc kèn đồ chơi mà con trai vừa ngậm thổi không còn.

Gia đình vội vàng đưa bé M vào bệnh viện tỉnh. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị hóc dị vật trong phổi, gây phản ứng ho nhiều, cần tiến hành can thiệp gắp dị vật nội soi.

do choi nguy hiem 2 - phu

Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 10/11, bé gái Dương Tường V. (46 tháng tuổi) trú tại Phú Bình - Thái Nguyên chơi đồ chơi một mình, không có người trông coi. Một lát sau, thấy cháu kêu đau tai phải, gia đình soi đèn vào thì phát hiện cháu đã tự nhét một mẩu đồ chơi nhựa vào sâu bên trong. Dù gia đình đã cố gắng gắp dị vật ra khỏi tai nhưng không được liền đưa V. nhập Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Sau khi soi chiếu, bác sỹ phát hiện dị vật hình tròn bằng nhựa nằm sát màng nhĩ.

Ngay sau đó, bệnh nhân được gây mê và tiến hành mổ gắp nội soi và đưa dị vật ra khỏi tai bé gái 4 tuổi. Rất may màng nhĩ của cháu bé không bị tổn thương. Thính giác của cháu không bị ảnh hưởng nhưng cần theo dõi thêm. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

do choi nguy hiem 1 - phu

Cha mẹ nên chú ý khi để con nhỏ chơi đồ chơi một mình (Ảnh minh họa).

Theo các bác sĩ, đồ chơi, hạt trái cây, đồng xu, đầu bút bi, cúc áo là những dị vật thường bị trẻ ngậm nuốt. Gặp nạn nhiều nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi, vì độ tuổi này thường đưa vào miệng những thứ mà bé cầm trên tay. Do đó, khi tai nạn xảy ra, nếu không phát hiện kịp thời, dị vật thực quản cũng rất nguy hiểm, gây áp xe vùng cổ, nhiễm trùng toàn thân và dẫn đến tử vong.

Để không xảy ra tai nạn đáng tiếc, phụ huynh không nên để trẻ cầm những vật nhỏ có thể đưa vào miệng. Nếu thấy trẻ trót nuốt, hoặc nghi ngờ trẻ nuốt vật lạ vào miệng, phải đưa đến cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.

Sai lầm thường mắc hơn cả khi thấy trẻ bị nuốt dị vật là người lớn đưa tay vào miệng trẻ móc dị vật. Điều này vô tình sẽ kích thích phản xạ co thắt thanh quản, phản xạ ho đẩy dị vật lên thanh quản gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và có thể làm trẻ tử vong nhanh chóng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn