Trong buổi làm việc, bà Lê Minh Hương, Phó vụ trưởng Công chức viên chức, Bộ Nội vụ đã thừa nhận thiếu sót khi không có văn bản chính thức trả lời Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh về việc xem xét tuyển dụng đặc cách các giáo viên hợp đồng có thời gian công tác trên 36 tháng, theo Nghị định 29 của Chính phủ về tuyển dụng viên chức.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Anh Tuấn.
Bên cạnh đó, ông Trần Anh Tuấn khẳng định, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các cá nhân có liên quan viết bản kiểm điểm, tự nhận trách nhiệm và hình thức kỷ luật. "Bộ sẽ sớm xử lý nghiêm những cán bộ này", ông Anh Tuấn nói.
Trong số cán bộ liên quan đến vụ việc có hai người của Vụ Công chức viên chức (Bộ Nội vụ) và một số cán bộ huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Liên quan tới vụ việc, hồi cuối tháng 4 vừa qua, gần 300 giáo viên có thâm niên tại các trường Tiểu học và THCS tại huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đã bị cắt hợp đồng giảng dạy để thay thế người mới. Không ít người đã bày tỏ sự bức xúc vì bị đẩy ra đường sau nhiều năm công tác, cống hiến cho ngành.
Ông Tuấn nhấn mạnh, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do các cán bộ ngành liên quan của huyện Yên Phong không xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức hàng năm, dẫn tới tình trạng tồn đọng hơn 500 giáo viên hợp đồng.
Trong buổi họp báo, nhiều phóng viên đề cập tới việc huyện Yên Phong có thể đã thực hiện công tác tuyển dụng sai chức danh nghề nghiệp vì hội đồng kiểm tra sát hạch của huyện gồm những cán bộ từ các phòng ban khác, không liên quan đến chuyên môn và chưa từng giảng dạy.
Đồng thời họ cũng phản ánh việc thu bảng điểm của các thí sinh trước khi vào vòng phỏng vấn sẽ có thể dẫn đến những tiêu cực.
Thứ trưởng Tuấn cho hay, theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, việc tuyển dụng viên chức ở Yên Phong vừa qua là đúng quy định pháp luật, "tuy vậy nếu đúng như báo chí phản ánh thì bộ sẽ cho người về thanh kiểm tra ngay".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, để tránh hiện tượng tiêu cực như dàn xếp điểm hoặc kết quả phỏng vấn, các địa phương nên thu bảng điểm học tập và điểm tốt nghiệp sau khi đã phỏng vấn.